Vận chuyển pháo nổ có thể bị phạt từ 05 năm đến 10 năm tù?

Thứ hai, 14/11/2022 16:00
(ĐCSVN) - Các đối tượng vận chuyển số lượng pháo hoa nổ lớn từ Bình Phước về Lâm Đồng thì bị lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt quả tang, thu giữ 1.774 kg pháo với tổng số 986 bánh, mỗi bánh chứa 49 quả pháo hoa nổ.

Trước đó, sau thời gian dài theo dõi, sáng 13/11, nguồn tin trinh sát của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy công an tỉnh Lâm Đồng báo về có một nhóm người sử dụng 2 xe ô tô con để vận chuyển pháo hoa nổ từ khu vực cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) vào Lâm Đồng.

Đến 18h00 cùng ngày, khi đến địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, các đối tượng đã liều mình lao xe để tháo chạy khi bị yêu cầu dừng kiểm tra, tuy nhiên đã bị khống chế, bắt giữ tại hiện trường gồm: Man Văn Tự (34 tuổi), Lê Đình Sang (37 tuổi), Nguyễn Thị Phương Thảo (27 tuổi, cùng ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và Phạm Anh Tịnh (33 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng niêm phong tang vật vụ án (Ảnh: plo.vn) 

Trực tiếp chỉ đạo "giăng lưới" các đối tượng, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là vụ vận chuyển pháo nổ lớn, có tổ chức nên công an tỉnh đã tập trung lực lượng để trinh sát, ngăn chặn. Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra, làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, hoạt động kinh tế, xã hội, thương mại, du lịch... đã trở lại bình thường trên phạm vi cả nước. Trong bối cảnh đó, các loại tội phạm cũng lợi dụng tình hình gia tăng hoạt động, trong đó có nhóm tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ do lợi nhuận từ hành vi phi pháp này rất cao.

Pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc sử dụng pháo. Gần nhất, ngày 27 tháng 11 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 01 năm 2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Đồng thời, quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất theo quy định.

Đối với các trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định. Trường hợp đốt pháo hoa nơi công cộng mà phát ra tiếng nổ làm ảnh hướng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Mục 4 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Mọi hành vi buôn bán, sử dụng pháo bất hợp pháp đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự”, luật gia Vinh khẳng định.

Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn lén lút sử dụng các loại pháo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Lợi dụng điều đó, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại pháo ở các nước láng giềng về bán để thu lợi bất chính. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường dùng các thủ đoạn vận chuyển từ khu vực biên giới vào nội địa qua các đường mòn, lối mở; sử dụng nhiều loại phương tiện để cất giấu, chia nhỏ hàng để vận chuyển, ngụy trang dưới nhiều hình thức, thậm chí không ngần ngại sử dụng vũ khí nóng… gây ra không ít khó khăn, nguy hiểm cho quá trình điều tra, bắt giữ và xử lý.

Về xử phạt hành chính, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (Số: 167/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, các các nhân có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do đã thực hiện một trong những hành vi sau: Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Về xử lý hình sự, do số lượng pháo nổ thu giữ lên tới 1.774 kg nên theo quy định tại Điều 191 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, các đối tượng có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo luật gia Vinh, thời gian tới, các lực lượng chức năng trên toàn quốc cần tiếp tục xác định đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo nổ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cao điểm là những tháng cuối năm, chú trọng các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, rà soát chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện trên đường bộ, đường thủy có điều kiện, khả năng hoặc biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển pháo, thuốc pháo trái phép, đặc biệt số đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới, cảng biển.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, tuyến biển (đặc biệt là tại các cảng, cửa lạch, cửa khẩu, đường tiểu ngạch), tại các khu vực nhà ga, bến xe, các trung tâm thương mại, chợ, khu vực kinh doanh mua bán tập trung đông người để phát hiện, xử lý, ngăn chặn hoạt động nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo.

“Sự vào cuộc của lực lượng chức năng cùng ý thức trước những hiểm họa từ pháo nổ của người dân, sự tuân thủ kinh doanh các mặt hàng đúng quy định pháp luật từ các cơ sở kinh doanh sẽ góp phần rất lớn đảm bảo an ninh trật tự, hướng đến toàn dân nói không với pháo nổ, pháo hoa nổ mỗi khi Tết đến Xuân về”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực