Không phải ngẫu nhiên người xưa đã đúc kết, “Thủy, hỏa, đạo, tặc” với ý cảnh báo hỏa hoạn là một trong bốn mối nguy hiểm đối với con người (nước lũ, hỏa hoạn, trộm cướp, giặc giã). Cùng với sự phát triển của xã hội, nguy cơ hỏa hoạn càng hiện hữu rõ hơn trong mùa nắng nóng; nhất là hỏa hoạn có nguyên nhân từ sự cố chập cháy điện do nhu cầu sử dụng điện đột ngột tăng cao.
Chỉ tính trong vòng chưa đầy một tuần trở lại đây, tại 2 thành phố lớn nhất cả nước đã ghi nhận các vụ hỏa hoạn với thiệt hại lớn về người. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 30/3 tại căn nhà cấp 4 ở phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức đã khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng. Còn tại Hà Nội, vụ hỏa hoạn xảy ra vào sáng sớm ngày 4/4 tại số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa cũng đã cướp đi sinh mạng của 4 người. Điểm chung của các vụ hỏa hoạn này là đám cháy không lớn nhưng do xảy ra vào ban đêm, mọi người không kịp thoát ra ngoài nên đã khiến nhiều người tử vong. Đây thực sự là nỗi ám ảnh lớn đối với người thân của các nạn nhân.
|
Cận cảnh hiện trường vụ cháy tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng sớm ngày 30/3. (Ảnh: VL). |
Nhiều chuyên gia cho rằng, hỏa hoạn luôn là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa sự an toàn của mọi người. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, nguy cơ này càng tăng cao và chỉ cần một hành vi bất cẩn cũng có thể dẫn đến cháy, nổ với những hậu quả không thể lường trước. Do đó, đề cao cảnh giác, cẩn thận trong sắp xếp đồ đạc, cẩn thận trong sử dụng các đồ dùng điện là cách tốt nhất để mỗi người, mỗi gia đình hạn chế nguy cơ hỏa hoạn và tự bảo vệ mình. Theo đó, trong mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt với các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như máy điều hòa, quạt điều hòa, máy lạnh… tăng đột biến. Vì vậy, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; tránh việc trang bị thêm các thiết bị làm mát mà không tính toán tới sự an toàn của lưới điện sẽ dễ dẫn đến hiện tượng quá tải chập mạch làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ. Tuyệt đối không câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không tự ý cơi nới, lắp thêm các thiết bị điện mà không nâng cấp dây dẫn điện...
Các cơ sở kinh doanh, buôn bán và các hộ gia đình cần bố trí, sắp xếp hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong đơn vị, trong nhà xưởng, nhà kho vật dụng trong gia đình đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong gia đình phải ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m; khi đun nấu phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống bảo đảm độ kín, phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas...
Bên cạnh đó, qua thống kê, ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do hỏa hoạn, cao hơn nguyên nhân tử vong do bị bỏng. Vì vậy, việc trang bị các kỹ năng thoát hiểm cần thiết sẽ giúp mỗi người có cách xử trí linh hoạt, phù hợp và hạn chế những thiệt hại về người, nếu hỏa hoạn xảy ra.
Khi phát hiện xảy ra cháy, mọi người cần bình tĩnh, báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng tìm cách di chuyển ra vị trí an toàn. Nếu đám cháy chưa phát triển lớn, tiến hành ngắt nguồn điện; sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay từ ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy, chăn ướt…). Đồng thời gọi ngay đến tổng đài 114 để báo cháy. Nếu lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh. Trong quá trình thoát hiểm ở nơi có nhiều khói, cần sử dụng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói; tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…
Để đẩy lùi nguy cơ hỏa hoạn trong mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt; đặc biệt là biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện, hàn cắt kim loại, trong kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng...
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Hỏa hoạn từ lâu luôn là nỗi lo lắng của mọi người dân và toàn xã hội. Vì nhiều lý do, nguy cơ về các vụ cháy cũng tăng lên trong mùa nắng nóng. Những nguy cơ này chỉ có thể được đẩy lùi trên cơ sở ý thức cảnh giác của mỗi người dân, mỗi gia đình và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Đó là cách để chúng ta cùng chiến thắng “giặc lửa”./.