Hành vi tham gia giao thông này rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ cao gây cản trở giao thông, dễ dẫn đến va chạm nếu phương tiện đi sau không tránh kịp do có vật cản dừng đột ngột.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng hành động này bị coi là vi phạm giao thông đường bộ và hoàn toàn có thể bị xử phạt.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại các giao lộ có đặt đèn tín hiệu giao thông hoặc có người điều khiển giao thông sẽ có vạch dừng xe (vạch 7.1) theo QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
|
Thời tiết nắng nóng, người tham gia giao thông "chọn" bóng râm ven đường để dừng xe khi chờ đèn tín hiệu. (Ảnh: Minh Trang)
|
Theo đó, vạch 7.1 (nhóm vạch ngang đường) dùng để xác định vị trí dừng xe (màu trắng ngang đường, kích thước bề rộng 40cm) để chờ tín hiệu cho phép đi tiếp. Vạch dùng để xác định vị trí người điều khiển phương tiện phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122. Vạch cũng dùng để xác định vị trí người điều khiển phải dừng lại trong các điều kiện nhất định ở một số vị trí như: trên nhánh dẫn tới nút giao cùng mức với đường sắt, trên làn chờ rẽ trái trong phạm vi nút giao, trước vị trí vạch người đi bộ qua đường.
Như vậy, khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng lại trước vạch dừng xe số 7.1.
Trường hợp nơi có bóng râm (tòa nhà cao tầng, cây xanh…) cũng là nơi có vạch dừng xe và người điều khiển phương tiện giao thông dừng ngay tại đó thì vẫn đúng quy định.
Tuy nhiên, trường hợp vạch dừng và nơi có bóng râm cách xa nhau, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn “cố tình” chọn dừng ngay tại nơi có bóng râm thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vì lỗi "dừng đỗ xe không đúng nơi quy định" hoặc "dừng xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông".
Cụ thể, theo Điểm g, h Khoản 2, Điều 5, Mục 1, Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối với các trường hợp ô tô dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn.
Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm i Khoản 4, Điểm b Khoản 6 Điều này.
Còn theo Khoản 4, Điều 5, Mục 1, Chương II Nghị định này, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều này.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị xử phạt từ 200.000 - 300.000 đồng nếu dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật, theo quy định tại Điểm d Khoản 2, Điều 6, Mục 1, Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông sẽ bị phạt từ 80.000 đồng - 100.000 đồng (theo Điểm k Khoản 1 Điều 8 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Theo luật sư Kỹ, đối với xe ô tô, tuyệt đối không nên chọn nơi râm mát để dừng chờ đèn đỏ. Còn với các phương tiện như xe máy, xe đạp, trong trường hợp thời tiết quá nắng nóng, người điều khiển nên quan sát từ xa và ước chừng khoảng cách, thời gian đến vị trí đèn tín hiệu để dừng đỗ sao cho hợp lý và không vi phạm quy định, tránh bị phạt vi phạm hành chính.
Nếu thời gian chờ đèn đỏ quá lâu và khoảng cách đến giao lộ còn xa, chúng ta hoàn toàn có thể bật tín hiệu xi-nhan, di chuyển xe an toàn gọn vào nơi có bóng râm mát bên phải đường để dừng chờ. Tuy nhiên, tuyệt đối không được phanh, chuyển hướng quá đột ngột hoặc dừng xe làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác./.