Khách sạn có được phép giữ căn cước công dân của khách?

Thứ tư, 31/08/2022 18:33
(ĐCSVN) - Bạn Đức Trung, địa chỉ tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh hỏi: Trường hợp tôi lưu trú qua đêm, các nhà nghỉ, khách sạn tạm giữ căn cước công dân của khách, liệu việc này có đúng quy định của pháp luật hay không và người khiếu nại, tố cáo cần có các nghĩa vụ gì?
Khách sạn, nhà nghỉ lưu trú qua đêm, chủ cơ sở, lễ tân không có quyền giữ căn cước công dân của khách. (Ảnh minh họa)

Giải đáp câu hỏi này, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hầu hết các nhà nghỉ vẫn tạm giữ căn cước công dân vì sợ khách không trả tiền phòng, song theo quy định, chủ cơ sở, lễ tân không có quyền giữ căn cước công dân của khách.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 quy định về việc thuê phòng tại khách sạn, nhà nghỉ, ở đây kinh doanh nhà nghỉ là một trong những ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có nghĩa vụ kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); Các loại giấy tờ có dán ảnh do cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp (như Giấy phép lái xe…).

Do đó, khách thuê phòng có trách nhiệm xuất trình giấy tờ tùy thân để được kiểm tra. Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí phòng nghỉ phải thông báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.

“Luật chỉ quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú này kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách để đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, sau khi kiểm tra, vào sổ thì phải trả khách ngay” – luật sư Thắng nói.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 7 Luật tiếp công dân 2013 (Luật số: 42/2013/QH13, ngày 25/11/2013) quy định người khiếu nại, tố cáo cần có các nghĩa vụ sau đây:

2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;

c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;

d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;

đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Ngoài ra, về chế tài xử phạt đối với hành vi thu giữ căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người thuê phòng nhà nghỉ, khách sạn, luật sư Nguyễn Phú Thắng cho biết: Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi chiếm đoạt, sử dụng chứng minh thư, thẻ căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt hành vi này thuộc về công an cấp xã (theo Điều 69 Nghị định 144/2021 của Chính phủ)./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực