|
Người lao động sẽ thiệt thòi khi nhận BHXH một lần |
Một phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do một số lao động gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen tự đảm bảo an sinh khi về già, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái.
Nhiều NLĐ có thời gian tham gia BHXH hàng chục năm, khi nghỉ việc chờ đủ một năm để nhận trợ cấp BHXH một lần. Việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, không để ai ở lại phía sau. Bởi nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi hết tuổi lao động.
Theo báo cáo của BHXH Đồng Nai, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 12.904 người nhận BHXH một lần, với số tiền bình quân dao động ở mức 50 - 54 triệu đồng/người. NLĐ nhận được một số tiền không lớn để giải quyết nhu cầu trước mắt nhưng về lâu dài lại mất đi rất nhiều quyền lợi:
Thứ nhất, nếu nhận BHXH một lần, khi tham gia lại sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng mới. Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Thứ hai, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, NLĐ được cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các quyền lợi về KCB BHYT. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành quý giá cho chính mình, nó không mất đi mà ngược lại được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ tư, việc nhận BHXH một lần NLĐ sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng sau năm 2014.
Thứ năm, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
|
Người lao động sẽ thiệt thòi khi nhận BHXH một lần |
Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh Đồng Nai đã tăng cường công tác truyền thông để người lao động và Nhân dân thấy rõ ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong việc ổn định đời sống người dân (phối hợp Công đoàn Khu Công nghiệp, các doanh nghiệp có số lao động lớn để tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến đại diện đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, NLĐ); Phối hợp đài PT-TH tỉnh xây dựng các chương trình tọa đàm, phóng sự; các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đăng tải các tin bài viết; CBCCVC BHXH tỉnh trăn trở khi hàng ngày số NLĐ tới trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thành phố nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần. Do đó, mỗi CBCCVC luôn phát huy tinh thần là một tuyên truyền viên năng nổ, tích cực trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, BHXH tỉnh còn bố trí cán bộ trực tiếp giải thích, tư vấn kỹ càng cho NLĐ những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần… Kết quả sau sự nỗ lực cố gắng tuyên truyền về việc nhận BHXH một lần “lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài”, nhiều NLĐ đã có sự cân nhắc, bỏ ý định nộp hồ sơ để bảo lưu thời gian đóng, chờ có công việc làm lại tiếp tục tham gia BHXH hoặc có thu nhập ổn định sẽ tham gia BHXH tự nguyện để chờ ngày có lương hưu. Theo thống kê của BHXH Đồng Nai, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 9/2022, số người nhận BHXH một lần liên tục giảm, riêng tháng 9/2022, giảm trên 44% số người và trên 46% về số tiền so với tháng 8/2022.
Đơn cử như chị N.T.T, sinh năm 1968, ngụ tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, là công nhân may của một công ty đóng trên địa bàn chia sẻ: “Tình cờ tôi gặp được cán bộ BHXH huyện tại nhà một người quen, được tư vấn và đã hiểu rõ vấn đề là NLĐ không phải chốt sổ BHXH trước khi đủ 20 năm tham gia. Vì nếu chốt sổ để lãnh BHXH một lần thì sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động”. Chị T phấn khởi và cảm thấy may mắn vì chưa quyết định nhận trợ cấp BHXH một lần, “nếu như không cân nhắc thiệt hơn nhận một khoản tiền trợ cấp về để chi tiêu được một thời gian rồi cũng hết mà về già, khi có nhiều rủi ro bệnh tật, không có thu nhập ổn định hàng tháng từ lương hưu thì cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào”, chị N.T.T chia sẻ thêm.
Khác với chị T, cô V.T. N, ngụ tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là công nhân công ty Pouchen, đủ 55 tuổi và nghỉ việc (năm 2020), nhưng còn thiếu thời gian tham gia BHXH cho biết: “Một trong những quyết định mà tôi rất đáng tiếc là đã nhận trợ cấp BHXH một lần để gửi tiết kiệm với tổng số tiền là 78 triệu đồng. Để đến bây giờ, mỗi ngày sức khỏe một yếu đi tôi vẫn phải vất vả mưu sinh với gánh hàng rau nơi cổng chợ nhỏ gần nhà với thu nhập không đáng kể. Đôi khi tôi vẫn tự trách mình là mặc dù đã được cán bộ BHXH tư vấn nên đóng tiếp BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu để nhận lương hưu nhưng lại suy nghĩ chưa thấu đáo và có quyết định sai khi nhận trợ cấp BHXH một lần”. Vẻ mặt của cô V.T.N sau hơn 2 năm khi nhắc tới câu chuyện này vẫn tỏ rõ sự tiếc nuối với quyết định nói trên.
Vì vậy, NLĐ cần suy xét, cân nhắc kỹ càng, tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH thay vì nhận trợ cấp BHXH một lần, vì lợi ích lâu dài, ổn định cuộc sống khi về già, vì an sinh xã hội bền vững./.