|
Ông Phạm Minh Thành – Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai |
PV: Tại BHXH tỉnh Đồng Nai, việc ứng dụng CNTT trong quản lý và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa Ông?
Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới; BHXH tỉnh Đồng Nai luôn là đơn vị tiên phong trong việc cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, được đơn vị sử dụng lao động và người lao động đánh giá cao. Cụ thể:
BHXH tỉnh đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hoàn thiện, mở rộng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm bảo đảm dữ liệu được thu thập, xác minh và quản trị một cách đầy đủ và chính xác để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan. Đặc biệt, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di dộng, cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của BHXH tỉnh đều được thực hiện trên phần mềm, giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo được chính xác và kịp thời, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt được các khâu trung gian, các hoạt động nghiệp vụ trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH; triển khai phần mềm giám định BHYT đảm bảo quyền lợi cho nhân dân và quản lý quỹ BHYT đạt hiệu quả; 100% các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám chữa bệnh BHYT đều thực hiện giao dịch điện tử.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tại Đồng Nai, ngay khi BHXH ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tạo sự thông suốt trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm. Theo đó, tính đến 23/9/2022, hệ thống đã xác thực 1.399.668 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 54%). BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 60.577.853 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Về triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đến ngày 17/08/2022 đã có 166 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai sử dụng CCCD trong KCB BHYT, chiếm 68,31% tổng số cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, với trên 6.300 lượt tra cứu thành công để KCB BHYT.
Việc ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng đã góp phần quan trọng đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 116/NQ-CP đến với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 kịp thời nhất. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
PV: BHXH tỉnh Đồng Nai đã ứng dụng “kỹ thuật số” vào công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào, thưa Ông?
BHXH tỉnh Đồng Nai luôn xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng, là “chìa khóa” để phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Thời gian qua, BHXH Đồng Nai đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông chính sách BHXH, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Theo đó, hoạt động truyền thông luôn được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kết hợp hài hòa giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống cũng như tuyên truyền hiện đại…Các hoạt động truyền thông được triển khai chuyên nghiệp, bài bản, linh hoạt phù hợp với từng đia bàn, từng nhóm đối tượng cũng như mức độ của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT qua 3 “kênh” Zalo, Fanpage và Website của BHXH tỉnh; tổ chức chương trình livestream các chính sách BHXH, BHYT trên trang Fanpage Facebook thu hút nhiều người xem. Đăc biệt, ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức tổ chức hội nghị trực tiếp để tuyên truyền chính sách gặp nhiều khó khăn, công tác truyền thông không những không bị gián đoạn mà còn được đẩy mạnh thông qua hình thức phát động phong trào thi đua truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội trong toàn Ngành. Phát huy mỗi CCVC là một tuyên truyền viên năng nổ, tích cực trong tuyên truyền chính sách BHXH nhờ vào “kỹ thuật số”. Chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối Internet, người dân, người lao động có thể tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT, BHTN mọi lúc, mọi nơi.
PV: Mục tiêu hướng tới là tiếp tục “chuyển đổi số” mạnh mẽ, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Ông có thể cho biết, BHXH Đồng Nai đã sẵn sàng cho mục tiêu hiện đại hóa ngành BHXH trong thời gian tới như thế nào?
Về chuyển đổi nhận thức, BHXH tỉnh đã phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành nội dung cơ bản của Nghị định 43/2021/NĐ-CP và các vấn đề liên quan đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Quyết định số 5003/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, BHXH tỉnh Đồng Nai thường xuyên thực hiện kiểm tra phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật của ứng dụng trước và trong quá trình sử dụng; theo dõi nắm bắt thông tin về các lỗ hổng bảo mật mới và cập nhật thường xuyên bản vá lỗi về an ninh cho ứng dụng và hệ điều hành.
BHXH tỉnh tiếp tục khai thác, đưa vào ứng dụng các hệ thống phần mềm nghiệp vụ liên thông tập trung, kết nối, chia sẻ dữ liệu thuộc lĩnh vực giải quyết nghiệp vụ của Ngành. Kịp thời rà soát, đề xuất cấp trên việc cập nhật, nâng cấp, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ khi quy định hiện hành có sửa đổi, bổ sung.
Đẩy mạnh triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế và cơ sở KCB BHYT đẩy mạnh triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và sử dụng CCCD gắn chíp để thay thế thẻ BHYT giấy trong đăng ký KCB BHYT. Thường xuyên bám sát các cơ sở KCB BHYT để kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các chi phí bất hợp lý. Ứng dụng CNTT hiện đại, duy trì và tổ chức triển khai có hiệu quả phương thức và quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, phát động phong trào thi đua triển khai cập nhật bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia trong CSDL BHXH Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID BHXH số trong toàn Ngành.
PV: Xin Ông cho biết, BHXH tỉnh Đồng Nai đã có những hoạt động truyền thông như thế nào để lan tỏa ý nghĩa Ngày Chuyển đổi số quốc gia trong toàn Ngành, thưa Ông?
Thực hiện Kế hoạch của BHXH Việt Nam về hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, và Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai, BHXH tỉnh đã có văn bản gửi các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Qua đó, nhằm thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam nói riêng. Đồng thời phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, cẩm nang chuyển đổi số…qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Ngành và xã hội.
Song song với đó, BHXH tỉnh đẩy mạnh truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội thông qua 3 “kênh” Zalo, Fanpage và Website của BHXH tỉnh; phối hợp với Đài Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Đại Đoàn kết xây dựng chuyên đề, viết tin, bài…truyền thông về chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT...
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!