Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Thứ hai, 27/09/2021 21:45
(ĐCSVN) – Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH); quản lý Quỹ BHXH năm 2020, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn.

Chiều 27/9, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Minh Hùng)

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục giữ đà tăng

Theo Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tiếp tục giữ đà tăng, đặc biệt là về BHXH tự nguyện.

Cụ thể, cả nước có 16.176.180 người tham gia BHXH, đạt 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 414.035 người so với năm 2019.

Trong đó, về BHXH tự nguyện có 1.125.236 người tham gia, tăng 101,6% so với năm 2019 và tăng 184,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện năm 2020 đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong khi chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đến hết năm 2021 đạt 1%.

Song song đó, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đánh giá Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, BHTN cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch COVID19. Cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, một số nội dung đã được Ủy ban chỉ ra trong nhiều năm nhưng do là những nội dung khó, ý kiến còn khác nhau nên Chính phủ chưa ban hành được văn bản hướng dẫn.

Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, hoạt động thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành bảo hiểm xã hội đã có nhiều tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên cần đánh giá tổng quan lại kết quả, nhất là đối với việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị để từ đó xác định cụ thể việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Hoạt động thanh tra việc thực hiện quản lý tài chính về BHXH của Bộ Tài chính chưa được tổng hợp, nêu rõ. Việc thanh tra này mới được triển khai thông qua hình thức thẩm định các báo cáo tài chính hàng năm của ngành BHXH.

Theo Ủy ban Xã hội, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực chất, về tổng quan cho thấy việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, nếu không có tác động của COVID-19 và Tổng cục Thống kê thay đổi cách tính lực lượng lao động thì sẽ không đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tăng cường thanh tra nợ, trốn đóng BHXH

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ một số nội dung (Ảnh: Minh Hùng) 

Thảo luận tại Phiên họp các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Do đó cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù ngành BHXH thời gian qua đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Ốm đau, thai sản nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, nhất là việc lập khống, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ. Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa thực hiện được kể từ khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.

Phát biểu làm rõ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh cho biết, từ tháng 6/2016, cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, qua đó đã khẳng định hiệu quả nhiệm vụ được giao. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, khi cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, nên nhiều đơn vị chây ỳ, không khắc phục số tiền nợ; song đến giai đoạn 2016-2020, qua công tác thanh tra chuyên ngành, các đơn vị đã khắc phục được 8.956 tỷ đồng nợ BHXH (tương đương 70% tổng số tiền nợ của các đơn vị được thanh tra).

“Hoạt động thanh kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng mặc dù giảm về số cuộc, giảm thời gian thanh tra, nhưng chất lượng các cuộc thanh tra lại tăng lên, đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người lao động và chủ sử dụng lao động”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, quỹ BHXH phát triển bền vững, nên Chính phủ và Quốc hội đã quyết định dành một phần kết dư hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Nợ đọng BHXH còn nhiều, nên trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định thanh tra tại 14 tỉnh với hơn 200 doanh nghiệp và sẽ đẩy mạnh vấn đề này để xử lý nợ, coi đây là trọng tâm của công tác thanh tra trong năm tới…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực