Trách nhiệm bồi thường khi gây lún, nứt nhà kế bên

Thứ bảy, 24/04/2021 15:31
(ĐCSVN) - Trước ý kiến gửi về tòa soạn của bạn Vũ Đức, địa chỉ mai: vuduc75xx@gmail.com về việc, nhà kế bên gia đình anh đang yêu cầu bồi thường khi nhà anh tiến hành xây dựng nhà mới làm nứt lún. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư để làm rõ.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: V.L.

Bạn Vũ Đức đề nghị giải đáp về việc, nhà kế bên gia đình anh xây nhà vào thời điểm năm 1997, trong khi đó, năm 2018, gia đình anh Vũ Đức chính thức khởi công xây dựng và có để một khoảng trống giữa hai gia đình. Tuy nhiên, khi nhà anh Vũ Đức hoàn tất việc xây dựng thì nhà kế bên sang yêu cầu bồi thường bởi những vết lún, nứt do quá trình xây dựng công trình của nhà anh. Vậy xây nhà gây lún, nứt nhà hàng xóm phải bồi thường như thế nào? Quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra sao?.

 Về nội dung nêu trên, theo Luật sư Đỗ Huy Hoàng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 174, Mục 3, Chương XI, Phần thứ hai, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc xây dựng như sau: "Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh".

 Trong khi đó, Mục 3, Chương XI, Phần thứ hai, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định: "Ranh giới đất giữa các bất động sản được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác định theo tập quán hoặc ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Đồng thời, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác".

 Theo đó, bạn Vũ Đức cần xác định lại ranh giới đất giữa phần đất của gia đình bạn và nhà bên cạnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo sơ đồ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai gia đình để biết việc bạn xây dựng cách móng nhà cũ 20 cm là đúng hay không? Bởi theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015, gia đình bạn chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

 Về việc gia đình nhà bên cạnh bị nứt tường và yêu cầu gia đình bạn Vũ Đức bồi thường thì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều 584, Mục 1, Chương XX, Phần thứ Ba, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

- Có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại;

- Không phát sinh nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại;

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Như vậy, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của gia đình bạn có phát sinh hay không bạn cần xác định rõ các vấn đề sau: Gia đình bạn đã xây dựng đúng phần diện tích đất của nhà mình hay chưa? Nguyên nhân gây nứt tường của nhà bên cạnh là gì? 

 Nếu gia đình bạn trong quá trình xây dựng có lỗi gây ra thiệt hại hoặc việc xây dựng công trình của gia đình bạn không đảm bảo an toàn gây thiệt hại cho gia đình bên cạnh thì gia đình bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589, Mục 2, Chương XX, Phần thứ Ba, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015 như sau:

 "Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

 Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 4. Thiệt hại khác do luật quy định.".

 “Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được các yêu cầu về xác định cụ thể thiệt hại hoặc mức bồi thường, thì hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan chuyên môn có thẩm quyền vào cuộc để làm rõ, qua đó, bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật” – Luật sư Đỗ Huy Hoàng phân tích thêm./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực