Người này mặt đỏ phừng phừng, có dấu hiệu đã sử dụng rượu bia, không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông, thậm chí còn có hành động xô đẩy, buông lời thách thức. Không thể thuyết phục người đàn ông này, lực lượng chức năng cùng người dân khống chế đưa về trụ sở.
Theo đại diện lãnh đạo công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ để xử lý người đàn ông uống rượu bia vẫn điều khiển xe ô tô. "Người đàn ông này vi phạm lúc say quá, không tỉnh táo, chưa đến mức xử lý hình sự", cán bộ công an này nói.
|
Người đàn ông say xỉn bị ực lượng công an khống chế do hành vi chống đối. (Ảnh: Cảnh Thắng). |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty TNHH luật Trường Sơn, trụ sở tại thành phố Hà Nội cho rằng việc sử dụng rượu bia tham gia giao thông là điều không hiếm gặp tại Việt Nam, đã và đang là một trong những nguyên nhân chính, đáng báo động gây ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc vừa qua.
Lực lượng chức năng sẽ sớm củng cố hồ sơ vụ việc và tiến hành các quy trình, quy định xử lý tiếp theo.
Cụ thể, nếu người đàn ông trung niên nói trên không mang theo Giấy phép lái xe thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 Mục 4 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 8 Điều này.
Qua thực tế tình hình và kết quả cụ thể đo nồng độ cồn, theo quy định tại Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Theo luật gia Hiển, trước đó, ngày 20/6, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đã tổ chức ra quân thực hiện cao điểm (trong 3 tháng từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9) kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến giao thông toàn quốc, trong đó có vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, đối với các trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia) là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... sẽ gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Do vậy, nếu lực lượng chức năng sau khi xem xét, đủ căn cứ xác thực nhân thân của người có hành vi vi phạm nêu trên, có thể làm các bước tiếp theo để xử lý theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2020) của Chính phủ quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định này áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách, và cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Luật gia Hiển cho rằng, mặc dù mức phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông hiện nay được đánh giá ở mức cao, song tình trạng người lái xe vi phạm nồng độ cồn và gây tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra.
Sử dụng rượu, bia là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng chúng lại vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe mà khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, có thể cướp đi tính mạng hoặc để lại thương tật suốt đời.
Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, nhưng trên hết, trước hết là ý thức người tham gia giao thông.
“Các tài xế cần luôn luôn tự giữ mình trước mọi lời mời và không nên cố gắng lái xe khi đang say xỉn, hãy nhớ: "đã uống rượu bia thì không lái xe" và "đã lái xe thì phải nói không với rượu bia", luật gia Hiển nhấn mạnh./.