Người đốt 3 xe ô tô sẽ bị xử lý thế nào?

Thứ hai, 14/03/2022 16:53
(ĐCSVN) - Những ngày qua dư luận tỏ ra bất bình trước việc kẻ xấu đốt cháy 03 xe ô tô tại địa bàn phường Tân Phong, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi trên bị xử lý thế nào?

Vào khoảng gần 4 giờ sáng ngày 12/3, camera an ninh ghi cảnh một người chạy xe máy tới đường số 40, phường Tân Phong, quận 7 (TP.HCM) châm lửa đốt tấm bạt che xe ô tô hiệu Vios và xe Xpander đang đậu dưới lòng đường. Ngay sau đó, ngọn lửa bùng lên lan ra xe. Vụ cháy được một người dân phát hiện, hô hoán và dùng nhiều bình chữa cháy mini dập được lửa, tuy nhiên lúc này chiếc xe Vios đã bị cháy đen, ngọn lửa trên xe Xpander tự tắt, nên xe chưa hư hại nặng. Cách đó không xa, trên đường số 67 người dân phát hiện thêm 1 ô tô hiệu CRV cháy trơ khung.

Qua camera an ninh, công an xác định có đối tượng đã chủ ý đốt những chiếc ô này nên đang vào cuộc truy xét.

Hiện trường 03 chiếc xe bị đốt cháy. Ảnh: Chinh Hoàng 

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Intera (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân. Những hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của kẻ xấu trong vụ việc trên là rất manh động, gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác; đã có đủ chứng cứ để cấu thành tội phạm mà hành vi cụ thể là hủy hoại tài sản của người khác là rất rõ ràng.

Với kết quả xác minh ban đầu, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án Hình sự về tội Hủy hoại tài sản theo điều 178 Bộ luật Hình sự đồng thời tiến hành điều tra, xác định những thiệt hại làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thiệt hại của những chiếc xe ô tô đã bị cháy. Với ba chiếc xe bị cháy như trên thì thiệt hại có thể đến hàng tỷ đồng. Cùng với việc xác định giá trị thiệt hại mà hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của chủ xe, lời khai của người làm chứng, xác định những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ xe với những người có liên quan.

Quá trình điều tra nếu xác định trường hợp người thực hiện hành vi đốt những chiếc xe này là người có đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự, nhận thức của hành vi được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có mục đích hủy hoại những chiếc xe này nên đã châm lửa đốt thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội Hủy hoại tài sản theo điều 178 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 4, điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 178 BLHS 2015).

  Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Intera (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh: KC

Trường hợp người thực hiện hành vi không có mâu thuẫn thù oán đối với các chủ xe và có biểu hiện tâm lý bất thường thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định tâm thần để xác định năng lực hành vi của người này. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm, người này mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi do bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây ra mà không có đồng phạm khác thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, căn cứ theo điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác sẽ phải bồi thường như sau:

Đền bù lại tài sản cùng loại với tài sản đã bị làm hủy hoại hoặc hư hỏng.

Đền bù phần lợi ích chính đáng gắn với việc sử dụng; khai thác bị mất hoặc bị giảm sút khi tài sản bị hủy hoại; hỏng hóc.

Đền bù chi phí mà bên bị hại phải bỏ ra để ngăn chặn; khắc phục thiệt hại.

Các chi phí đền bù với những thiệt hại thực tế khác.

Về việc bồi thường tài sản thiệt hại từ công ty bảo hiểm, Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, việc chủ xe được bồi thường hay không phụ thuộc vào công ty bảo hiểm và nội dung hợp đồng bảo hiểm xe ô tô giữa chủ xe với công ty bảo hiểm.

Cụ thể, đối với vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng đã xác định được bên thứ ba gây ra tổn thất, là những người đã khai nhận đốt xe do thù tức. Nếu công ty bảo hiểm mà chủ xe đã mua có điều khoản bảo hiểm cho loại tổn thất do hành động ác ý, thì chiếc xe bị đốt sẽ được bồi thường.

Để có căn cứ bồi thường, các chủ xe cần thông báo ngay cho đơn vị bán bảo hiểm. Theo đó khi xảy ra sự việc, nhân viên bảo hiểm sẽ xuống hiện trường để kiểm tra và thu thập thông tin. Trường hợp bên bảo hiểm yêu cầu biên bản hiện trường nếu có giám định của cơ quan chức năng thì chủ xe và bên bảo hiểm sẽ phối hợp để cùng nhau giải quyết.

“Thông thường những sự việc xảy ra đốt tài sản của người khác như nhà, xe… thì có thể do những mâu thuẫn cá nhân với nhau làm để trả thù. Tuy nhiên, dù do nguyên nhân khách quan, chủ quan từ các mâu thuẫn trong hoạt động kinh tế xã hội hay từ những mối quan hệ cá nhân dẫn tới hành vi đốt tài sản của người khác đều là vi phạm pháp luật.

Không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người khác, hành vi đốt xe còn làm ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương, do đó các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra là rõ thủ phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh nhằm tăng tính răn đe, giáo dục pháp luật, nhất là với những người đang có ý định thực hiện những hành vi xấu tương tự vụ việc trên” – Luật sư Hòe nói./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực