Xử lý “phe vé” gây rối trật tự công cộng thế nào?

Chủ nhật, 08/05/2022 16:22
(ĐCSVN) - Không chỉ với trận đấu mở màn của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam tại SEA Games 31 mà tại nhiều trận cầu khác thường xuất hiện các đối tượng “phe vé” với mức giá cao gấp 3, 4 lần so với giá gốc. Chấp nhận mua hay không là chuyện của người hâm mộ, song phải thừa nhận nó gây ít nhiều bức xúc. Theo quy định hiện hành, hành vi nói trên sẽ bị xử lý ra sao?

Phe vé được hiểu là trường hợp mua vé của các chương trình sự kiện, sau đó bán lại với giá cao hơn so với giá ban đầu của chương trình, sự kiện đó do nhà tổ chức đưa ra. Về bản chất, nếu chỉ mua bán thông thường thì sẽ không gọi là “phe vé”; các trường hợp “phe vé” thông thường phải có người “tay trong” tuồn vé ra bên ngoài để bán không theo quy định (không phải xếp hàng, không mất thời gian chờ đợi)...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù Ban Tổ chức đã có những nỗ lực không nhỏ để hạn chế tình trạng này nhưng dường như vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Quy trình bán vé đã được công khai và kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm mục đích đưa vé đến được tay những người có nhu cầu đi xem thật sự. Tuy nhiên, bằng cách này cách khác, lực lượng “phe vé” vẫn sở hữu một số lượng vé lớn để đẩy giá “trên trời”.

Việc người hâm mộ mua lại vé từ “phe vé” với mức cao hơn nhiều lần so với giá gốc là do thỏa thuận, tự nguyện của hai bên mua và bán, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. Đây không phải là điều pháp luật cấm, nên hành vi “phe vé” không được coi là vi phạm pháp luật.

 Giới “phe vé” đứng thành từng nhóm mời chào khách bên ngoài sân vận động Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) trong trận ra quân của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam tại SEA Games 31 ngày 06/5/2022 vừa qua (Ảnh: Đức Hải)

Tuy nhiên, nếu hành vi này diễn ra xung quanh khu vực sân vận động, khu vực biểu diễn nghệ thuật tập trung đông người với các hành vi như chèo kéo, tranh giành khách, chửi bới, nói tục, gây mất an ninh trật tự khu vực thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính, Điều 7 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022) nêu rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định này.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng. Mức phạt sẽ tăng lên từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng.

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tuấn, nếu cơ quan chức năng có đủ bằng chứng, căn cứ xác định hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng… thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Bên cạnh đó, nếu “phe vé” sản xuất, mua bán vé giả thì có thể bị xử lý hình sự về tội Làm, buôn bán tem giả, vé giả.

Cụ thể, theo Điều 202 Mục 2 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30- đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;

b) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;

d) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200 triệu đồng trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh, trong khi chờ đợi những động thái mạnh mẽ hơn từ cơ quan chức năng, người hâm mộ hãy thể hiện sự thông thái của mình. Có cầu ắt có cung, nếu không còn ai có nhu cầu thì dịch vụ này cũng sẽ hạn chế, thậm chí chấm dứt. Lúc này, người hâm mộ mới có thể tự tin bỏ tiền mua một tấm vé đúng giá trị, một tấm vé “sạch”, để vào sân thể hiện tình yêu của mình với môn thể thao vua/.

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực