Xử lý nghiêm hành vi sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ trái phép dịp Tết

Thứ ba, 09/02/2021 18:46
(ĐCSVN) - Tết Nguyên đán cận kề, tình trạng sử dụng pháo hoa trái phép, pháo nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do đó, để bảo đảm nghiêm minh quy định của pháp luật, nhiều địa phương trên cả nước đang ráo riết ra quân tuyên truyền, và xử lý quyết liệt tình trạng này.

Điều 5, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 11 tháng 01 năm 2021 quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo, trong đó có một số quy định đáng lưu ý như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Việc sử dụng pháo đúng quy định phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép
và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.. 

Trước những quy định và hành động quyết liệt từ chính quyền địa phương các cấp trong đấu tranh xử lý hành vi vi phạm tại Nghị định này, nhiều bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi ý kiến đồng tình và đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm vào cuộc quyết liệt, chủ động để xử lý, nhằm bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật với những hành vi vi phạm.

Anh Hà Tuấn Anh.

Theo ý kiến phản ánh của anh Hà Tuấn Anh (Yên Bái) thì người dân nên phân biệt pháo hoa được sử dụng và Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ việc cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa. Người dân nên hiểu pháo được sử dụng là pháo không gây tiếng nổ, không gây cháy, khi sử dụng pháo hoa phải có biện pháp đảm an toàn, kiểm soát khi đốt pháo hoa tránh phát sinh nguồn nhiệt dẫn đến cháy. "Người dân không nên tự ý mua các loại pháo hoa, pháo nổ được bán trôi nỗi trên thị trường về sử dụng, bởi hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm; đồng thời, không nên lên mạng xem cách hướng dẫn chế tạo chất nổ, làm pháo. Việc này rất nguy hiểm và đã có nhiều vụ nổ do tự ý chế tạo thuốc nổ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản" - anh Tuấn Anh cho biết thêm.

Chị Lê Thị Thanh Hương.

Trong khi đó, nêu ý kiến về trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương, cơ sở, chị Lê Thị Thanh Hương (Vĩnh Phúc) đề nghị cần nhấn mạnh rõ trách nhiệm của cơ quan Công an nếu để xảy ra đốt pháo trái phép. Trong đó, cơ quan Công an cần triển khai các biện pháp cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt để chỉ đạo công an xã, phường, thị trấn tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, lập chốt, nhất là các địa bàn đã xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán các năm trước để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về pháo, không để tái diễn tình hình phức tạp về an ninh trật tự và đốt pháo trái phép, đặc biệt là đêm giao thừa. Còn đối với các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, chị Lê Thị Thanh Hương đề nghị cần tăng cường quân số để đảm bảo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp đơn vị nào nếu buông lỏng trong chỉ đạo thiếu quyết liệt hoặc triển khai thực hiện hình thức để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép sẽ phải chịu trách nhiệm.

 

Anh Nguyễn Văn Huy (Nam Định) cho rằng, để người dân hiểu và không vi phạm đối với hành vi sử dụng pháo hoa trái phép, pháo nổ thì cùng với nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan Công an làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ thì chính quyền địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, sát cơ sở, địa bàn hơn nữa. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp, chỉ đạo các lực lượng như dân quân tự vệ, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ cùng thực hiện ... Trong đó, cần lưu ý tới một số hoạt động như tổ chức hội nghị phổ biến các quy định trong Nghị định 137 tới các đơn vị, cơ sở; ban hành văn bản để triển khai đảm bảo hiệu quả; ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác bám nắm cơ sở, dân vận và một trong những biện pháp hiệu quả là tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không sử dụng pháo, đặc biệt cần chú ý việc vận động, yêu cầu các đối tượng từng sử dụng pháo nổ không tái phạm và phải ký cam kết không tiếp tục vi phạm, có như vậy người dân sẽ hiểu và không thực hiện hành vi sử dụng pháo hoa trái phép, pháo nổ.

  Thiết nghĩ, nếu các giải pháp tích cực trên được các cơ quan chức năng vào cuộc thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thì tình trạng đốt pháo sẽ được giảm thiểu, qua đó góp phần để nhân dân đón một cái Tết vui tươi, an toàn./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực