Trách nhiệm các bên trong vụ ôtô gây tai nạn tại hầm chung cư

Thứ ba, 31/05/2022 17:34
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc xác định lỗi và quy trách nhiệm trong vụ tai nạn tại hầm tòa chung cư 6th Element đường Nguyễn Văn Huyên, khu đô thị Tây Hồ Tây phụ thuộc nhiều vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong đó, cần xác định rõ khu vực hầm chung cư có văn bản được phép đấu nối để coi là một tuyến đường giao thông hay chưa cũng như tình trạng thương tật của nạn nhân.

Theo công an quận Tây Hồ, rạng sáng 27/5, trưởng ca bảo vệ (chưa có giấy phép lái xe) điều khiển xe ô tô Mercedes S560 Maybach mất lái, tông hàng loạt xe máy, sau đó tiếp tục tông thẳng vào chốt bảo vệ hầm tòa nhà chung cư 6th Element đường Nguyễn Văn Huyên, khu đô thị Tây Hồ Tây.

Ngoài chiếc Mercedes bị nát đầu (biển số TP HCM mới mua với giá hơn 10 tỷ đồng), 17 xe máy điện, 01 xe máy xăng cùng 2 chốt kiểm soát gửi xe bị hư hỏng. Một nạn nhân bị thương nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.

Dựa trên nhiều yếu tố nghiệp vụ và bằng chứng hiện trường rõ ràng, lực lượng chức năng xác định chủ xe ô tô là khách đến chơi, đã giao chìa khóa cho bảo vệ để điều khiển phương tiện vào hầm. Ban quản lý tòa nhà đã cho bảo vệnày nghỉ việc.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ việc tại chung cư 6th Element do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư, gồm 2 tháp 38 tầng với gần 1.200 căn hộ nằm trong quần thể khu đô thị Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội (Ảnh: zingnews.vn)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định vụ tai nạn này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ 2008.

Cụ thể, theo Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc quản lý trật tự an toàn giao thông trong hầm chung cư, đường nội khu của các dự án đô thị là thách thức lớn với lực lượng chức năng vì khi xảy ra sự cố trong khu vực này rất khó có thể xem là một vụ tai nạn giao thông.

Xét các yếu tố cấu thành tai nạn giao thông: Phải có hoạt động của người và phương tiện tham gia giao thông, xảy ra trên tuyến đường giao thông và phải gây ra hậu quả… thì vụ tai nạn nói trên không có yếu tố xảy ra trên tuyến đường giao thông.

Theo quy định hiện nay, một tuyến giao thông chưa có quyết định bằng văn bản của Bộ trưởng Giao thông Vận tải nếu đấu nối với quốc lộ, cao tốc hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với đường địa phương thì chỉ được coi là khu vực công cộng hoặc khu vực nội bộ của cá nhân, tổ chức.

Xã hội ngày càng phát triển, thực tế các khu đô thị ở những thành phố lớn ngày càng phình to với những dự án quy mô lên tới 300 - 400 ha, thậm chí 1.000 ha, đi cùng với đó là hệ thống hầm và đường nội bộ mà chủ đầu tư thường muốn sở hữu riêng để có chính sách quản lý đặc thù. Bởi lẽ một khi đã là tuyến đường giao thông, họ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý, duy tu bảo dưỡng, an ninh trật tự hoặc thay đổi kết cấu hiện trạng theo yêu cầu của ngành giao thông vận tải.

Theo luật sư Trương Anh Tuấn, việc xác định lỗi và quy trách nhiệm các bên trong vụ việc phụ thuộc nhiều vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong đó, cần xác định rõ khu vực hầm chung cư có văn bản được phép đấu nối để coi là một tuyến đường giao thông hay chưa cũng như tình trạng thương tật của nạn nhân.

Đối với người bảo vệ được cho là cầm lái, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), được sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân 61% trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với thiệt hại về tài sản, cơ quan chức năng sẽ tiến hành định giá. Người điều khiển xe ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo Điều 180 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), được sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500 triệu trở lên thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Về trách nhiệm của chủ xe, theo Điều 264 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), việc giao xe cho người không có giấy phép lái xe điều khiển sẽ bị truy cứu về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, phải có trách nhiệm cùng người bảo vệ bồi thường cho nạn nhân bị thương cũng như những thiệt hại trong khu vực tòa nhà.

“Qua vụ việc này có thể thấy yêu cầu về quản lý hệ thống đường nội khu, hầm tòa nhà tại các khu đô thị một lần nữa được đặt ra, đồng thời những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành cần sớm được bổ sung và sửa đổi, để có cơ chế quản lý thống nhất”, luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực