Khung hình phạt hành vi livestream khi đang lái xe ô tô gây tai nạn?

Thứ năm, 19/05/2022 09:57
(ĐCSVN) - Khi trực tiếp lái xe ô tô có được phép livestream? Nếu gây ra tai nạn thì người lái xe phải chịu trách nhiệm pháp lý thế nào?

Vừa qua, đã xảy ra vụ va chạm giao thông giữa ô tô và xe máy khiến một nữ sinh tử vong tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Đáng chú ý, người điều khiển xe ô tô được xác định là vừa livestream (đề cập đến phương tiện truyền phát trực tuyến đồng thời được ghi lại và phát trong thời gian thực) vừa lái xe.

Cụ thể, vào lúc 07h30' ngày 12/5, tại khu vực giao nhau giữa đường 30-4 và đường Phạm Ngọc Thạch (thuộc địa bàn tổ 3C, thị trấn Đạ Tẻh), cháu N.Y.N (16 tuổi) trú tại thị trấn Đạ Tẻh điều khiển xe đạp điện đến trường học thì bị xe mô tô BKS 49N1-130.33 do anh T. điều khiển va chạm khiến cháu N. ngã ra đường.

Lúc này, chị N.N.Th (40 tuổi) ngụ thôn Phú Thành, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh điều khiển xe ô tô BKS 49A-450.32 lưu thông từ phía sau cán qua người khiến cháu N. tử vong tại chỗ.

 Hiện trường vụ tai nạn khiến một học sinh cấp 3 tử vong. (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)

Theo thông tin ban đầu, chị Th. được xác định là đang livestream khi điều khiển xe ô tô nên không kịp xử lý tình huống giao thông, cũng như không xuất trình được Giấy phép lái xe ô tô.

Liên quan đến vụ tai nạn đáng tiếc này, trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nhận định, sau khi theo dõi đoạn clip ghi lại trong trường hợp này thì có khả năng đây là lỗi hỗn hợp (nhiều bên có lỗi).

Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng sẽ xem xét, đánh giá mức độ lỗi của các bên, xác định đâu là lỗi chính, đâu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của nạn nhân, từ đó, làm căn cứ để khởi tố bị can.

Có thể thấy, hai hành vi vừa lái xe vừa livestream (tức là đã có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường) và không xuất trình được Giấy phép lái xe theo quy định đều bị cấm theo quy định tại Khoản 9 và Khoản 23, Điều 8, Chương I, Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008).

Theo đó, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường nhận mức phạt 2 - 3 triệu đồng (căn cứ Điểm d, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021). Mức phạt này cao hơn so với Nghị định 100/2019 NĐ-CP trước đó (chỉ phạt từ 1 - 2 triệu đồng).

Đó là mức xử phạt hành chính cho hành vi đang chạy xe mà dùng tay sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đã có tai nạn chết người xảy ra nên người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Về tội danh, theo Luật sư Kỹ, sau khi xác định được lỗi của các bên, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Mục 1, Chương XXI, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 1 người, hoặc gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Đáng chú ý, trường hợp phạm tội mà không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc gây tai nạn trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Do đó, các chuyên gia an toàn giao thông cũng như dư luận xã hội đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên tuần tra, theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện, vì một xã hội văn minh và an toàn.

“Mặt khác, mọi người khi tham gia giao thông cũng cần rèn luyện ý thức tuân thủ nghiêm các quy định của luật, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc”, Luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực