Cử tri kiến nghị cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng

Thứ tư, 23/03/2016 15:54
(ĐCSVN) - Sáng 22/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cử tri cho rằng, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã thể hiện sự trách nhiệm, nghiêm túc, đi thẳng vào những vấn đề còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua.

Theo dõi qua truyền hình trực tiếp, cử tri Nguyễn Thế Lực (Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam) cho biết, báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII đã cho thấy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với sự phát triển của đất nước. Báo cáo đã nêu được những bài học kinh nghiệm lớn của Quốc hội với chức năng là cơ quan lập pháp, giám sát tối cao, thể hiện rõ vai trò đại diện cho ý kiến của nhân dân. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII đã tập trung, nỗ lực thực hiện tốt chức năng của mình, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.

Đánh giá cao những kết quả mà Quốc hội khóa XIII đã làm được, tuy nhiên, cử tri cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động tiếp xúc cử tri nhiệm kỳ qua còn một số hạn chế, đó là: Nội dung tiếp xúc còn đơn điệu, cách thức tổ chức tiếp xúc chủ yếu là hội nghị. Cử tri đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần chú trọng hơn nữa vai trò của từng đại biểu Quốc hội - tiếng nói của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Cử tri Nguyễn Thế Lực (Ảnh: KS)

Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Hoàng Thị Thu (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Đặc biệt, cử tri nhấn mạnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII để lại nhiều dấu ấn về cải tiến, đổi mới từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội với các giải pháp thiết thực, cụ thể. Việc ban hành Hiến pháp 2013 và sửa đổi, bổ sung hệ thống các luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội đã được triển khai mạnh mẽ, qua đó, vai trò, trách nhiệm của Quốc hội được tăng cường, các quy trình hoạt động được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch.

Về những kỳ vọng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới, cử tri mong rằng, Quốc hội khóa XIV sẽ lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời trong điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhất là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Trong khi đó, đánh giá về kết quả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cử tri Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả mà Chủ tịch nước đã làm trong nhiệm kỳ của mình. Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội, đối ngoại và là đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước đã nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với Quốc hội, cử tri và nhân dân…

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế- xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, cử tri mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016- 2020, trong đó tập trung vào hoàn thiện chính sách, pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ tự pháp, bổ trợ tư pháp; chỉ đạo tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 

Cử tri Nguyễn Thu Hương (Hà Nội). Ảnh: KS

Về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Thủ tướng Chính phủ, cử tri Lê Tấn Tài (Hưng Yên) cho rằng, Chính phủ đã thành công trong việc điều tiết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. “Dưới sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua, nền kinh tế vĩ mô đã từng bước đi vào ổn định và dần phát triển bền vững.  Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp điều tiết nền kinh tế, giảm nhập siêu, tạo môi trường bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh, kiềm chế tai nạn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc” - cử tri nhấn mạnh. 

Trong nhiệm kỳ tới, cử tri Lê Tấn Tài hy vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, có các cơ chế, chính sách đồng bộ về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước... 

Nhất trí với các báo cáo của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, cử tri Hoàng Thị Lụa (Thái Bình) cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng bộ trên các mặt: phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội; xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước… Các báo cáo đã thẳng thắn nêu lên những mặt còn hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, Chính phủ đã nhìn nhận năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao. Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế- xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, cử tri Hoàng Thị Lụa mong rằng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp đồng bộ nhằm đưa đất nước phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực