Ngày 23/12, công an TP Đà Nẵng thông báo truy tìm ông "trùm" cầm đầu đường dây làm tiền giả quy mô lớn là Huỳnh Quốc Thái (33 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra công an TP Đà Nẵng bắt giữ Đoàn Văn Dương (33 tuổi), Hồ Văn Tiện (34 tuổi, cùng ngụ xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Như Phú (53 tuổi), Nguyễn Thị Cẩm Duyên (34 tuổi, cùng ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).
Tang vật thu giữ tại "sào huyệt" nhóm này ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh là hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng, 3 gói ma túy, 3 cây súng ngắn tự chế, 8 viên đạn và 1 quả lựu đạn.
Theo điều tra ban đầu, Thái và cả nhóm dùng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng và thuê địa điểm sản xuất tiền giả, mỗi nơi chỉ lưu lại 2 - 3 tháng. Nhóm chọn các khu vực giáp ranh, tập trung đông công nhân, người lao động lưu trú để dễ trà trộn, lắp đặt nhiều camera quanh "sào huyệt", thậm chí không đăng ký tạm trú, dùng sim "rác" và bộ đàm liên lạc với nhau.
|
Bên trong “sào huyệt” sản xuất tiền giả của đường dây do đối tượng Huỳnh Quốc Thái cầm đầu. (Ảnh: Văn Tiến) |
Huỳnh Quốc Thái mua máy scan, máy in màu, máy cắt, máy dập, máy tính, giấy in tiền, giấy ni lông và hướng dẫn Duyên, Phú tạo ra phôi tiền. Trong đó, Thái scan các tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng lên máy tính rồi chỉ đạo Duyên in tiền ra lên 2 mặt giấy A4. Mỗi tờ giấy A4 in được 4 tờ tiền.
Với tốc độ làm việc bình thường, mỗi ngày nhóm này làm khoảng 300 tờ A4, tức 1.200 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, tương đương 600 triệu đồng. Sau đó, Phú và một đối tượng khác thực hiện các bước tiếp theo như đục lỗ, cán màng ni lông, đánh bóng để tạo nên các tờ tiền thành phẩm.
Đối với nhóm tiêu thụ là Dương và Tiện, cả hai che biển số xe, đeo khẩu trang, dùng sim “rác” liên hệ với những người bán hàng qua mạng để gặp trực tiếp giao dịch.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho rằng hành vi phạm pháp của nhóm đối tượng nói trên thực sự là hồi chuông báo động đối với sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19 và hoạt động giao thương, mua sắm dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới.
Theo Bộ Công an, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi phạm pháp, và sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Chỉ cần vào mạng xã hội Facebook gõ từ khóa “mua bán tiền giả” thì rất nhanh sau đó xuất hiện hàng loạt trang đăng thông tin rao bán, diễn ra công khai, thách thức cơ quan chức năng với những lời chào mời có cánh như: "Giống tiền thật 98%", “không cần đặt cọc”, "thanh toán nhanh gọn"… kèm theo những số điện thoại của cả người bán.
Các đối tượng bán tiền giả không hề ngần ngại việc quảng cáo rầm rộ, ngay cả khi có người vào bình luận, hỏi mua hàng, họ cũng đều trả lời một cách thản nhiên mà không mảy may sợ hãi điều mình đang làm là vi phạm pháp luật.
Khoản 1 Điều 23 Mục 2 Chương III Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 (Luật số: 46/2010/QH12, ngày 16 tháng 6 năm 2010) nêu rõ: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm.
Trong khi đó, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Chương I và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 Chương II Luật An ninh mạng (Luật số: 24/2018/QH14, ngày 12 tháng 6 năm 2018), có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào số tiền giả thu giữ tại hiện trường, cùng với việc xác định làm rõ tổng số tiền mà nhóm đã sản xuất cung cấp ra thị trường, lực lượng chức năng sẽ củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định tại Điều 207 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo Điều 304 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, tùy thuộc vào trọng lượng số ma túy thu giữ được mà các đối tượng còn có thể bị phạt tù 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân quy định tại Điều 249 Chương XX Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật gia Lê Huy Vinh nhận định, dịp cận Tết, tiền giả không chỉ được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội mà còn được tiêu thụ với thủ đoạn tinh vi. Thủ đoạn phổ biến là dùng tiền giả có mệnh giá lớn để mua hàng có giá trị nhỏ sau đó nhận lại tiền thật. Trong khi khả năng phân biệt tiền thật, giả của người dân lại rất hạn chế, khiến cho hành vi lừa đảo này vẫn còn “đất sống”.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người tiêu dùng cần kiểm tra các đặc điểm bảo an của tiền thật. Màu sắc tiền giả thường đậm hơn, các hoa văn thường không rõ, mờ nhòe, không sắc nét bằng tiền thật. Khi dùng tay sờ thì thấy tiền giả mỏng hơn so với tiền thật, tiền giả không có độ nhám, mà thường trơn bóng.
“Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu hành tiền giả, nhất là vào thời điểm cuối năm. Để ngăn chặn, phòng tránh việc bị lừa khi sử dụng, lưu hành tiền giả, người dân cũng cần có thói quen kiểm tra kỹ lưỡng tiền khi tiến hành giao dịch, trao đổi mua bán, đồng thời tích cực sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt”, luật gia Vinh chia sẻ thêm./.