Thành phố Hà Nội hiện có 6 tuyến đường sắt chạy qua với tổng chiều dài hơn 160 km, ghi nhận 560 giao cắt đường sắt và đường bộ.
Nhắc đến hoạt động của những quán cà phê nằm trong hành lang an toàn đường sắt khu vực các phường Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) nhiều người vẫn gọi là “cà phê đường tàu”. Tại đây, người dân và du khách tụ tập để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Khi tàu chạy qua, không ít người dường như vẫn thiếu ý thức, “lãng quên” sự an toàn của bản thân mặc cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả chủ quán nhiều lần khuyến cáo, cảnh báo. Khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát thì lượng người tụ tập ở đây càng đông hơn.
|
Tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu ở Hà Nội là "vi phạm rất nghiêm trọng", đe dọa an toàn chạy tàu (Ảnh: Tố Linh)
|
Trước đó, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cũng đã có văn bản gửi UBND các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này, đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý dứt điểm.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt (đường ngang), nhất là những đoạn đi qua khu đông dân cư vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.
Phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15m đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2m đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào.
Theo Điều 18 Mục 1 Chương II Luật Đường sắt năm 2017 (Luật số: 06/2017/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018): Trường hợp đường sắt, đường bộ chạy song song gần nhau thì phải bảo đảm đường này nằm ngoài hành lang an toàn giao thông của đường kia; trường hợp địa hình không cho phép thì trên lề đường bộ phía giáp với đường sắt phải xây dựng công trình phòng hộ ngăn cách, trừ trường hợp đỉnh ray đường sắt cao hơn mặt đường bộ từ 3m trở lên.
Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 9 Chương I Luật Đường sắt năm 2017 quy định: Nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
“Pháp luật quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấm các hoạt động vi phạm an toàn đường sắt, bao gồm hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu hoặc các hoạt động khác nếu các hoạt động này có vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có quyền xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt chứ chưa thể "xóa sổ" quán cà phê nếu các cơ sở này không vi phạm”, luật sư Kỹ khẳng định.
Do đó, UBND thành phố Hà Nội cần sớm nghiên cứu, ban hành quy định chủ cơ sở tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ giải khát ngoài phạm vi 2m tính từ mép ray đường sắt ngoài cùng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đồng thời, giải quyết dứt điểm tồn tại vi phạm trong phạm vi đất dành cho đường sắt, được quy định tại Điều 39 Chương VI Nghị định 56/2018/NĐ-CP, cũng như khẩn trương dỡ bỏ ngay các công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đường sắt và nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
Cụ thể, đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt trước ngày 01 tháng 7 năm 2018, giải quyết theo quy định của Luật Đường sắt năm 2005 và các quy định khác có liên quan của pháp luật; đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và quy định tại Nghị định này.
“Tới đây, thủ đô Hà Nội và các cơ quan liên quan cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đường sắt đến người dân, cũng như khẩn trương phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các quán cà phê đường tàu, vì một hình ảnh đẹp, an toàn của thành phố vì hòa bình”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.