Cảnh báo việc khoét núi, san đồi làm nhà tràn lan tại Gia Nghĩa-Đăk Nông

Chủ nhật, 29/07/2012 20:50

Đến tỉnh Đăk Nông, ai cũng cảm nhận thị xã Gia Nghĩa là đô thị phát triển rất nhanh với hàng loạt các công trình dân sinh được xây dựng trên vùng đất có nhiều đồi dốc. Trong khu vực nội thị và ven đô, có nhiều tòa nhà mới đua nhau mọc lên hai bên những con đường mới mở rộng rãi uốn lượn dưới chân đồi. Trong số hàng loạt các công trình được xây dựng, đã có hàng trăm căn nhà mới của các hộ dân trên những mặt bằng hẹp do khoét núi, san ủi đồi để dựng lên. Đây là nét đặc thù về xây dựng công trình nhà ở của một đô thị trẻ Nam Tây Nguyên. Song với những căn nhà xây dựng ở những vị trí khoét sâu vào chân đồi, cũng rất khó lường về sự an toàn của những công trình này khi có sự biến đổi bất thường của thời tiết và tác động ngoại cảnh.

Trước khi tỉnh Đăk Nông được tách ra từ Đăk Lăk (cũ), thị trấn Gia Nghĩa (thuộc huyện Đăk Nông cũ) là vùng đất nghèo, dân cư thưa thớt, nhu cầu về nhà ở không nhiều. Năm 2004, tỉnh Đăk Nông được thành lập với đô thị Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh. Bắt đầu từ đây, đô thị mới được tập trung đầu tư xây dựng, các công sở, trường học, công trình dân sinh đã mọc lên nhanh chóng. Chỉ trong thời gian ngắn, dân cư từ nhiều nơi trong cả nước đổ về thị xã Gia Nghĩa và các địa phương khác trong tỉnh làm ăn sinh sống.

Do nhu cầu bức bách về nhà ở, nhưng đất đai quy hoạch cho xây dựng không nhiều, nên việc chọn được khu đất bằng phẳng xây dựng công sở, nhà ở là khó khăn. Dân cư tăng lên nhanh chóng, nhu cầu về nhà ở tăng, giá đất thổ cư trong vùng nội thị và ven đô tăng lên nhanh chóng. Trong quá trình xây dựng và phát triển các công trình đô thị, việc lấy đất để san lấp mặt bằng, mở rộng phố phường, mở đường cũng như lấy mặt bằng xây nhà của người dân đã tăng lên. Để giải quyết về đất thổ cư và xây dựng nhà, quán xá buôn bán kinh doanh, nhiều người dân đã tận dụng những khoảnh đất đào khoét chân đồi núi hai bên các con đường mới mở.

Hơn 8 năm xây dựng và phát triển, thị xã Gia Nghĩa đã được mở rộng với quy hoạch xây dựng các khu công sở hành chính nhà nước, các khu nhà dân cư khang trang. Một vài con đường mới mở đào xuyên qua các đồi núi; nhiều con đường được mở rộng và kéo dài; những con dốc cao được hạ thấp bằng cách đào sâu lòng đường. Sau khi những con đường được mở, hoặc được mở rộng, nâng cấp, nhiều hộ dân đã đến nơi đây xây dựng nhà, quán xá với nhưng kiểu dáng khác nhau.

Ở thị xã Gia Nghĩa, tất cả các phường và các xã vùng ven gần như con đường nào cũng có những nơi khoét đất lấy mặt bằng xây dựng nhà. Trong đó có nhiều khoảnh đất khoét sâu 30-35 m vào chân đồi, được xây dựng những căn nhà xây 2- 3 tầng và những biệt thự với kiểu dáng đẹp. Phần lớn những căn nhà được dựng lên trên những mảnh đất này nằm cách vách đất dựng đứng chỉ vài ba mét. Cũng có không ít căn nhà xây xây dựng nằm gần sát vách đất chân đồi thẳng đứng với chiều cao cao 25-30 m.

Đường phố Tôn Đức Thắng (phường Nghĩa Trung) đi vào nội đô là con đường đẹp mới mở do khoét sâu đồi núi và san phẳng mặt bằng, cũng đã hình thành hàng chục căn nhà cấp 4 và nhà 2-3 tầng, biệt thự tựa lưng vào chân núi đồi mọc san sát nhau. Trong đó có một số căn nhà nằm sát vách đất bazan dựng đứng, bên cạnh là những hàng cây to gần bật gốc do đào đất ăn sâu vào đồi. Trên con đường này, có một doanh nghiệp đã đào đá, khoét núi tạo mặt bằng rộng, đã xây dựng Khách sạn Hồng Liên nằm không xa vách đá bazan cao chênh vênh. Tại phường Nghĩa Đức, một số người dân đào đất khoét sâu vào chân đồi để làm nhà, trong khi phía trên đỉnh đồi là tòa nhà của cơ quan và cột phát sóng Đài phát thanh truyền hình Đăk Nông.

Vài năm gần đây, các xã Đăk R’moan, Quảng Thành, Đăk Nia (Gia Nghĩa) đã cải tạo nâng cấp các tuyến đường đi vào nội đô. Nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn đã đào khoét chân đồi, san mặt bằng làm nhà ở, hoặc nhà trọ, dựng quán bán hàng, làm nhà cho thuê hay dựng nhà tạm chờ đất tăng giá bán kiếm lời.

Trên Quốc lộ 14 suốt tuyến dài từ huyện Đăk Mil, qua Đăk Song đến huyện Đăk Rlấp và Quốc lộ 28 từ thị xã Gia Nghĩa qua huyện Đăk Glong đi tỉnh Lâm Đồng đã được nhà nước đầu tư xây dựng nâng cấp toàn tuyến. Trong quá trình thi công, đường được mở rộng, nhiều đoạn, khúc cua được hạ thấp độ cao của dốc. Sau một thời gian thi công các công trình giao thông, các quả đồi bị khoét sâu và san ủi, đã tạo những khoảng đất trống ven đường còn nham nhở. Nhiều hộ dân đã nhanh chóng xây dựng những căn nhà gạch, nhà gỗ lớn nhỏ nằm sát ta luy đường và vách đồi núi. Một số đoạn đường, đơn vị thi công công trình đã móc đất mở rộng tạo thành các vách thẳng đứng, gốc cây thông bật rễ rất dễ bị đổ, đang đe dọa đến những nhà dân ở ven đường. Hiện nay, việc đào khoét đất lấy mặt bằng làm nhà trên những vùng này vẫn còn tiếp diễn.

Điều thật dễ thấy rằng, việc khoét đồi núi phục vụ làm đường, san lấp mặt bằng xây dựng công trình là việc cần thiết. Sau khi khoét núi, san đồi trên các tuyến đường, đã giúp người dân tận dụng mặt bằng nơi đào đất để làm nhà, giải quyết về nơi ở, tạo điều kiện đi lại, sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn; đồng thời tiết kiệm được tiền mua đất khá đất đỏ ở tỉnh miền núi này. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc xây dựng nhà và các công trình dân sinh trên vùng đất khoét núi san đồi này là không nhỏ.

Theo các nhà địa chất, các chuyên gia về xây dựng công trình thì, đất bazan có đặc tính hóa lý khác với các loại đất khác. Trong mùa khô đất bazan rất cứng chắc, độ liên kết cao. Nhưng mùa mưa, đất bazan rất dễ ngấm nước, đất bở rời, độ liên kết cơ học và chịu lực rất kém. Thực tế cho thấy, trong mùa mưa vùng đất bazan thường bị xói lở, nhất là những địa bàn có độ che phủ thực vật ít thì xói mạnh và sạt lở đất xảy ra nhiều.

Đối với Đăk Nông là tỉnh có phần lớn diện tích đất bazan là đồi núi với địa hình tương đối dốc và phân cắt, nên việc xây dựng các công trình phải đặc biệt quan tâm về chất lượng và tính bền vững của nó. Do ảnh hưởng của đặc điểm tự nhiên, Đăk Nông có 2 mùa mưa, nắng. Mùa mưa của Đăk Nông bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc tháng 11 dương lịch. Với lượng mưa từ 2000 đến trên 2.800 mm/năm (cao nhất cả nước), hàng năm có nhiều trận mưa có cường độ từ 50 đến trên 100 mm đã gây nên sự xói mòn và sạt lở đất nhiều, làm hư hại các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với những địa bàn đất bazan.

Trong vài năm trở lại đây, trên vùng đất bazan này đã xảy ra hiện tượng nứt đất kéo dài và các công trình nhà ở của dân xây dựng trên khu đồi, hoặc nơi mới san mặt bằng bị nứt khi mùa mưa làm sạt lở đất. Một số căn nhà được xây dựng sát vách đồi, núi có độ dốc lớn cũng có hiện tượng sạt lở đất đá trong những ngày mưa cường độ lớn.

Là một tỉnh có nhiều núi đồi, địa hình dốc, dân cư tăng nhanh về cơ học, nhưng địa phương phải tập trung xây dựng các công trình phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. trong khi đó, quỹ đất dành cho xây dựng không nhiều. Trước thực tế nhiều người dân đã và đang tiếp tục xây dựng công trình nhà ở nơi đô thị, hai bên ven đường nơi đào đất khoét sâu vào chân đồi núi là những địa bàn dễ gây nên sự sạt lở sụt lún đất đầy nguy hiểm.

Đây là vấn đề đang đặt ra cho những cơ quan xây dựng, quản lý các công trình đô thị, giao thông và tài nguyên-môi trương, phải hướng dẫn cho người dân và kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình nhà ở những địa bàn đào đất khoét chân đồi, những nơi đang mở rộng đường giao thông. Có làm được như vậy, mới bảo đảm vẻ đệp cảnh quan đô thị, xây dựng công trình bền vững, hạn chế được những rủi ro đo tác động của điều kiện tự nhiên gây ra; đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực