Hà Nội: Còn tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch ở một số chợ

Thứ sáu, 14/08/2020 11:06
(ĐCSVN) – Những ngày qua, việc người dân không đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn... là thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại Hà Nội, những ngày này, không khó để bắt gặp tình trạng người dân không đeo khẩu trang khi tham gia trao đổi, mua bán ở các chợ như: Chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ Quảng An (quận Tây Hồ), chợ Vồi (huyện Thường Tín)... Tại các khu chợ này, lượng người đổ về rất đông, hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều người vẫn có tư tưởng chủ quan khi không đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc nơi đông người. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại khu chợ Pháo Đài Láng (quận Đống Đa), người bán và người mua đều không đeo khẩu trang. (Ảnh: NM). 
 Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các khu chợ dân sinh tự phát ở phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) hoạt động mua bán diễn ra tấp nập. Trong chợ, người bán vô tư bày biện hàng hóa dưới lòng đường, từ thực phẩm, rau củ quả tới đồ tươi sống. Điều đáng lo ngại đó là, người bán người mua vẫn vô tư cười nói, trao đổi hàng hóa trong khi không đeo khẩu trang. Tương tự, tại chợ Phùng Khoang (quận Hà Đông) các cửa hàng, quán ăn vẫn hoạt động bình thường và người dân hầu hết không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, tại các khu chợ cóc,  chủ rạp hàng rong cũng như người mua đa số không đeo khẩu trang và không quan tâm đến việc giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn theo các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chị Nguyễn Ngọc Bích, ở chợ Thành Công (quận Đống Đa) cho biết: “Nhận thấy số ca dương tính với COVID-19 tăng lên, mọi người trong gia đình tôi tiếp tục thực hiện đúng biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mỗi khi đi chợ, tôi luôn đeo khẩu trang và không tụ tập nói chuyện như mọi khi. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo lắng khi thấy nhiều người ra chợ còn quên đeo khẩu trang hoặc tháo khẩu trang khi giao tiếp”.

Chợ là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, điển hình là chợ đầu mối. Bởi đây là địa điểm ra vào của các tiểu thương đến từ nhiều tỉnh thành, khu vực khác nhau. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, mặc dù dịch bùng phát nhưng hoạt động sản xuất, trao đổi và luân chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối như: Chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên ... vẫn diễn ra sôi nổi, tấp nập. Điều đáng lưu tâm đó là, một số tiểu thương lẫn người đi chợ vẫn lơ là việc đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang mang tính “đối phó”.

Người bán tiếp xúc gần với khách hàng trong khi không đeo khẩu trang. (Ảnh: NM). 

Chị Nguyễn Thị Hồng, một tiểu thương kinh doanh ở chợ Long Biên cho biết: “Do đặc thù công việc phải khuân vác, vận chuyển hàng hóa nặng nhọc nên việc đeo khẩu trang y tế sẽ cản trở rất lớn đến hiệu quả công việc của nhiều tiểu thương. Đeo khẩu trang khiến việc giao tiếp với khách hàng khó khăn hơn”. Cũng chính vì lí do đó mà nhiều người giống như chị Hồng không đeo khẩu trang khi bán hàng tại các chợ mặc dù biết rõ bản thân đang tiếp xúc với rất nhiều người.

Chợ đầu mối Long Biên là địa điểm giao thương hàng hóa nông sản lớn nhất nhì thành phố Hà Nội nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 là rất cao. Chính vì thế, ngoài việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc theo quy định thì công tác khử khuẩn là rất cần thiết. Đặc biệt, cần chú trọng khử trùng, sát khuẩn các phương tiện ra vào, đồ dùng vận chuyển chuyên dụng... để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, việc phun trùng tiêu độc vẫn chưa được đảm bảo đúng quy trình. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân, an toàn vệ sinh môi trường và hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều người không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn ở chợ Thành Công, quận Ba Đình. (Ảnh: NM). 
 Các cơ quan chính quyền địa phương cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh tại các điểm chợ trên địa bàn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới để dịch bệnh sớm được đẩy lùi./.
Bài, ảnh: Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực