Hà Nội: Cần xử lý dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng

Chủ nhật, 28/03/2021 08:42
(ĐCSVN) - Trước những tồn tại chưa thể giải quyết, mới đây, quá trình hoàn thành việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng tuyến đường vành đai 2 lại tiếp diễn tình trạng hàng loạt các công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tiếp tục được mọc lên. Điều này không những gây mất mỹ quan mà còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung đô thị của TP Hà Nội.

Nhà siêu mỏng tiếp tục “nở rộ”

  Thực tế hầu hết dạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn lại sau khi hoàn thành quá trình giải phóng mặt bằng (đoạn Minh Khai - Đại La), diện tích chỉ còn từ vài cho đến dưới 30 m2. Mặc dù không đủ điều kiện được cấp phép xây dựng nhưng do giá trị đất tại khu vực tăng cao khi tuyến đường được mở rộng khiến người dân bất chấp, cố tình thực hiện việc xây dựng trái phép, tạo ra những ngôi nhà với hình thù kỳ dị, méo mó.

 Bên cạnh những trường hợp vi phạm đã hình thành, hiện, nhiều hộ gia đình đang “tranh thủ” quá trình triển khai thi công dự án để thực hiện hành vi xây mới những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo”  nhằm né tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Không khó để nhận thấy, cảnh tượng nhếc nhác của những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo”  chắp vá hai bên đường với đầy đủ hình dạng đang gây phản cảm, thiếu mỹ quan đô thị cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi kết cấu hạ tầng không đảm bảo.

 Chứng kiến những hình ảnh này, cô Trần Thanh Mai (62 tuổi, ngõ 43 Đại La) cho hay: “Từ khi triển khai mở rộng tuyến đường, người dân chúng tôi phấn khởi vì nỗi khổ tắc đường đeo bám suốt bao năm qua phần nào được gỡ bỏ. Tuy nhiên, việc xuất hiện những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” , hình thù “kỳ dị” khiến bộ mặt con đường, tuyến phố trở lên xấu xí vô cùng, phá vỡ quy hoạch chung đô thị cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chúng tôi không thể hiểu nổi, bằng cách nào mà họ có thể thực hiện quá trình xây dựng những ngôi nhà thế này, mặc dù có những thời điểm cơ quan chức năng ra quân kiểm tra, kiểm soát”.

 Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề này, chú Phạm Thanh Hưng (51 tuổi, ngõ Chùa Hưng Ký), người đã sinh sống, làm việc tại khu vực này gần 20 năm nay cho biết: “Trước đây, tại khu vực này, những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” không hề có, nhưng từ sau khi giải phóng mặt bằng của dự án mở rộng tuyến đường vành đai 2 thì tình trạng những ngôi nhà dạng này mọc lên như nấm sau mưa, cứ một đoạn lại xuất hiện, lặp đi lặp lại. Những ngôi nhà này, họ xây nhanh lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại đã xong rồi”.

 Cần "lời giải"

  Trước đó, trong năm 2020, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh công tác xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, nghiêm túc thực hiện chỉ thị theo các văn bản của UBND Thành phố, của Sở Xây dựng TP Hà Nội, do đó, tình trạng nhà ở “siêu mỏng”, “siêu méo” phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra mới đây của TP Hà Nội (diễn ra vào cuối tháng 12/2020), Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện nay trên địa bàn TP, số lượng nhà đất không đủ điều kiện xây dựng sau quá trình hoàn tất việc giải phóng mặt bằng còn 130 trường hợp.

 Mặc dù cơ sở pháp lý để giải quyết các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng cơ bản đã đầy đủ nhưng tình trạng nhà siêu mỏng vẫn tiếp tục tái diễn và bài toán đặt ra làm sao chấm dứt hoàn toàn thực trạng trên thì còn bỏ ngỏ là câu hỏi sẽ tiếp tục cần “lời giải” từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tham mưu thuộc lĩnh vực này như xây dựng, quy hoạch – kiến trúc, quản lý trật tự đô thị...

 Đánh giá về vấn đề này, theo chuyên gia, KTS Đoàn Khắc Tình, nguyên Giảng viên Khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây là vấn đề về quyền sở hữu cá nhân và nguồn lực kinh tế của Nhà nước. Đối với vấn đề nguồn lực kinh tế, khi mở đường thì kinh phí chủ yếu tập trung vào ranh giới để mở đường theo chỉ giới đường đỏ, kinh phí chỉ bố trí cho việc mở làm đường, giải phóng mặt bằng và hiện chưa tính toán, bố trí được nguồn vốn để xử lý những mảnh đất có hình dạng, kích thước hình học không phù hợp hai bên tuyến đường. Theo KTS Đoàn Khắc Tình, việc quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều phải thực hiện dựa trên những quy chuẩn, tiêu chuẩn đã có, tuy nhiên, trên thực tế, việc này đến nay không mang lại kết quả như sự kỳ vọng.

 Thiết nghĩ, bên cạnh việc xây dựng chế tài đủ mạnh thì cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội cần quan tâm, thực hiện quyết liệt việc gắn quá trình lập, phê duyệt quy hoạch dự án song song với quy hoạch chi tiết, cụ thể thiết kế đô thị. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm cụ thể, xử lý kiên quyết đối với từng cơ quan, đơn vị nếu tiếp tục để những hành vi như trên tiếp tục tái diễn. Có như vậy, “lời giải” với bài toán nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới có hiệu lực, hiệu quả.

Một số hình ảnh những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” phóng viên ghi nhận:

Căn nhà 5 tầng "siêu mỏng, siêu méo" đang trong quá trình hoàn thiện

tại ngã tư Minh Khai - Đại La - Bạch Mai - Trương Định.

Tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" tại dự án đường vành đai 3 chưa chấm dứt ,

nay tuyến đường vành đai 2  lại tiếp tục tái diễn. 

Rất nhiều ngôi nhà diện tích trên dưới 10 m2, không đủ điều kiện được cấp phép xây dựng,

vẫn ngang nhiên , gấp rút xây dựng trái phép mà không hề bị xử lý.

 

Bài, ảnh: Tuấn Quang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực