Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông
|
Cục CSGT, Bộ Công an vừa đề xuất lắp camera "phạt nguội'" trên toàn quốc. (Ảnh: Cục CSGT) |
Ngày 24/12/ 2020, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), cho biết, đơn vị vừa đề xuất lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc.
Đề xuất trên được đưa ra trong tờ trình "Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính". Tờ trình này đã được Cục CSGT trình lên lãnh đạo Bộ Công an để xem xét trình Chính phủ.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, đơn vị này đề xuất lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm. Yêu cầu đặt ra là ngoài phục vụ xử "phạt nguội" đối với các lỗi vi phạm giao thông thì tất cả camera lắp đặt còn phải được kết nối sử dụng nhiều mục đích khác như phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.... Đề án hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác.
Chia sẻ với báo chí về hiệu quả của việc lắp đặt camera "phạt nguội" trên toàn quốc, lãnh đạo Cục CSGT kỳ vọng, đây sẽ là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường "phạt nguội", hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay.
Cùng quan điểm với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, việc lắp đặt camera giám sát các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ là rất cần thiết vì trên các tuyến quốc lộ nếu được lắp đặt hệ thống này thì sẽ giám sát hết các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông và giúp cho các cơ quan chức năng dễ phát hiện và xử lý các hành vi phạm của người vi phạm. Hơn thế nữa, thông qua hệ thống này sẽ góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông làm giảm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông từ đó làm giảm các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến. Việc lắp đặt camera giám sát sẽ giúp giảm lực lượng tham gia tuần tra kiểm soat trên đường và tạo ra sự minh bạch trong công tác của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, hiện nay do luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy đinh việc lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều thủ tục nên sẽ phần nào gây khó khăn cho người vi phạm thực hiện việc xử phạt vi phạm.
|
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, Phó phòng CSGT tỉnh Nghệ An (Ảnh: KL) |
Lắp đặt camera giám sát là việc làm hết sức cần thiết
Khẳng định việc lắp đặt hệ thống camera giám sát là việc làm hết sức cần thiết, anh Hà Thanh Sơn (Hà Nội) chia sẻ: “Là người làm nghề lái xe nhiều năm nay, tôi rất ủng hộ việc lắp camera phạt nguội vì việc làm này sẽ góp phần nâng cao được ý thức tham gia giao thông của người dân. Lắp camera giao thông trên toàn quốc không chỉ để phạt nguội hành vi vi phạm luật giao thông, mà còn hỗ trợ giám sát cả tội phạm trên đường phố và truy vết tội phạm bỏ trốn. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay, hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm ở nhiều tỉnh lộ còn chưa trang bị đầy đủ, nhiều đoạn đường vẫn tối như mực, chỉ có đèn xe, rất khó quan sát. Vì vậy, tôi đề nghị song song với việc lắp camera giám sát giao thông cần lắp cả hệ thống đèn chiếu sáng”.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, phải cân nhắc giữa giá trị đầu tư với lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn quốc. Mục đích của việc lắp hệ thống camera không chỉ phục vụ cho việc phát hiện lỗi vi phạm làm căn cứ xử phạt nguội mà còn phục vu cho công tác chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng được hưởng lợi qua các cơ sở dữ liệu được chia sẻ từ lực lượng CSGT.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, các nước Tây Âu, Úc đã triển khai và vận hành thành công hệ thống camera giám sát giao thông này từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc hợp hiến, nguyên tắc thống nhất pháp luật, nội dung đề án cần phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019 và các văn bản hướng dẫn liên quan, tránh xung đột hoặc gây nhầm lẫn. Đề án trình Thủ tướng cần xem xét và quy định về trình tự, phương thức trích xuất hình ảnh, thông báo tới người vi phạm, tiếp nhận tiền nộp phạt một cách đơn giản, thuận tiện nhất có thể. Ngoài ra, cơ quan chủ trì cần có biện pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững và chính xác của thiết bị camera, tránh tình trạng khi đi vào vận hành thì trở nên lạc hậu, không phát huy đúng tác dụng của hệ thống phương tiện nghiệp vụ hỗ trợ chủ lực cho lực lượng CSGT toàn quốc.
|
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội. (Ảnh: KL) |
Theo Cục CSGT, hiện nay chỉ một số tuyến đường cao tốc được lắp đặt camera. Trong đó, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 110 camera giám sát; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương có 11 camera; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lắp đặt 78 camera... Hệ thống camera "phạt nguội" trên toàn quốc trong một năm qua đã ghi nhận, phát hiện để lực lượng chức năng xử phạt trên 120.000 trường hợp vi phạm. Riêng Hà Nội hiện có hơn 200 camera giám sát, xử lý vi phạm lắp đặt trên các tuyến đường, nút giao trung tâm. Từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020 có khoảng 16.000 tài xế bị "phạt nguội" qua hệ thống camera.
|