Trách nhiệm và uy tín

Thứ ba, 18/01/2022 19:57
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC và tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bên cạnh những hệ lụy về kinh tế, pháp lý, có lẽ thiệt hại lớn nhất đối với những cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến các vụ việc trên chính là việc họ đã đánh mất uy tín của doanh nghiệp, cũng như niềm tin của nhà đầu tư.

Tập đoàn FLC được biết đến là một tập đoàn lớn, tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên mới đây, ngày 10/01/2021, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, sàn HOSE) đã thực hiện giao dịch bán hàng chục triệu cổ phiếu mà không báo cáo, không công bố thông tin. Ngay sau đó, ngày 11/01, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo chính thức về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/01 của ông Trịnh Văn Quyết. Bộ Tài chính cũng ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Theo các chuyên gia, với việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu được số tiền chênh lệch lên đến hơn 300 tỷ đồng. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu. Mặc dù là người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn FLC nhưng trước đó, năm 2017, ông Quyết cũng đã bán "chui" 57 triệu cổ phiếu và cũng không công bố trước theo quy định.

 Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. (Ảnh: MC).

Quay trở lại việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC, ngay sau khi cơ quan chức năng đưa ra những hình thức xử lý ban đầu thì liên tục nhiều ngày gần đây, giá trị cổ phiếu FLC đã giảm mạnh tại các thời điểm chốt phiên giao dịch; nhiều nhà đầu tư chứng khoán chấp nhận khớp lệnh bán cổ phiếu FLC để cắt lỗ. Theo phân tích, uy tín của tập đoàn FLC, giá trị cổ phiếu FLC đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc làm thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật của ông Trịnh Văn Quyết. Và sẽ mất khoảng thời gian không hề ngắn để phục hồi giá trị cổ phiếu FLC. Đồng thời, rất khó có thể đong đếm được những thiệt hại về thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp sau vụ việc vi phạm này.

Cũng là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây, việc Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh) bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm đã ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản. Với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất gần 588,5 tỷ đồng, là khoản tiền đặt trước bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5, Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.

Thực tế, việc tập đoàn Tân Hoàng Minh cố tình bỏ giá cao đối với lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây ra hệ luỵ đối với thị trường, tạo ra một đỉnh giá mới, ảnh hưởng đến việc cân đối kinh tế vĩ mô. Cũng cần nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên Tân Hoàng Minh bỏ giá cao sau đó lại quyết định bỏ cọc đấu giá. Là một tập đoàn lớn, họ thừa hiểu, rút khỏi cuộc đấu giá sẽ đồng nghĩa với việc mất toàn bộ số tiền cọc lên đến gần 600 tỷ đồng. Do vậy, lý do thật của việc làm trên có lẽ sẽ không đơn giản như trong “tâm thư” của đại diện Tân Hoàng Minh gửi đến UBND thành phố Hồ Chí Minh mới đây. Và dù với bất cứ lý do nào, việc làm của tập đoàn Tân Hoàng Minh đã cho thấy hành vi thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với thị trường bất động sản. Bởi kết quả của cuộc đấu giá này đã khiến thị trường bất động sản “dậy sóng”, tạo ra nguy cơ bong bóng bất động sản ở những khu đất đã được Nhà nước giao cho chủ đầu tư trước đây và làm “đóng băng” những dự án mới.

Việc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm và chấp nhận mất cọc của Tân Hoàng Minh sẽ tạo ra một mặt bằng giá đất mới. Điều này không chỉ có lợi trực tiếp cho những tài sản của Tân Hoàng Minh mà còn tạo ra hệ lụy với một mức giá nhà đất nói chung bị đẩy lên cao và có thể là "bong bóng bất động sản". (Nguồn ảnh: zingnews.vn)

Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (GS.TS, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, trường hợp của Tân Hoàng Minh chưa đến mức vi phạm hình sự. Bởi, việc tổ chức đấu giá của cơ quan quản lý là minh bạch, rõ ràng, công khai. Còn việc cố tình trả giá cao để làm nhiễu loạn thị trường thì đó là hành vi xấu của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, liên quan đến hai vụ việc nói trên, dư luận cũng đặt dấu hỏi về tinh thần trách nhiệm, ý thức thượng tôn pháp luật của ông chủ hai tập đoàn: Tân Hoàng Minh và FLC. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh dù ở quy mô nào cũng đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Ngoài lợi nhuận thì doanh nghiệp, doanh nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Song với hai vụ việc nêu trên, phải chăng, vì lợi nhuận, ông chủ hai tập đoàn lớn, Tân Hoàng Minh và FLC sẵn sàng đứng trên pháp luật, coi thường pháp luật, bỏ qua những quy tắc, văn hóa, trách nhiệm kinh doanh và đặt lợi ích của doanh nghiệp trên cả luật pháp và lợi ích của quốc gia?

Có một điều cũng cần nhắc lại, đó là trong sản xuất kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp được tạo dựng trước hết bởi trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đối với cộng đồng. Uy tín là lợi nhuận vĩnh cửu của người kinh doanh. Phía sau các vi phạm, xử phạt chỉ là chế tài về mặt pháp luật còn thiệt hại lớn nhất đối với các chủ doanh nghiệp, là việc đã đánh mất uy tín, niềm tin ở khách hàng, bạn hàng, nhà đầu tư. Để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là cách giúp họ giữ gìn thương hiệu, bảo vệ uy tín của chính mình./.

Thùy Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực