Xử lý thế nào về bằng giả tiếng Anh

Thứ ba, 29/12/2020 17:35
(ĐCSVN) - Có nhiều ý kiến của nhiều bạn đọc khi trao đổi về những diễn biến mới đây liên quan đến vụ án Trường Đại học (ĐH) Đông Đô cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh giả. Các ý kiến cho rằng, nên sớm xác minh làm rõ và xử lý các cá nhân, tập thể có liên quan...
Dư luận đang quan tâm đến kết quả xử lý vụ việc tại Trường ĐH Đông Đô (Ảnh: Vũ Phương). 

Việc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết đinh trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung về vụ "giả mạo trong công tác" tại Trường ĐH Đông Đô đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đưa ra yêu cầu cần phải xử lý người dùng bằng cấp gian dối. Điều này phần nào đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh của các cơ quan chức năng đối với những tiêu cực trong đời sống xã hội nói chung, trong hoạt động giáo dục - đào tạo nói riêng.

Làm nghiêm nhưng nên có sự phân loại cụ thể...

Theo thông tin bước đầu của cơ quan chức năng, từ danh sách thu tại Trường ĐH Đông Đô về hơn 600 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, đến nay đã xác định 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Về bản chất, 193 trường hợp này là những cá nhân không học, không thi, nhưng lại được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh và ngang nhiên mang bằng giả đi thi công chức, làm thạc sĩ, tiến sĩ, nâng ngạch.. Vậy ngay từ đầu, những người này đã có động cơ bất minh, mục đích thiếu trong sáng khi tìm cách “có bằng mà không phải học”.

Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng hơn 400 trường hợp đã được cấp bằng sau khi tham gia đầy đủ quá trình học tập, tham gia các kỳ thi theo quy định; và hàng nghìn trường hợp đang theo học chương trình đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh tại Trường ĐH Đông Đô. Nếu những cá nhân này không biết việc đào tạo của ĐH Đông Đô là trái phép, vi phạm pháp luật thì có thể coi họ là những “nạn nhân” của các hành vi vi phạm pháp luật do một số cá nhân tại Trường ĐH Đông Đô thực hiện. Và cần bảo đảm quyền lợi cho họ.

Trao đổi với báo chí, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, nên công khai danh tính những trường hợp biết cái sai ở trường nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua bằng. Thậm chí có thể liệt kê cả cơ quan, trường học mà những người này mua bằng để "chạy" vào nơi này, nơi kia... Với những trường hợp không biết chất lượng giảng dạy kém thì không nên công khai.

TS Hoàng Ngọc Vinh (Ảnh: Huyền Anh). 

Đồng tình với ý kiến trên, anh Nguyễn Văn Đức ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ, ngoại ngữ là bắt buộc trong đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ, do đó những trường hợp mua bằng mà không qua đào tạo thì đương nhiên chưa đạt chuẩn tiến sĩ. Nếu những người này đã được cấp bằng tiến sĩ thì cần thu hồi bằng tiến sĩ. "Thu hồi bằng, công khai tên tuổi để răn đe và cũng là góp phần đảm bảo chất lượng các hoạt động đào tạo”, anh Đức cho biết thêm.

Làm rõ trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức?

Theo cô giáo Phạm Hà Thanh, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nhìn nhận, “Trong giáo dục, vấn đề đầu tiên đặt ra là cần phải trung thực bởi mọi sự gian dối trong giáo dục sẽ để lại những hệ lụy rất lớn. Do vậy, với những người cố tình mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô, việc công khai danh tính và xử lý nghiêm là hoàn toàn hợp lý. Mặt khác, nếu những cá nhân này là cán bộ, đảng viên thì cần xử lý theo các quy định của kỷ luật Đảng và Luật Công chức”.

 Bạn đọc Kim Ngọc Hải ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Minh Hà).

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, bạn đọc Kim Ngọc Hải ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, công khai danh tính và xử lý nghiêm túc các cá nhân cố tình mua bằng là đúng; tuy nhiên cần cân nhắc với những trường hợp còn lại nếu họ không biết việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô là vi phạm pháp luật. Thực tế, việc công khai danh tính của cá nhân (người vi phạm) không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn có những tác động lớn đến gia đình, người thân của họ. Vì vậy, cần lưu ý việc công khai các “nạn nhân” của vụ việc.

Nhấn mạnh trách nhiệm của những cá nhân vi phạm là công chức, viên chức, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trường hợp người mua bằng là công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc; nếu dùng bằng giả để được bổ nhiệm thì sẽ bị cách chức theo điều 12, 13 và 18, 19 Nghị định 112/2020. Cũng theo Nghị định 112/2020, kỷ luật cán bộ công chức, viên chức được thực hiện qua các hình thức cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc.

Có thể thấy, đến thời điểm này dư luận đang đặt ra là cơ quan chức năng cần sớm xác minh những cá nhân “không học vẫn có bằng” đã sử dụng những tấm bằng đó chưa và nếu đã sử dụng thì nhằm mục đích gì, kết quả ra sao. Cùng với việc công khai danh tính những trường hợp mua bằng, cần xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc theo những quy định của pháp luật gắn với trách nhiệm nêu gương (nếu là cán bộ, đảng viên). Thực hiện điều này, không chỉ giúp “vô hiệu hóa” những tấm bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp trái luật mà còn là sự răn đe lớn đối với những người đang có tư tưởng “chạy theo” bằng cấp, gian dối trong giáo dục và công tác cán bộ./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực