Từ cuối năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình cổng trường an toàn giao thông (ATGT) tại một số cổng trường tiểu học (TH), trung học cơ sở THCS) trên địa bàn quận Ba Đình, TP Hà Nội. Qua quá trình triển khai, đến nay, mô hình cổng trường ATGT tại các trường trên đã cho thấy kết quả tích cực. Trên tuyến đường, khu vực cổng trường đã bớt ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, thậm chí không xuất hiện. Những nỗ lực trên là thành quả của toàn bộ quá trình phối, kết hợp thường xuyên liên tục từ các cơ quan chức năng, phần nào khiến các bậc phụ huynh yên tâm mỗi khi đưa, đón con đi học hoặc về nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh một số cổng trường trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm hiệu quả cao về an toàn giao thông vẫn xuất hiện những khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Điểm đáng lưu ý, các trường thuộc khối TH, THCS - nơi các em học sinh còn hiếu động, nghịch ngợm, chưa có ý thức cao trong việc giữ an toàn bản thân khi đến trường hoặc ra về. Đặc biệt, tình trạng biển báo an toàn giao thông bị che khuất hoặc “nơi có, chỗ không” đang khiến các bậc phụ huynh, dư luận thực sự quan tâm, lo lắng.
Theo khảo sát của phóng viên, các trường khối TH, THCS này nằm trên các trục đường chính, quan trọng, ngày thường mật độ giao thông lớn, nơi giao cắt các ngã tư, ngã ba… Đơn cử như trước cổng trường TH Hoàng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, giao cắt với quốc lộ 1A (cũ) có lưu lượng xe qua lại rất lớn, nhưng biển báo an toàn giao thông hoàn toàn bị che khuất bởi cành cây to án ngữ trước mặt. Suốt thời gian dài, tình trạng này vẫn không có biến chuyển, khiến các bậc phụ huynh đưa đón con thực sự luôn cảm thấy bất an.
Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh có hai con đang học tại đây chia sẻ: “Thực sự mỗi lần đưa, đón con đi học, tôi luôn cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của các con. Trường nằm ngay sát tuyến đường rộng, giao cắt tuyến đường quốc lộ huyết mạch nên rất nhiều xe cộ qua lại, đặc biệt là lượng ô tô rất nhiều. Mỗi lần đưa, đón con đi học, tôi phải quan sát rất kỹ rồi mới dám sang đường bởi biển báo phải nhìn thật kỹ mới thấy được. Chỉ khi đưa con vào lớp hoặc đón con về đến nhà tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Cũng như tôi, rất nhiều phụ huynh khác mong cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết tình trạng biển báo an toàn giao thông bị che khuất, tránh những nguy cơ tai nạn đáng tiếc, nhất là thời điểm năm học mới sắp bắt đầu”. Trường TH Hoàng Liệt nằm ngay sát cạnh UBND phường Hoàng Liệt...
Trong khi đó, trước khu vực trường TH, THCS Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, mặc dù có biển cảnh báo an toàn giao thông, nhưng nơi đây thường xuyên xuất hiện tình trạng các phương tiện giao thông, nhất là các xe ô tô lớn (xe hợp đồng 24 chỗ) dừng đỗ trái phép, án ngữ, che khuất hoàn toàn. Các trường này cũng nằm tại khu vực ngã tư, nơi có mật độ giao thông lớn tại khu vực, nguy cơ tai nạn thường xuyên rình rập và đã có một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.
Tiếp đó, tại khu vực cổng trường TH Tô Hoàng, ngay sát UBND quận Hai Bà Trưng, mặc dù nằm trên tuyến đường rộng, lưu lượng lớn là Đại Cồ Việt nhưng không có biển báo an toàn cho các em học sinh. Cùng với đó, cổng trường còn là điểm giao cắt với cầu cạn trên cao khiến tình trạng mất an toàn giao thông càng thêm nguy cơ lớn. Bác Vũ Văn Bình, bảo vệ một tòa nhà ngân hàng gần đó cho biết, cổng trường ngày thường mật độ giao thông lớn, các cháu còn nhỏ hay nghịch ngợm, đôi khi chỉ cần lơ là ít phút thôi là xảy ra tai nạn khiến những người làm việc gần đó luôn cảm thấy bất an. “Mặc dù là khu vực cổng trường nhưng nơi đây không thấy có biển báo an toàn giao thông. Mong cơ quan chức năng khẩn trương lắp đặt để các bậc phụ huynh yên tâm, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.
Cũng trong tình trạng tương tự, trường TH Phương Liên, phường Phương Liên nằm khuất chân cầu dành cho người đi bộ, ngay sát ngã tư giao cắt đường Phạm Ngọc Thạch – Xã Đàn (mới) nhưng không có biển báo an toàn. Khu vực ngã tư rộng, lưu lượng người qua lại đông khiến nguy cơ tai nạn có thể coi là rất lớn. Mặc dù ngay cạnh đó có điểm chốt của lực lượng giao thông nhưng với tính hiếu kỳ, hiếu động của học sinh hoặc sự thiếu quan sát, quan tâm của phụ huynh cũng có nguy cơ xảy ra tai nạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đáng nói là trước cổng trường này, toàn bộ các tấm pano, áp phích tuyên truyền về an toàn giao thông đều bị các phương tiện ô tô đỗ trên vỉa hè che khuất hoàn toàn, không mang lại giá trị tuyên truyền, giáo dục cho trẻ nhỏ.
Còn một số khu vực cổng trường thiếu an toàn khác mà phóng viên chưa liệt kê đầy đủ. Do đó, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, cùng với tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khẩn trương lắp đặt mới hoặc cải tạo cây cối xung quanh, trả lại sự thông thoáng cho những tấm biển báo. Không nên để khi xảy ra tai nạn đáng tiếc mới bắt tay thực hiện, như vậy là quá muộn!
Một số khu vực cổng trường hạn chế về biển báo an toàn giao thông hoặc không có biển báo do phóng viên ghi nhận:
|
Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) biển báo giao thông bị che khuất
hoàn toàn bởi những tán cây lớn
|
|
Khu vực trường Tiểu học THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai), biển báo thường xuyên
bị các phương tiện ô tô án ngữ, che khuất, đã có những tai nạn xảy ra
|
|
Cổng trường TH Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng) nơi giao cắt giữa những
tuyến đường trọng điểm và cầu vượt cạn, biển báo an toàn giao thông ở khá xa, khó quan sát
|
|
Trường TH Phương Liên (quận Đống Đa) "ẩn" sát chân cầu vượt cho người đi bộ,
biển báo an toàn giao thông không rõ, thậm chí pa nô, áp phích tuyên truyền
về an toàn giao thông bị che khuất hoàn toàn từ các phương tiện ô tô đỗ trên vỉa hè
|
|
Trước cổng trường mầm non Thành Công (quận Ba Đình), không thấy xuất hiện biển cảnh báo an toàn
|
|
Trong khi đó, một số khu vực như trường TH Nghĩa Tân |
|
Hay trường TH Hoàng Diệu (quận Ba Đình) biển báo rất cụ thể, rõ ràng, khiến phụ huynh phần nào yên tâm mỗi khi đón trẻ.
|