Dừng, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn sẽ bị xử phạt 10 - 12 triệu đồng

Thứ sáu, 18/12/2020 12:06
(ĐCSVN) - Điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng xe ô tô cá nhân là hết sức chính đáng, song không khó để “tận mắt chứng kiến, tận cùng sự chịu đựng” với những phương tiện dừng đỗ không đúng quy định gây tắc đường, ùn ứ giao thông, nhất là khu vực trung tâm, giờ cao điểm… làm hao phí thời gian, tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường.

Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) PC08, Công an thành phố Hà Nội, đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cuối năm 2020 của Thủ đô đã bắt đầu từ ngày 15/12.

 Trước khi dán thông báo, CSGT sẽ ghi hình hiện trạng phương tiện, sau đó mới tiến hành các bước xử lý đúng quy trình (Ảnh: Cục CSGT C08, Bộ Công an).

Cụ thể, trong quá trình tuần tra kiểm soát khi phát hiện ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định mà không có lái xe, lực lượng chức năng sẽ thông báo 3-4 lần qua loa chuyên dụng. Nếu không tìm được lái xe, sẽ chụp ảnh vi phạm, mời 2 người làm chứng lập biên bản và cài giấy thông báo (nền vàng, chịu được nắng mưa) vào cần gạt nước hoặc dán trực tiếp lên kính để tránh thất lạc, bao gồm nội dung, thời gian, địa điểm vi phạm kèm xác nhận của lực lượng chức năng và người làm chứng.

Nếu sau 3 ngày chủ xe không đến làm việc, sẽ có những biện pháp mạnh tay như gửi thông báo đến tất cả các đội quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý khi phương tiện lưu thông trên đường. Và sau 15 ngày làm việc kể từ khi gửi thông báo vi phạm, chủ ôtô hoặc tài xế không đến giải quyết thì CSGT gửi thông báo đến công an địa phương hoặc nơi làm việc của chủ ôtô, lái xe và gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm.

Nêu quan điểm ủng hộ cách làm này của PC08 Hà Nội, bạn đọc Hoàng Khắc Nam ở phường Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: Không thể tùy tiện dừng đỗ bất kỳ chỗ nào; 1 ý thức, vạn nụ cười; cần xử lý nghiêm góp phần nâng cao văn hóa giao thông, tiến tới giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân và chuyển dần sang phương tiện công cộng…

Tuy nhiên, cũng có người đặt tình huống khi đi đăng kiểm, phải nộp phạt số tiền tương đối cũng như bị giữ giấy phép lái xe hai tháng với những lỗi không phải họ gây ra. Điều này có thể lý giải là họ cho mượn xe hoặc mua bán xe không thực hiện việc sang tên đổi chủ, hay thậm chí phương tiện bị mất cắp…

“Tôi khuyên các bạn hãy đi đúng luật để khỏi rơi vào hoàn cảnh như tôi. Ai mượn xe của người khác thì càng nên đi cẩn thận, đừng vì sự cẩu thả thiếu hiểu biết pháp luật của bản thân mà làm liên lụy đến người khác”, chị Hoàng Thanh Lan, 35 tuổi, làm việc tại một Ngân hàng có văn phòng ở khu vực Đền Lừ, quận Hoàng Mai cho biết.

“Tôi rất ủng hộ chủ trương của Công an Thủ đô. Tôi chỉ có ý kiến đối với người vi phạm phải nộp phạt, nên chăng xem xét nộp phạt sao cho thuận tiện thông qua chuyển khoản ngân hàng hay thanh toán qua các ứng dụng thông minh” - anh Hưng Thịnh, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang sinh sống tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Giấy thông báo phạt nguội dán lên kính lái xe. (Ảnh: Cục CSGT C08, Bộ Công an) 

Chia sẻ “bài học đáng nhớ” nhận được ngay trong ngày ra quân, anh Vũ Mạnh Hùng (44 tuổi, quê Phú Thọ, đang chạy xe dịch vụ) nhắn nhủ: "Mặc dù đã nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông nhưng không nghĩ là sẽ thực hiện việc xử phạt nhanh đến như vậy. Với vi phạm này, tôi bị lực lượng chức năng tạm giữ giấy phép lái xe 7 ngày, phạt 900.000 đồng”. 

Theo PC08 Hà Nội, ngoài những tuyến phố trung tâm, đơn vị tập trung xử lý trên 8 tuyến trọng điểm gồm: Ngọc Hồi đến Lê Duẩn; Quang Trung, Trần Phú (Hà Đông) đến Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Chu Văn An; Tố Hữu đến Giảng Võ; Trần Duy Hưng đến Văn Cao; Nhổn đến Nguyễn Thái Học; Nguyễn Văn Cừ đến Đặng Phúc Thông; Võ Nguyên Giáp đến cầu Vĩnh Tuy; Phạm Văn Đồng đến đường vành đai 3 dưới thấp qua bán đảo Linh Đàm. Những điểm này lưu lượng tham gia giao thông rất lớn, dễ xảy ra tai nạn, khuyến cáo người tham gia giao thông hạn chế tối đa dừng đỗ, lỗi dừng xe, đỗ xe không đúng quy định mà gây tai nạn sẽ bị xử phạt từ 10 - 12 triệu VNĐ. 

Thực tế này tiếp tục đặt ra nhiều nội dung, đó là công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phải nghiêm, quyết liệt và công khai minh bạch hơn nữa, tránh tình trạng như quen biết xã hội, gọi điện người thân, thấy quân trang quân phục trong ngành hay "tem thẻ quyền lực mềm" gắn trên xe mặc định cho mình cái quyền được ưu ái… nên khi xảy ra sự việc người vi phạm vẫn “vô tư viện lý do” như: đỗ tạm xe một chút đón người, vào mua đồ ra ngay…
 
Để người dân hiểu, chấp hành, hạn chế tối đa vi phạm, ngoài cần một chế tài mạnh, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ song song với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), giúp người dân hiểu để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, bố trí nguồn lực mở rộng loại hình và mạng lưới giao thông công cộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở những đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lớn./.

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực