Mức phạt do xâm phạm hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt?

Thứ sáu, 08/04/2022 16:23
(ĐCSVN) - Đầu tháng 3/2022, Công ty CP thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội phát hiện 2 hộ dân ở tổ 4, tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên là gia đình các ông Ngô Văn Thuấn và Vũ Hồng Hinh đã xây nhà có một phần diện tích đất vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
leftcenterrightdel
Đường dây thông tin tín hiệu đường sắt bị “luồn” qua công trình xây dựng (Ảnh: Đức Anh)

Vì vậy đơn vị đã lập biên bản, sau đó nhiều lần phối hợp với UBND thị trấn Phú Xuyên kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu dừng thi công, dỡ bỏ phần vi phạm.

Tuy nhiên, ngày 25/3, qua thực tế tại hiện trường, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND thị trấn Phú Xuyên (thành phố Hà Nội) xác nhận các hộ gia đình này tiếp tục vi phạm đã yêu cầu dừng thi công và tháo dỡ phần xây dựng vi phạm, hoàn trả nguyên trạng đất dành cho đường sắt trước ngày 31/3.

Tới ngày 4/4 chỉ có gia đình ông Vũ Hồng Hinh tạm dừng thi công nhưng chưa tháo dỡ phần vi phạm, trong khi gia đình ông Ngô Văn Thuấn còn đẩy nhanh tốc độ xây dựng, vi phạm nghiêm trọng hơn. Cụ thể, đường dây thông tin tín hiệu đường sắt bị “luồn” qua công trình xây dựng, cho công nhân buộc các đường dây này thành một bó để thuận tiện đi xuyên qua lòng nhà.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hệ thống đường dây thông tin tín hiệu đường sắt gồm dây trần và các bó cáp, để gửi và nhận tín hiệu, từ đó đưa ra cách xử lý, điều hành chạy tàu, đảm bảo an toàn chạy tàu. Trong đó có tiếp nhận và tự động xử lý tín hiệu tại các đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động, đưa ra tín hiệu cảnh báo tàu đến cho người tham gia giao thông.

Việc buộc các dây này vào nhau khiến can nhiễu, các điểm tiếp nhận tín hiệu không nhận được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu. Đặc biệt, nếu mất thông tin liên lạc khi tàu đang chạy nguy cơ dẫn đến sự cố tai nạn cao. Hơn nữa tuyến đường sắt Bắc - Nam mật độ chạy tàu cao, lưu lượng phương tiện đường bộ qua đường ngang lớn, nếu xảy ra sự cố, tai nạn, hậu quả rất nặng nề.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ - Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm đây là vi phạm nghiêm trọng, cần khẩn trương xử lý rốt ráo. Vì vậy, hôm nay, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục kiểm tra, xác minh tính pháp lý các công trình này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành giải tỏa, cưỡng chế theo quy định.

Dẫn nguồn tin từ lãnh đạo Phòng Thanh tra An toàn 1, Cục Đường sắt Việt Nam, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, công trình xây dựng nhà ở kiên cố của hai hộ gia đình ông Thuấn và ông Hinh trên một phần đất có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại trên phần đất không có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, diện tích vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt khá lớn, trên cả phần đất không có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, cả hai công trình này đều không có giấy phép xây dựng.

Luật sư Nguyễn Văn Kỹ phân tích, công trình của các hộ dân đã vi phạm Điểm a Khoản 4 Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, cá nhân xây dựng nhà, công trình khác (bao gồm cả công trình phục vụ quốc phòng, an ninh) trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng. Cùng đó buộc phải tháo dỡ, di chuyển nhà, công trình ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt.

Từ thực tế vụ việc, thiết nghĩ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần tích cực triển khai tổ chức rà soát, kiểm tra các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt để có cách xử lý tiếp theo. Ngoài ra, UBND huyện Phú Xuyên cũng phải thể hiện sự quyết tâm trong công tác giải tỏa, cưỡng chế công trình vi phạm.

Tất cả vì "an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà"./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực