|
Đường ĐT 314 hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. ( Ảnh: KC) |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường ĐT 314 kéo dài từ xã Yên Kỳ đến xã Đại Phạm (đều thuộc huyện Hạ Hòa) có tổng chiều dài 46km. Tuyến đường trên được thi công từ năm 2002, trải qua gần 20 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay trên mặt đường xuất hiện với vô số ổ voi, ổ gà, kết cấu kỹ thuật mặt đường nhựa ban đầu đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Riêng đoạn ĐT 314 chạy qua các xã Ấm Hạ, Gia Điền, Hà Lương, Đại Phạm (huyện Hạ Hòa) dài khoảng 10km là bị xuống cấp do hàng ngày vẫn phải chịu sự quần đảo của hàng trăm lượt xe quá tải trở gỗ nguyên liệu, gỗ ván và đất từ hoạt động sản xuất chế biến lâm sản và mỏ đất trong vùng. Việc đường xuống cấp đã ảnh hưởng nặng nề đến việc đi lại của người dân của 4 xã của huyện Hạ Hòa và một số xã thuộc huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).
Ông Trần Văn Hùng, nhà ở xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa cho biết: Mỗi khi có công việc phải ra ngoài trung tâm huyện quả là "cực hình" với tôi, ngày nắng ổ voi, ổ gà chằng chịt, bụi thì tung mù trời ngột ngạt không thở được. Còn những ngày mưa đường tạo thành nhiều ao vũng, bùn đất bắn bẩn ngang người. Bên cạnh đó là hoạt động của xe tải trọng lớn luôn đe dọa tình mạng người đi đường.
Bà Vũ Thị Hằng, nhà ở thôn 5 xã Gia Điền than thở: Đường xuống cấp đã hàng chục năm qua, việc đi lại của người dân chúng tôi khốn khổ quá. Đã nhiều lần người dân chúng tôi kêu cứu lên các cấp chính quyền địa phương, tuy nhiên tình hình vẫn chưa thay đổi.
Còn ông Trương Quang Nam, ở thôn 4 xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng than vãn: Mỗi lần đưa con đi học ngoài thị trấn Hạ Hòa, tôi như đánh vật với đường 314. Ngày mưa đường lầy lội, xe máy đi như bơi trong bùn, còn ngày nắng bụi phủ trắng, nhất là mỗi lần có xe tải chạy qua...
“Đường xấu đã đành, hàng ngày phải "cõng" hàng trăm lượt xe tải trọng nặng qua lại trở gỗ ván và gỗ nguyên liệu, có thời điểm họ còn trở đất rầm rộ làm cho tình hình đường xá ngày càng tồi tệ hơn. Đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông, người dân chúng tôi lĩnh đủ cả, kêu lên các cấp nhiều lần rồi mà chưa được khắc phục nên rất bức xúc” – anh Phạm Văn Năm ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa cho biết.
Tìm hiểu thêm chúng tôi, cung đường trên là 1 trong các tuyến huyết mạch nối huyện Hạ Hòa sang huyện Đoan Hùng, QL 70, QL 2; đặc biệt còn kết nối với cao tốc Nội Bài, Lào Cai qua nút giao IC11. Do đường 314 quá xấu, một số người dân ở xã Hà Lương, Đại Phạm, Gia Điền(huyện Hạ Hòa) và Minh Lương, Bằng Doãn, Phúc Lai (huyện Đoan Hùng) khi có việc đi Hà Nội về thường phải chọn xuống ở nút giao IC12 cao tốc Nội Bài - Lào Cai để vòng về.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: Đường ĐT 314 xuống cấp đã hàng chục năm qua, việc người dân phản ánh chúng tôi cũng đã nắm được và báo cáo cấp trên, song do cấp trên chưa bố trí được nguồn kinh phí bảo trì, khả năng kinh tế của của địa phương còn hạn hẹp nên chưa thể đầu tư cải tạo, nâng cấp cho tuyến đường này được…
Có mặt tại tuyến đường trên tại địa bàn xã Gia Điền những ngày gần đây, chúng tôi thấy, mặc dù tuyến đường đã xuống cấp đến biến dạng, là loại đường cấp V miền núi, nhưng cứ vài phút lại có những đoàn xe" siêu trường, siêu trọng" chở gỗ nguyên liệu và gỗ ván qua lại.
Thậm chí tại thôn 5 xã Gia Điền, nhiều xe tải còn dừng đỗ ngay lòng đường; có xe khác còn đậu ngược chiều nghênh ngang trên đường 314 để bốc xếp gỗ ván như thể đường giao thông là “sân riêng” của nhà mình.
Một số người dân còn cho biết, trên cung đường này đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân chủ yếu là người điều khiển xe máy. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định do đường xấu nhiều ổ voi, ổ gà lớn, mặt đường nhỏ (3,5m), cộng với tình trạng xe tải trọng lớn chạy lấn hết đường va chạm vào người điều khiển xe máy.
Chúng tôi cũng tự đặt ra câu hỏi rằng, không biết đơn vị chức năng chuyên trách tuần tra kiểm soát giao thông tuyến đường ĐT.341 có biết hay không việc xe tải trọng lớn, xe có có dấu hiệu quá tải quần đảo con đường xuống cấp suốt ngày đêm mà không thực thi nhiệm vụ ngăn chặn, xử kịp thời để mặc người dân “kêu khổ” kéo dài suốt nhiều năm?
|
Khi trời mưa nhiều đoạn ĐT.314 lầy lội như ruộng.. (Ảnh do người dân cung cấp) |
Làm việc với Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án xây dựng và bảo trì công trình Giao thông (Sở GTVT Phú Thọ) cho biết: Tuyến ĐT 314 có tổng chiều dài 46km, được xây dựng từ năm 2002 với quy mô đường cấp V miền núi, kết cấu mặt đường đá răm tiêu chuẩn láng nhựa. Qua thời gian sử dụng lâu, lưu lượng phương tiện tăng nhanh và ảnh hưởng mưa bão dẫn đến mặt đường xuống cấp, hư hỏng nặng. Mặc dù đơn vị thường xuyên bảo trì nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ khắc phục được các hư hỏng cục bộ ở một số đoạn ngắn trọng yếu.
Ông Nguyên cho biết thêm, hiện Sở GTVT Phủ Thọ đã báo cáo và đề nghị cấp trên về đề xuất chủ trương sửa chữa đường ĐT 314, tuy nhiên cấp trên cũng trả lời đang khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể triển khai…
Điều đó có nghĩa việc đi lại khó khăn của người dân một số xã thuộc huyện Hạ Hòa và một số xã lân cận của huyện Đoan Hùng vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết, hiệu quả kết nối của nút giao IC 11 cao tốc Nội Bài – Lào Cai vẫn không phát huy hết hiệu quả để tạo đà cho phát triển kinh tế vùng.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đơn vị chuyên trách cần tăng cường, tuần tra kiểm soát giao thông các phương tiện tải trọng lớn qua lại cung đường trên, đồng thời sớm có chủ trương nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT 314 để trước mắt tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho một số xã thuộc địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh nhà./.