Cần có giải pháp để nhóm xã hội yếu thế tiếp cận với bảo hiểm y tế

Thứ năm, 02/06/2022 10:27
(ĐCSVN) - Đại biểu Lâm Văn Đoan (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tình hình và sớm trình Quốc hội bổ sung vào nghị quyết kỳ họp này về hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khó khăn

Chiều 1/6, phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Lâm Văn Đoan (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Theo đại biểu Lâm Văn Đoan những tháng đầu năm 2022 nên kinh tế cơ bản phục hồi và có khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh có ý nghĩa tích cực, quan trọng, nhiều ý kiến thảo luận, bày tỏ quan ngại về tiến độ và hiệu quả giải ngân của chương trình phát triển kinh tế - xã hội như các chương trình mục tiêu quốc gia, trong việc kịp thời thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

 Đại biểu Lâm Văn Đoan (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: TL. 

Quan tâm về một số nội dung cụ thể liên quan đến kinh tế- xã hội, đại biểu Lâm Văn Đoan cho biết, tính đến hết tháng 4/2022, cả nước có hơn 85,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ gần 87% dân số, giảm khoảng 4,7% so với thời điểm cuối năm 2021, khi đó chúng ta đạt tỷ lệ 91,1% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tương ứng là giảm khoảng hơn 3 triệu người. 

Đại biểu cho hay, nguyên nhân chính là do giảm số người được ngân sách nhà nước đóng hỗ trợ hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó có khoảng 2,6 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trước đây thuộc nhóm được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế nay lại không được tiếp tục hỗ trợ. Trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc trích một khoản tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế cũng là lựa chọn không dễ dàng đối với nhiều hộ gia đình.

Nguyên nhân quan trọng một phần là từ việc phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, 2, 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 86 một của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 433 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ban Dân tộc, về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025, theo đó có khoảng 1.946 xã tương ứng với khoảng 4,9 triệu người, trước đây theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, nay không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ vì tuy là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đã không thuộc vùng 2 và người dân không thuộc vùng 3 như trước đây. 

Cho rằng việc ban hành Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 433 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; song theo đại biểu, việc phân định này đã có tác động gián tiếp đến chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Do vậy, đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng  cần phải có lộ trình để đảm bảo người dân, nhất là các nhóm xã hội yếu thế có thể thích ứng với thay đổi, không ai bị bỏ lại phía sau. 

Đại biểu nhấn mạnh, đất nước ta vừa trải qua những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 thì sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần thiết và cấp bách để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Sau đại dịch, các chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe được Quỹ bảo hiểm y tế hỗ trợ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định là thuộc Quốc hội vì có liên quan đến Luật Bảo hiểm y tế. 

“Đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tình hình và sớm trình Quốc hội bổ sung vào nghị quyết kỳ họp này về hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khó khăn như kiến nghị của nhiều địa phương”, đại biểu kiến nghị.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự mua thẻ bảo hiểm y tế, phân loại các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội ổn định tốt hơn với nhóm xã hội thực sự khó khăn cần Nhà nước hỗ trợ để mua thẻ bảo hiểm y tế nhằm đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và chỉ tiêu Quốc hội giao là đến cuối năm 2022 có 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế./.

Linh Đan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực