|
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Lê Thị Tâm tiếp tục đi lừa đảo trên 2 tỷ đồng
của nhiều người. Ảnh HC
|
Theo tài liệu điều tra: Lê Thị Tâm là đối tượng có tiền sử bị bệnh tâm thần, đã khám và điều trị nhiều lần tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 2012 – 2014, Tâm đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Nga Sơn và Công an TP Thanh Hóa khởi tố điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, sau khi được đưa đi giám định pháp y về tâm thần đều cho kết quả: Lê Thị Tâm không đủ (mất) năng lực hành vi nên vụ án được đình chỉ điều tra và đối tượng được đưa đi chữa bệnh bắt buộc.
Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6/2021, Lê Thị Tâm liên tục có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Với thủ đoạn lên mạng xã hội đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên mình, Tâm đã lừa bán đất cho nhiều người dân để chiếm đoạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lê Thị Tâm còn nhận 400 triệu đồng của anh V.V.C. (32 tuổi, trú phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) để bán xe ô tô nhưng sau đó lại bán xe ô tô cho người khác và không trả lại tiền cho C..
Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo ai là nạn nhân của Lê Thị Tâm thì gửi đơn hoặc báo với cơ quan công an để được giải quyết.
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự sẽ không được coi là tội phạm. Đồng thời, để hạn chế, không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, cơ quan công an cần phối hợp cơ quan y tế rà soát lại các quy định, quy trình giám định chuyên môn".
“Đối với trường hợp Lê Thị Tâm, sau khi tiến hành bắt giữ, nếu đối tượng cung cấp được bệnh án tâm thần, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm tra tính hợp pháp của bệnh án, đồng thời đưa đối tượng đi giám định pháp y tâm thần. Trong kết luận giám định, nếu xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Tâm vẫn bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không nhận thức được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu kết luận giám định xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đối tượng Tâm đã được chữa khỏi bệnh, làm chủ được hành vi của mình, có khả năng nhận thức thì phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường", Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho biết.
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Phú Thắng cũng cho rằng cần làm rõ quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Tâm có người nào giúp sức hay không? Trong trường hợp có đối tượng mang đầy đủ năng lực hành vi tiến hành giúp sức, xúi giục phía sau, nếu cơ quan chức năng thu thập đủ bằng chứng sẽ tiến hành xử lý theo luật định.
Hiện tại rất khó để quản lý việc bệnh nhân tâm thần vi phạm pháp luật vì vẫn chưa có quy định quyết liệt về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần, trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011, việc bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Từ thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng kiến nghị cần phải có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với những trường hợp tâm thần. Đối với người bị tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật, phải quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Trong công tác quản lý, khi xác định bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, cơ sở y tế đó có thể thu lại giấy tờ cá nhân của bệnh nhân giao lại cho người giám hộ và thông báo về địa phương để quản lý, giám sát. Vì ngoài hành vi vi phạm pháp luật hình sự, việc để bệnh nhân tâm thần, mất năng lực hành vi tự do thực hiện các giao dịch dân sự, sẽ gây nhiều hệ lụy pháp lý phức tạp, khó giải quyết./.