Bao giờ người dân vùng dự án thủy điện Đăk Mil I được đền bù?

Thứ ba, 17/07/2012 18:13

(ĐCSVN) - Công trình thủy điện Đăk Mil 1 (thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) được khởi công xây dựng từ hơn 3 năm nay. Song hiện tại, hơn một trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch xây dựng thủy điện vẫn ngày đêm ngóng chờ sự đền bù từ phía những người có trách nhiệm…

Người dân xâm lấn vào rừng để lấy đất canh tác

Làng Kon Năng (xã Đăk Choong) có 20 hộ dân thì cả 20 hộ đều bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng thủy điện Đăk Mil 1 và cũng là làng duy nhất của xã sẽ nằm trọn trong vùng ngập lòng hồ thủy điện khi được tích nước, buộc phải di đời đến nơi ở mới. Cũng như nhiều hộ dân khác ở làng Kon Năng, gia đình anh A Lip (dân tộc Giẻ-Triêng) cũng có ruộng lúa, cà phê, bời lời nằm trong vùng quy hoạch xây dựng thủy điện Đăk Mil 1. Nhưng khi vợ chồng anh mới vừa xuống cây cà phê, bời lời thì lúc bấy giờ mới biết khu vực này sẽ nằm trong vùng ngập lòng hồ, đồng thời người ta bắt đầu đo, đếm vườn cây nhà anh. A Lip cho biết: “Tôi thấy cán bộ đến vườn nhà tôi đếm cây cách đây 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đền bù. Bởi vì đợi đền bù và cũng không dám canh tác trên diện tích đó vì có làm thì lòng hồ sẽ ngập, nên gia đình tôi bỏ hoang mấy năm nay”

Tương tự, gia đình ông Huỳnh Phú có đất và cây công nghiệp nhiều nhất làng, hơn 4.000 cây cà phê, 3.000 cây bời lời và hơn 900 gốc chuối trồng ven suối, mới ngày nào còn tốt tươi, giờ thay cho cỏ dại lấn át, um tùm. Càng nghĩ, ông càng tiếc của! Nếu như 3 năm qua không có cái “dự án thủy điện”, không có cái việc cán bộ của ban dự án đền bù đến đo, đếm và... đi mất dạng, thì với sự cần cù, chăm làm của các thành viên trong gia đình, bây giờ vườn cây trên cũng đã đến hồi thu hoạch. Ông Phú nhẩm tính, số tiền thất thoát do để hoang hóa, có lẽ cũng lên đến hàng chục triệu đồng.

Thủy điện Đăk Mil 1 do Công ty cổ phần Quang Đức làm chủ đầu tư với thiết kế ban đầu có công suất 58 MW, tổng kinh phí đầu tư 1.508 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đi vào vận hành sẽ cung cấp lượng điện khoảng trên 200 triệu kwh/năm. Cũng theo thiết kế của dự án thì có 14 hộ dân nằm trong vùng ngập phải di dời, 187 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng. Sau đo đạc, 269 ha đất sản xuất và 148 hộ của 5 thôn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án thủy điện này.

Trong năm 2009, Công ty cổ phần Quang Đức thông báo bằng văn bản cho các hộ dân là “không được trồng cây dài ngày và xây dựng các công trình kiên cố trên diện tích đã được đo đạc, đồng thời tiếp tục chăm sóc vườn cây cũ”. Thế nhưng, người dân nghĩ sẽ sớm nhận được tiền đền bù và đất cũng mất, nên các hộ dân ở khu vực này đã bỏ hoang không chăm sóc cây trồng. Cả một dải đất dọc theo suối Nước Mỹ và những thung lũng màu mỡ giờ đã "thi gan cũng tuế nguyệt"...

Một nghịch lý là, trong khi hàng trăm ha đất bị bỏ hoang hóa, người dân lại đi tìm những nơi cao hơn để canh tác, và không ngoài việc phá rừng làm rẫy. Chỉ trong 2 năm 2009- 2010, số vụ phá rừng trái phép làm rẫy tăng đột biến và cho đến nay, tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. Trong 5 tháng đầu năm 2012, toàn xã đã xảy ra 57 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép với 6,4 ha rừng thông bị chặt phá.

Chủ tịch UBND xã Đăk Choong, ông A Mô thừa nhận: “Việc xây dựng thủy điện Đăk Mil 1 được bắt đầu từ năm 2009, nhưng cho đến nay, việc đền bù cho các hộ dân vẫn chưa được thực hiện dẫn đến tình trạng người dân phá rừng làm rẫy, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng...”

Trong khi chưa đền bù cho người dân thì năm 2011, Công ty Quang Đức tiếp tục có thông báo điều chỉnh thiết kế công trình từ 58 MW xuống còn 57 MW. Theo đó, diện tích đất đai nằm trong khu vực dự án sẽ giảm từ 269 ha xuống còn 205 ha, tức là có 64 ha không bị ngập so với đo đạc lần đầu. Như vậy, sẽ có hàng chục ha đất sản xuất của người dân “bỗng nhiên” không còn nằm trong quy hoạch, trong khi đó họ “chắc ăn” rằng sẽ nhận được tiền đền bù trên phần đất bị bỏ hoang hóa từ hơn 03 năm nay (2009-2011). Theo tính toán của người dân, thiệt hại trong 3 năm là không nhỏ và ai là người “hứng chịu” sự thiệt hại này trong khi Công ty Quang Đức đã chối bỏ trách nhiệm bằng một thông báo điều chỉnh thiết kế?

Những ngôi nhà này sẽ chìm dưới lòng
hồ thủy điện Đăk Mil 1 khi tích nước

Làm việc với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đăk Glei - đơn vị trực tiếp đi đo đạc và áp giá đền bù cho diện tích đất bị ảnh hưởng của người dân, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đăk Glei cho biết, việc chậm trễ chi trả đền bù là do khi điều chỉnh, chủ đầu tư thuê tư vấn đo đạc lại diện tích nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Khi đo đạc lại diện tích thì cũng đếm lại cây cối, hoa màu trên diện tích đó cũng như áp lại diện tích theo năm canh tác. Chủ đầu tư cũng chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng... Một số lần dự kiến đo đạc theo kế hoạch nhưng gặp mùa mưa nên đo đạc cũng khó khăn. Thời gian qua, Hội đồng đền bù đã áp giá xong, đề nghị chủ đầu tư phối hợp, đối chiếu lại số liệu chênh lệch từ năm 2009 đến năm 2012 để hội đồng ra thông báo công khai đến các hộ dân. Sau khi các hộ dân nắm bắt được phương án, nếu không có gì thắc mắc nữa thì Hội đồng đền bù sẽ giao cho UBND huyện ra quyết định đền bù. Sau khi phê duyệt xong sẽ đề nghị chủ đầu tư sớm chuyển tiền để người dân được nhận trong mùa mưa sắp tới. Ông Trần Trọng Dũng cũng cho rằng, Công ty Quang Đức nên có tính toán hỗ trợ chi phí sản xuất cho người dân đối với phần diện tích chênh lệch sau khi điều chỉnh quy hoạch.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Thái Hồng Nhân - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quang Đức cho rằng: Việc phê duyệt phương án đền bù là của huyện, khi nào huyện ra quyết định phê duyệt thì công ty sẽ chi trả đền bù cho người dân. Còn về phần diện tích chênh lệch, công ty không có trách nhiệm hỗ trợ cho phần diện tích này vì trước đây, công ty chỉ có thông báo người dân không được trồng cây dài ngày chứ không có thông báo ngừng sản xuất trên diện tích này (?!)

Ai đúng, ai sai...là trách nhiệm của ngành chức năng tỉnh Kon Tum sẽ vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, trước mắt, việc chậm trễ trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân ở xã Đăk Nhoong đã gây nên những thiệt hại không nhỏ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm người dân nơi đây./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực