Mức án nào với hành vi giả mạo công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Thứ năm, 21/04/2022 16:39
(ĐCSVN) - Ngày 21/4, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang điều tra vụ một phụ nữ ở TX.Quảng Yên bị "công an rởm” lừa đảo hơn 1,4 tỉ đồng. Hành vi này đã được cảnh báo, tuy nhiên, nhiều người dân vì thiếu cảnh giác vẫn đang tiếp tục bị “sập bẫy” các đối tượng xấu.

Theo trình báo của chị V.T.L.A (23 tuổi, trú TX.Quảng Yên), khoảng 14 giờ ngày 30/3, từ số điện thoại +00174430790150 gọi đến cho chị, một người đàn ông tự giới thiệu tên Bùi Ngọc Hân, cán bộ Cục quản lý giao thông đường bộ số 3 (TP.Đà Nẵng), số hiệu là 121522, cho biết chị L.A điều khiển ô tô vi phạm luật giao thông.

 Công an Quảng Ninh cảnh báo tình trạng giả danh cơ quan chức năng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
(Nguồn: thanhnien.vn).

Vị "cán bộ" nói trên thông tin, ngày 15/3, chị L.A. thuê ô tô Huyndai Grand i10, BS 43A - 688.52 lưu thông ở TP.Đà Nẵng và gây tai nạn tại đường Điện Biên Phủ, đoạn giao nhau với đường Nguyễn Tri Phương (Q.Thanh Khê). Sau đó cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính chị L.A số tiền 16,8 triệu đồng.

 Khi chị L.A khẳng định mình không đi vào TP.Đà Nẵng thì người này bảo chị giữ máy để kết nối với cán bộ Công an Đà Nẵng để được giải quyết. Qua điện thoại, giọng một người nam giới thiệu tên Triệu Khải Duy, cấp bậc đại úy, cán bộ Công an TP.Đà Nẵng. "Đại úy Duy" cho biết liên quan đến một vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền, cơ quan đã bắt giữ được 2 đối tượng, các đối tượng này khai chị L.A có liên quan đến vụ án.

 Sau đó, "đại úy Duy" bảo chị L.A phải giữ bí mật thông tin, nội dung cuộc nói chuyện đang được ghi âm lại để làm bằng chứng trước tòa. Ngoài ra, "đại úy Duy" còn yêu cầu chị L.A cung cấp các thông tin, gồm: họ và tên, số căn cước công dân rồi hướng dẫn chị vào Google Chrome, truy cập vào trang web của Bộ Công an để tải 1 ứng dụng có tên "Phần mềm bảo mật".

 Sau khi sử dụng iPad, tải ứng dụng "Phần mềm bảo mật", Duy đọc cho chị L.A 1 dãy số để truy cập ứng dụng "phần mềm bảo mật". Chị L.A thấy có các mục ô trống thông tin cá nhân, gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ trên căn cước công dân, số điện thoại, tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng.

 Chị L.A đã điền đầy đủ thông tin vào các ô trống thì "đại úy Duy" bảo chị L.A tải 1 app có tên "WhatsApp" về điện thoại để quản lý. Sau đó, Duy nói chị không được đi khỏi nơi cư trú, cứ 1 tiếng phải nhắn tin trên app "WhatsApp" để báo cáo, giám sát. Tiếp đó, "đại úy Duy" yêu cầu chị L.A khai báo toàn bộ tài sản đang đứng tên, nếu không khai báo sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước. Rồi "đại úy Duy" gửi cho chị L.A hình ảnh "Lệnh bắt tạm giam và quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát về việc tạm giữ niêm phong tài sản đối với chị V.T.L.A của Viện KSND TP.Đà Nẵng".

 Do lo sợ nên chị L.A đã cung cấp 3 tài khoản ngân hàng của mình cho Duy. Sau khi có thông tin, Duy không nói gì nữa mà tắt máy. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, nghi ngờ bị lừa, chị L.A gọi điện đến số tổng đài của ngân hàng Techcombank, tra cứu số tiền trong tài khoản của mình thì phát hiện toàn bộ số tiền 1,439 tỉ đồng trong tài khoản đã bị chiếm đoạt hết.

 Phân tích hành vi vi phạm của vị "cán bộ công an" này, luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là sự việc thực sự đáng tiếc, bởi thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát đi cảnh báo về hành vi phạm tội này. Chỉ vì thiếu cảnh giác, không kịp thời trình báo cơ quan chức năng mà công dân “tiền mất, tật mang”. Do đó, khi nắm rõ hành vi, thủ đoạn này, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để xử lý đối tượng vi phạm với hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

 Đối chiếu hành vi, số tài sản chiếm đoạt nêu trên, căn cứ khoản 4, điều 174, chương XVI, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đối tượng vi phạm có thể sẽ phải đối diện với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

 Ngoài ra, theo khoản 5, điều 174, chương XVI, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Thông quan vụ việc vi phạm pháp luật này, mỗi công dân cần phải hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi tương tự. Trường hợp khi phát hiện dấu hiệu vi phạm nên nhanh chóng trình báo, phối hợp với cơ quan công an đề trấn áp, triệt phá. “Không nên chỉ vì một vài phút bất cẩn, mất cảnh giác mà toàn bộ tiền, tài sản bị đánh cắp hoàn toàn, ảnh hưởng tới các hoạt động trong đời sống sinh hoạt, nhất là vấn đề liên quan đến tài sản gắn liền với bản thân” – luật sư Thảo phân tích thêm./.

Mai Ngọc - T.Q

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực