Câu chuyện về chất lượng sản phẩm Siro ăn ngon

Thứ ba, 01/12/2020 16:55
(ĐCSVN) – Theo phản ánh của bạn đọc về tòa soạn, hàm lượng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe Siro ăn ngon không bảo đảm như thông tin được công bố...

Có đúng về thành phần của sản phẩm?

Cụ thể, theo thông tin phản ánh của bạn đọc, sản phẩm Siro ăn ngon có một số hàm lượng cấu thành không đạt chuẩn như công bố trên bao bì sản phẩm. Theo đó, thông tin trên bao bì sản phẩm này ghi rõ: Hàm lượng kẽm có nguồn gốc thực vật là 10mg, hàm lượng L- Lysine là 60mg, hàm lượng Taurin là 5mg, hàm lượng Vitamin B2 là 0,6mg, hàm lượng Vitamin D3 là 200 UI, hàm lượng Calci Gluconat là 0,12g.

Song, thực tế kết quả xét nghiệm lại không như số liệu nói trên. Theo đó, phiếu kiểm nghiệm sản phẩm Siro ăn ngon do bạn đọc cung cấp cho thấy: Hàm lượng kẽm có nguồn gốc thực vật là 9,07mg; Hàm lượng L- Lysine là 54,5mg; Hàm lượng Taurin là 4,48mg; Hàm lượng Vitamin B2 là 0,05mg; Hàm lượng Vitamin D3 là 147 UI; Hàm lượng Calci Gluconat là 0,085g. Với kết quả này, trong số 9 thành phần hàm lượng cấu tạo lên sản phẩm Siro ăn ngon thì có đến 6 thành phần cho kết quả giảm so với hàm lượng công bố.

Chị Lê Thị Hà ở quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi có con nhỏ, nghe nội dung quảng cáo và đọc những thông tin ghi trên bao bì thấy khá tin tưởng nên đã lựa chọn sản phẩm Siro ăn ngon cho con sử dụng. Nhưng với kết quả kiểm nghiệm này thì thực sự không biết chất lượng thật của sản phẩm ra sao? 

Cần sớm làm rõ...

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng học, đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ sức khỏe như sản phẩm Siro ăn ngon, trường hợp các thành tố tạo thành không có đủ hàm lượng như công bố thì rất có thể sẽ vô tác dụng với người sử dụng. Vì tác dụng của các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm sức khỏe là do hàm lượng các thành tố cấu thành mang lại. Nếu hàm lượng không có hoặc không đủ thì không thể chắc chắn được về hiệu quả như quảng cáo. Mặt khác, với đối tượng sử dụng là trẻ nhỏ thì càng cần lưu tâm bởi hệ bài tiết của trẻ đang trong quá trình hoàn thiện.

Trao đổi về vụ việc, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, về bản chất đây là đang có sự sai khác giữa số liệu do đơn vị sản xuất công bố với số liệu của sản phẩm được người tiêu dùng đưa đi kiểm nghiệm. Nếu căn cứ theo kết quả kiểm nghiệm thì rõ ràng ở đây có đến 6/9 thành tố có tỷ lệ giảm so với số liệu ghi trên bao bì sản phẩm. Theo đó, có dấu hiệu vi phạm được quy định tại Điều 16, Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế Quy định về quản lý thực phẩm chức năng. Cụ thể, Khoản c, Điều 16, Thông tư này nêu rõ, thực phẩm chức năng bị thu hồi khi “Thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp với nội dung đã được xác nhận bởi cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc không phù hợp với nội dung Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật”.

Cũng tại Khoản 2, Điều 16 của Thông tư này nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có trách nhiệm thu hồi và báo cáo với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế”.

Thực tế thời gian qua, không ít đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt do quảng cáo sai sự thật về sản phẩm với các vi phạm như: Quảng cáo khi chưa có sự thẩm định nội dung quảng cáo của cơ quan y tế; quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định...

Trong khi những thông tin nói trên về sản phẩm Siro ăn ngon đang thu hút sự quan tâm của dư luận thì những thông tin về sản phẩm này lại không thể tìm thấy trên website chính thức của một số Công ty...

Trước những diễn biến nói trên, để kịp thời bảo vệ người tiêu dùng, thiết nghĩ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cần sớm xác minh, làm rõ vụ việc. Qua đó, vừa bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; xử lý kịp thời các đơn vị sai phạm, nếu có./.

Tạ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực