Không có việc tăng phí đào tạo lái ôtô lên 30 triệu đồng

Thứ tư, 04/03/2020 11:29
(ĐCSVN) – Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thông tin tăng mức học phí lên 30 triệu đồng chỉ là chiêu trò để “kích cầu” người học trước khi Thông tư 38/2019 có hiệu lực.
(Ảnh minh họa: baogiaothong.vn).

Gần đây, nhiều trang mạng thường xuyên đăng tải về mức học phí học lái xe ô tô trong năm 2020 sẽ tăng hơn gấp đôi, thậm chí có trang mạng đăng tin mức học phí lái xe trong năm 2020 sẽ  tăng tới 30 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, các tin đồn trên bắt nguồn từ các quy định mới về đào tạo, cấp phép lái xe. Cụ thể, ngày 8/10/2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 38 về "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12 ban hành ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ". Theo đó, kể từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết; học viên sẽ được giám sát việc học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo học viên được học đầy đủ thời gian đào tạo, nếu không sẽ không được dự thi sát hạch. Sau khi Thông tư 38 được ban hành, nhiều trang mạng xã hội trên cơ sở suy đoán thiếu căn cứ, đã đăng tải các thông tin như: Việc học và thi sát hạch lái ô tô sẽ khó hơn rất nhiều, học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần, lên đến 30 triệu đồng khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng, vội đến các trung tâm đào tạo lái xe xin học kẻo “hết chỗ”...

 Liên hệ đến website một số trung tâm đào tạo lái xe tại Hà Nội, chúng tôi ghi nhận tình trạng các khóa học tháng 3 đến tháng 5 đã kín người đăng ký. Học viên muốn tham gia học phải đăng ký trước nhiều tháng rồi đợi các trung tâm thông báo mới có thể đi học.

 Anh Đỗ Hoàng Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho biết: Anh có ý định đi học lái xe từ lâu. Nghe nói sắp tới học lái xe sẽ rất phức tạp và tốn kém, nên ăn tết xong anh vội đăng ký lớp học bằng lái xe hạng B2 tại một trung tâm đào tạo ở quận Thanh Xuân.

 Bạn Nguyễn Đình Quang, sinh viên Đại học Văn hóa cho biết: “Nhiều bạn bè em rủ nhau đi học lái xe ngay trong thời gian này vì đang rảnh và nếu để đến cuối năm thì có thể học phí sẽ tăng cao, việc thi lấy Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ khó hơn”.

 Tương tự, chị Nguyễn Minh Phương, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tôi nghe nói bắt đầu từ ngày 1/5 nếu ai học lái xe sẽ phải điểm danh bằng vân tay, trong phòng học có cài đặt camera giám sát. Học viên phải đi học đầy đủ và thi trên thiết bị mô phỏng trước khi thi thực hành. Hiện nay, nhiều trung tâm tăng học phí cả khóa khoảng 2 - 3 triệu so với năm ngoái. Nhiều chị em trong cơ quan đăng ký đi học nên tôi cũng đăng ký học theo. Tôi sợ sau này thi sẽ khó hơn, nên dù đắt, tôi vẫn đăng ký học và đóng trọn gói luôn".

Còn anh Trần Long Giang (TP Hải Phòng) hiện rất lo lắng vì sợ học lái xe ô tô tăng thời gian và tăng mức học phí lên cao. Anh chia sẻ, hiện tại anh cũng chưa muốn học lái trong thời điểm này. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các trang mạng xã hội, anh thấy các cơ sở tuyển sinh học lái xe đăng nhiều thông tin về mức tăng học phí, quy định học sẽ khó hơn so với trước… khiến anh lo lắng tìm đến một số trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn hỏi để đăng ký học thì danh sách đã kín, phải chờ khóa đào tạo theo chương trình mới. Nghe nói bắt đầu từ ngày 1/5, muốn thi bằng B2 phải học  6 tháng trời và phí đào tạo lái xe ô tô hạng B2 sẽ có mức tối thiểu từ 20-30 triệu đồng...

 Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ GTVT” không có mục nào quy định việc tăng học phí thi bằng lái xe ô tô 2020. Chương trình đào tạo lái xe các hạng GPLX trong Thông tư 38 bổ sung ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo để người học tiếp cận được với các tình huống giao thông thực tế, bên cạnh đó sẽ giám sát được chặt chẽ quá trình đào tạo. Học viên sẽ phải học đầy đủ chương trình lý thuyết và số km lái xe trên đường. Chất lượng đào tạo, kỹ năng lái xe của học viên sau khi được cấp GPLX sẽ được nâng cao.Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo lái xe, cho đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo lái xe có tăng học phí, tuy nhiên mức tăng không đáng kể, dao động ở mức trên dưới 10 triệu đồng đối với hạng B2. Trường hợp có trung tâm nào tăng học phí vượt quy định, Phòng sẽ xin ý kiến Sở để kiểm tra, xử phạt. Không có chuyện học phí đào tạo lái ô tô tăng lên đến 30 triệu. Việc có thông tin tăng mức học phí chỉ là chiêu trò để “kích cầu” người học trước khi Thông tư 38/2019 có hiệu lực. Còn nếu cơ sở đào tạo nào tự ý tăng giá quá cao, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và xử phạt ngay.

 Như vậy, rõ ràng không có chuyện học phí đào tạo lái xe sẽ tăng lên vài chục triệu đồng. Và việc chương trình đào tạo lái xe được bổ sung, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, việc học viên sẽ phải học đầy đủ chương trình lý thuyết và số km lái xe trên đường sẽ rất tốt cho người học lái xe, bởi chất lượng đào tạo, kỹ năng lái xe của học viên sau khi được cấp GPLX sẽ được nâng cao, góp phần bảo đảm việc lái xe an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông sau này./.

Theo Thông tư 38 của Bộ GTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có nhiều thay đổi. Cụ thể: Thông tư cũng quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Ngoài việc đảm bảo thời gian học của học viên, việc giám sát này còn tránh được tình trạng học hộ, thi hộ. 

Thông tư 38 có nhiều điểm mới theo hướng thay đổi phương thức đào tạo và sát hạch. Đáng chú ý nhất là việc bổ sung 2 môn học: xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên ca-bin. Quá trình học trên ca-bin sẽ mô phỏng lại các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm, học viên sẽ được xử lý tình huống để có kỹ năng tránh tai nạn đáng tiếc. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường.

Phương thức thi sát hạch cũng có thay đổi. Trước đây, học viên phải trải qua 3 nội dung sát hạch là: lý thuyết, trên sa hình và trên đường. Theo Thông tư 38, trình tự thi sát hạch mới sẽ là: lý thuyết, mô phỏng, trên sa hình, trên đường.

Như vậy, môn xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng đóng vai trò quan trọng trong việc thi sát hạch. Nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng, học viên sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ ngày 1/1/2021 và nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng là từ ngày 1/5/2021.

Với mục đích nâng cao chất lượng giấy phép lái xe, số lượng câu hỏi lý thuyết trong bộ đề tăng từ 450 câu lên 600 câu. Trong đó có 100 câu điểm liệt, chỉ cần trả lời sai một câu hỏi thì học viên sẽ bị trượt. Mỗi đề vẫn có 30 câu, người thi trả lời sai 5 câu là bị trượt./.  
Tuệ An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực