Hình thức xử lý ô tô gắn biển giả chở hàng lậu?

Thứ tư, 25/05/2022 17:22
(ĐCSVN) - Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tài xế ô tô 7 chỗ nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi lực lượng Công an huyện Bến Lức (Long An) có mặt, kiểm tra trên xe phát hiện rất nhiều thuốc lá ngoại nhập lậu được ngụy trang dưới thùng carton (chưa rõ số lượng). Vậy hành vi vi phạm này sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao?.

Liên quan tới vụ tai nạn trên địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, quá trình điều tra, kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện phương tiện này gắn biển số giả và chở nhiều thuốc lá lậu. Theo đó, xác định ban đầu, ô tô 7 chỗ gắn biển số giả 51G.487.03 chở nhiều thuốc lá lậu đâm vào dải phân cách hư hỏng nặng. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ chủ phương tiện cũng như số hàng liên quan do chưa xác định được người điều khiển phương tiện gây tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn xe ô tô gắn biển giả, trên xe chở nhiều bao thuốc lá lậu. (Nguồn: thanhnien.vn)

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, quy định xử lý liên quan đến hành vi vi phạm của đối tượng nêu trên đã có, do đó, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý.

 Theo Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

 Thông tư 58/2020/TT-BCA chỉ rõ, chỉ các cơ quan sau mới được cấp biển số xe: Cục Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an cấp huyện.

 Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”.

 Mức phạt đối với lái xe ôtô là 4-6 triệu đồng; chủ nhân chiếc xe ôtô là cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 8-12 triệu đồng.

 Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, việc làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

 Trong khi đó, hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; theo khoản 1, điều 191, mục 1, chương XVIII,  Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối tượng vi phạm có thể sẽ phải đối diện với hình thức xử lý bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 Cùng với hành vi này, nếu tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; theo khoản 2, điều 191, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

 Trường hợp tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên; theo khoản 3, điều 191, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối tượng vi phạm sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

 “Như vậy, quy định pháp luật để xử lý hành vi vi phạm của đối tượng nêu trên đã được quy định rõ. Do đối tượng vi phạm đã bỏ trốn, nhưng với quyết tâm điều tra, làm rõ vụ việc, đối tượng vi phạm với quả tang là số thuốc lá điếu nhập lậu đối tượng tàng trữ, vận chuyển trên xe ô tô, cơ quan chức năng sẽ có đủ căn cứ để xem xét xử lý đối tượng vi phạm đúng người đúng tội. Việc cần thực hiện ngay lúc này là sớm truy tìm được đối tượng vi phạm để tiến hành làm rõ, truy tố hành vi vi phạm khi có đủ căn cứ xác định vi phạm” – luật sư Đặng Văn Tiến phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực