Hình thức xử lý với hành vi sản xuất dầu nhớt giả?

Thứ năm, 10/03/2022 16:44
(ĐCSVN) - Tại thời điểm tình trạng giá xăng, dầu, nhiên liệu đang ở mức cao kỷ lục, lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã bắt tay nhau thực hiện sản xuất xăng dầu giả để thu lợi bất chính. Vụ việc sản xuất dầu nhớt giả tại Đồng Nai vừa bị lực lượng chức năng triệt phá đang gây bức xúc dư luận về mức độ, thủ đoạn sai phạm của các đối tượng.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, đơn vị vừa phối hợp Cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 (Quân khu 7) triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán nhớt giả quy mô lớn. Theo đó, ngày 6/3, tại xí nghiệp chế biến nông sản thực phẩm thuộc Công ty TNHH một thành viên Đông Hải, Quân khu 7 (gọi tắt là Kho 580, địa chỉ ấp 7, xã An Phước, Long Thành), lực lượng chức năng đã bắt quả tang Nguyễn Thị Tho (44 tuổi), Đồng Văn Quân (36 tuổi), Lê Anh Tuấn (26 tuổi) cùng một số người khác đang sản xuất dầu nhớt giả. Cùng thời điểm trên, các tổ công tác khác khám xét xưởng sản xuất nhớt giả của Vũ Thị Nở (48 tuổi) ở khu phố 5A, phường Long Bình, TP Biên Hòa và kho chứa thành phẩm nhớt giả của Nở tại khu phố Thống Nhất 2, phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

 Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, kiểm đếm tang vật vụ án sản xuất,

buôn bán nhớt giả quy mô lớn. (Nguồn: tuoitre.vn)

Lực lượng chức năng đã thu giữ 273 thùng chứa, hơn 5.000 xô, can, chai thành phẩm các loại nhớt bên ngoài bao bì mang nhãn hiệu nổi tiếng (Castrol, Honda, Yamaha, Shell), 134 thùng phuy sắt nghi chứa nhớt giả, 4 xe tải và nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến việc mua bán nhớt giả. Bước đầu công an xác định những người này mua dầu nhớt kém chất lượng, nhớt thải tái chế và bao bì, tem của các nhãn hiệu nhớt nổi tiếng về sản xuất nhớt giả bán ra thị trường.

 Cũng theo Công an Đồng Nai, năm 2015, nhóm trên từng bị Công an huyện Trảng Bom bắt giữ về hành vi sản xuất nhớt giả.

 Như vậy, hành vi vi phạm của đối tượng đã rõ. Tuy nhiên, hình thức xử lý sẽ thực hiện như thế nào? Theo luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tùy thuộc vào tính chất; mức độ nguy hiểm mà hành vi sản xuất dầu nhớt giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng giả.

 Theo đó, về hình thức xử phạt hành chính, mức xử phạt căn cứ theo điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức xử phạt thấp nhất là 5 triệu đồng; cao nhất lên đến 100 triệu đồng.

 Về mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi sản xuất dầu nhớt giả cấu thành tội sản xuất; buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) bao gồm các khung hình phạt như sau:

- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây; nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này; thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Buôn bán qua biên giới;

- Tái phạm nguy hiểm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 “Như vậy, những căn cứ pháp lý xử phạt hành vi sản xuất dầu nhớt giả đã có. Tuy nhiên, quá trình xử lý hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ dựa trên các tình tiết liên quan, phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp. Trường hợp vi phạm của nhóm đối tượng này do đã từng bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì có thể xem xét tình tiết tăng nặng do tái phạm, do đó, sẽ có đủ căn cứ pháp lý để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý sai phạm không những bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tránh những thiệt hại phải chịu do hành vi sai phạm của các đối tượng trên gây ra” – Luật sư Hoàng Dương cho biết thêm./.

Tuấn Quang - TQ (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực