Theo thông tin từ Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An, đơn vị vừa bắt giữ đối tượng Đoàn Công Tuấn (SN 1975, trú tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương) về hành vi trộm cắp tài sản. Tuấn đã lấy trộm hơn 320 chiếc công tơ điện của Điện lực huyện Thanh Chương rồi đem đi tiêu thụ ở địa phương khác.
|
Đối tượng Hoàng Công Tuấn tại cơ quan điều tra. (Nguồn: vov.vn).
|
Trước đó, qua tiếp nhận tin báo của ngành Điện lực huyện Thanh Chương về việc đơn vị này bị mất trộm hàng trăm chiếc công tơ điện trên địa bàn, ngay lập tức, Công an huyện Thanh Chương đã tiến hành xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá.
Quá trình điều tra, ngày 20/4, Ban chuyên án bắt giữ đối tượng Đoàn Công Tuấn về hành vi trộm cắp tài sản. Tang vật thu giữ gồm 20 chiếc công tơ điện đã qua sử dụng là tài sản của Điện lực huyện Thanh Chương.
Đấu tranh mở rộng chuyên án, Đoàn Công Tuấn khai nhận đã lấy trộm 320 chiếc công tơ điện cũ đã qua sử dụng của Điện lực huyện Thanh Chương (giá mua mới mỗi chiếc công tơ điện khoảng từ 200.000 - 300.000 đồng). Để tránh sự phát hiện của người dân, đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp vào thời điểm đêm khuya (sau 24 giờ) rồi đem tài sản đi tiêu thụ tại huyện Đô Lương.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi vi phạm của đối tượng Đoàn Công Tuấn không mới bởi đã từng có những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm tương tự. Tuy nhiên, điều đáng nói ở vụ việc này là thủ đoạn tinh vi của Tuấn khi thường xuyên thực hiện hành vi trộm cắp vào thời điểm đêm khuya (sau 24 giờ), mang tài sản đi nơi khác tiêu thụ … khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp đấu tranh, triệt phá.
Đối với hành vi trộm cắp tài sản, theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Về mức xử phạt hành chính, luật sư Dương cho biết, đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Nội dung này được quy định tại điểm a, khoản 1, điều 15, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, mức phạt hành chính với hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật là từ 01 đến 02 triệu đồng.
Cùng với việc bị xử phạt vi phạm hành chính như trên, tùy thuộc vào thiệt hại về tài sản và mức độ nghiêm trọng gây ra, người có hành vi trộm cắp tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Cụ thể, tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 173, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, khung hình phạt của tội trộm cắp tài sản thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; cao nhất lên đến 20 năm tù.
"Đối chiếu những quy định nêu trên, trên cơ sở điều tra, xác minh vụ việc, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để xử lý. Mức xử lý vi phạm này bao gồm cả hình thức xử lý hành chính và xử lý hình sự (khi xác định rõ số tài sản thiệt hại). Thông qua vụ việc này, ngành chức năng (điện lực) cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp với chính quyền địa phương, với người dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên lĩnh vực mình quản lý, trong đó có công tơ điện. Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện sự việc vi phạm tương tự cần nhanh chóng trình báo, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an để được bảo vệ kịp thời, thu hồi, lấy lại tài sản đã mất” - luật sư Hoàng Dương cho biết thêm./.