|
Danh sách đủ điều kiện dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với điểm "toàn 10". Ảnh: T.N |
“Học bạ đẹp như mơ”
Đó là cảm nhận chung của mọi người khi nhìn thấy học bạ “toàn điểm 10” của các em học sinh. Mới đây, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã công bố danh sách các thí sinh đã vượt qua vòng 1 để được tham gia kiểm tra ở vòng 2 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 hệ THCS. Điểm chung lớn nhất của các em học sinh ở trong danh sách này đó là hầu hết các em đều có điểm “toàn 10” trong suốt 5 năm học ở cấp tiểu học; số ít có một vài điểm 9.
Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam là trường có bề dày truyền thống về thành tích giáo dục đào tạo nên việc các em học sinh tham gia thi tuyển vào trường này có kết quả học tập cao cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019 - 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đối với Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với các em học sinh. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh tốt nghiệp lớp 5 trên địa bàn thành phố muốn tham gia thi tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phải đạt điều kiện: Có kết quả đánh giá định kỳ cuối năm về năng lực và phẩm chất đạt (năm lớp 1), đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện" (năm lớp 2, 3, 4, 5).
Điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn toán, tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học và điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 4 và lớp 5 môn khoa học, lịch sử và địa lý phải từ 137/140 điểm trở lên. Có nghĩa là, trong 14 bài kiểm tra định kỳ trong 5 năm học, học sinh chỉ được phép có 3 bài (khoảng 21,4%) đạt điểm thấp nhất là…9. Với 11 bài kiểm tra còn lại (khoảng 78,6%), các em bắt buộc phải đạt điểm... toàn 10.
Cô giáo Phạm Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn nhìn nhận, với những điểm số này, có thể nói kết quả học tập của các em tham gia thi tuyển gần như... đạt điểm tuyệt đối. Nếu đây là kết quả thực chất thì những học bạ “toàn điểm 10” không chỉ là ước mơ của các em học sinh mà còn là niềm tự hào của cha mẹ và nhà trường.
Các em quá giỏi và toàn diện?
Ở góc tiếp cận khác, nhiều người cho rằng cần xem xét, những học bạ “toàn điểm 10” là thành tích thực của các em hay là biểu hiện của “bệnh thành tích”? Phải chăng con em chúng ta bây giờ quá giỏi và toàn diện?
Còn nhớ khoảng 20 năm trước đây, với học sinh được 8 điểm là đã rất vui. Điểm 9, điểm 10 thì thực sự là rất khó; nhất là đối với những môn thuộc lĩnh vực xã hội như lịch sử, văn học, địa lý... Đối với các môn học thuộc lĩnh vực tự nhiên như toán, lý, hóa... điểm 10 cũng có, nhưng không phải là phổ biến. Phải chăng, thầy, cô giáo lúc đó đánh giá và chấm điểm khắt khe hơn hiện nay?
Thực tế ở nước ta, việc đánh giá kết quả các bài thi của học sinh hiện đang được thực hiện theo hệ thang điểm phổ thông từ 0-10. Trong thang điểm này, 8 điểm được xếp loại giỏi; từ 9 điểm trở lên là xuất sắc. Do đó, nhiều người đặt vấn đề, những cuốn học bạ “toàn điểm 10” liệu có thực sự phản ánh đúng kết quả học tập của các em. Có ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, ngày nay các cháu được nuôi nấng, sinh trưởng trong điều kiện đầy đủ; các gia đình có ít con nên hầu như ai cũng có điều kiện đầu tư cho việc học, nên thế hệ trẻ em bây giờ giỏi giang và toàn diện hơn trước đây.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Định ở quận Đống Đa (Hà Nội), với 11/14 lần kiểm tra định kỳ đều đạt 10 điểm thì thực sự là một thành tích đáng khâm phục. “Điểm tổng kết các môn của con từ lớp 1 đến lớp 5 luôn đạt điểm giỏi. Năm ngoái, tôi tự tin đăng ký cho con thi tuyển vào lớp 6 tới 3 trường thuộc nhóm chất lượng cao nhưng kết quả thi thực tế của con lại dưới điểm tuyển của cả 3 trường. Do vậy, điểm số cao không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với năng lực thực của các cháu”, anh Định chia sẻ thêm.
Chị Trần Thị Ánh, phụ huynh có con đang học tiểu học tại một trường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Phải thi mới biết năng lực thực của các con. Cụ thể, để được tuyển vào Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, ngoài việc xét học bạ, các con còn phải trải qua vòng 2: kiểm tra, đánh giá năng lực. Học sinh phải thực hiện 3 bài kiểm tra: môn toán, môn tiếng Việt và môn tiếng Anh dưới hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. Kết quả 3 bài kiểm tra này sẽ phản ánh rõ nhất trình độ kiến thức thực tế của các con”.
Đồng tình với góc nhìn này, cô Phạm Thị Diêm ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một giáo viên có kinh nghiệm hơn 30 năm dạy tiểu học cho rằng, những năm trước, việc xét tuyển học bạ đơn thuần có nhiều bất cập bởi học bạ đẹp không đồng nghĩa với năng lực thực sự. Vì vậy, cần coi trọng việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh trong tuyển sinh các cấp trên cơ sở đảm bảo yếu tố khách quan. Nếu quá nhấn mạnh kết quả học tập (điểm số ghi ở học bạ) trong xét tuyển sẽ dẫn đến tình trạng phụ huynh tìm mọi cách tác động, thậm chí là “xin điểm”, “chạy điểm” để các em có được “học bạ đẹp” ngay từ năm lớp 1.
Có thể thấy, mục tiêu lớn nhất của các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp đó là tuyển chọn được những học sinh có năng lực, kiến thức phù hợp với yêu cầu của cơ sở giáo dục. Vì vậy, thiết nghĩ, điểm số ở học bạ chỉ là một “kênh” để Hội đồng tuyển sinh đánh giá các em tham gia dự tuyển. Và học bạ chỉ thực sự có giá trị khi nó phản ánh chính xác kết quả học tập của các em học sinh chứ không phải là “tấm vé hoàn hảo” để các em vượt qua những vòng tuyển chọn của các cơ sở giáo dục./.