Khung hình phạt hành vi lừa đảo góp vốn thành lập ngân hàng?

Thứ hai, 18/04/2022 18:04
(ĐCSVN) - Công an TP Hồ Chí Minh đang mở rộng điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Phùng Thị Nghệ (37 tuổi) lừa đảo chiếm đoạt hơn 650 tỷ đồng bằng chiêu thức tạo niềm tin với người đã quen biết, sau đó vẽ ra các dự án làm ăn với lợi nhuận cao, rủ góp vốn.

Theo hồ sơ điều tra vụ án, trong thời gian đầu (khoảng 1 năm), bị can Nghệ trả lợi nhuận (với lãi suất rất hấp dẫn) cho các nạn nhân đầy đủ, đúng thời gian như cam kết. Khi các nạn nhân đã tin tưởng và hưởng lợi nhuận rất cao từ việc góp vốn cùng kinh doanh thì Nghệ đưa ra thông tin gian dối về việc thành lập ngân hàng và cam kết, hứa hẹn cho các cá nhân đứng tên cổ phần sau khi ngân hàng được thành lập, mục đích để chiếm đoạt tiền của họ.

“Ngân hàng ngoại hối” lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam mà bị can vẽ ra rất phù hợp với ngành nghề Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng Phát (nơi Phùng Thị Nghệ làm Chủ tịch HĐQT). Để chiêu dụ con mồi, vợ chồng Nghệ thường xuyên đưa các “đối tác”về nhà riêng, trụ sở doanh nghiệp ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), giới thiệu hàng chục chiếc siêu xe và những thú ăn chơi xa hoa.

Phùng Thị Nghệ trước và sau khi bị công an TP HCM bắt tạm giam (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)

Phùng Thị Nghệ luôn chủ động gửi vào nhóm trò chuyện trên Zalo, Viber, Facebook với các “đối tác” những phiếu chi, chuyển tiền của ngân hàng với số tiền vài chục tỷ cho đến hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, các nạn nhân đã tin tưởng Nghệ là doanh nhân trẻ, làm ăn đàng hoàng và việc thành lập ngân hàng ngoại hối là hoàn toàn có cơ sở, nên dốc hết tài sản để góp vốn làm cổ đông.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khẩn trương thu thập đủ chứng cứ xác minh hành vi phạm tội của đối tượng Phùng Thị Nghệ, và tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định.

Căn cứ Khoản 4 Điều 175 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đối tượng Nghệ có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 174 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng Nghệ có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cũng theo luật sư Tuấn, số tiền mà bị can Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt là rất lớn, và sau khi bản án có hiệu lực, việc tổ chức thu hồi và trả lại cho các bị hại sẽ được tiến hành, xử lý theo trình tự: Các nạn nhân có đơn yêu cầu kèm theo các tài liệu liên quan (như bản án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu nhân thân của người yêu cầu,…) và nộp tại Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh; Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu và ra quyết định thi hành án; Cục Thi hành án dân sự TP Hồ chí Minh sẽ hoàn tất các thủ tục và tổ chức thi hành án theo đúng quy định./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực