Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi): Nâng quyền lợi của người bệnh khi khám, chữa bệnh đúng tuyến

Thứ năm, 12/02/2015 14:19

(ĐCSVN) - Từ ngày 1.1.2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (sửa đổi) bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực. Với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định mới là người dân khám bệnh ngoại trú vượt tuyến sẽ không được thanh toán BHYT để nhằm hạn chế tình trạng vượt tuyến. Đến nay sau hơn một tháng Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực không ít người dân băn khoăn, lo lắng những điểm mới này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ trong khám, chữa bệnh của họ. Ghi nhận tại một số địa phương ở tỉnh Hưng Yên

Ảnh: minh họa. Nguồn: TL


Từ ngày 1.1.2015, theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi), người dân đi khám, chữa bệnh vượt tuyến diện ngoại trú ở những bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ phải tự trả tiền. Trong khi trước đây nếu đi khám vượt tuyến ở bệnh viện tuyến tỉnh được thanh toán 50%, còn vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trung ương được thanh toán 30%. Đối với người bệnh tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến thuộc diện nội trú được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng với mức 40% chi phí điều trị nội trú tại tuyến Trung ương, 60% chi phí điều trị nội trú tuyến tỉnh và không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú. Việc không thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú tại tuyến trên nhằm mục đích giảm tải bệnh nhân ở các tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn một tháng thực hiện Luật BHYT (sửa đổi), nhiều bệnh nhân vẫn tỏ ra bất ngờ trước quy định mới. Đặc biệt, đối với một số bệnh nhân tham gia BHYT mắc các bệnh mãn tính như: huyết áp, tiểu đường, viêm gan siêu vi… phải đi khám, xét nghiệm, lấy thuốc định kỳ. Trước đây, họ chấp nhận chỉ được hưởng 50% chi phí khám bệnh ở tuyến trên thay vì phải xin giấy chuyển viện ở tuyến dưới. Nay theo quy định mới, họ sẽ không được bảo hiểm thanh toán nếu đi trái tuyến và không nhập viện điều trị. Chị Cáp Thị Hà (thị trấn Ân Thi, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Con gái tôi mắc bệnh bướu cổ. Với diễn biến của bệnh, cháu không cần nhập viện mà chỉ đi khám, kiểm tra các chỉ số và lấy thuốc theo định kỳ 1 lần/tháng. Nếu tháng nào cũng phải đi xin giấy chuyển viện thì rất vất vả. Nếu không xin giấy chuyển tuyến thì không được cơ quan bảo hiểm thanh toán. Điều này thực sự gây khó khăn cho chúng tôi”.

Theo hầu hết bệnh nhân có BHYT, họ vượt tuyến khám chữa bệnh là bởi không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Bà Mai Thị Hòa (xã Nguyên Hòa, Phù Cừ) cho biết: “Nhiều lần có bệnh, tôi đi khám ở tuyến huyện nhưng chẳng phát hiện được bệnh gì do đó, tôi đành lên tuyến tỉnh khám. Dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nếu không được BHYT hỗ trợ một phần chi phí khi đi khám vượt tuyến nhưng tôi vẫn chấp nhận. Khám, chữa bệnh ở tuyến trên tôi thấy yên tâm hơn!”.

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên cho biết: Thực hiện Luật BHYT (sửa đổi), các nhân viên của bệnh viện đã tăng cường hướng dẫn, giải thích cho người dân hiểu được những điểm mới của Luật BHYT (sửa đổi), đồng thời tạo điều kiện tối đa để người dân được hưởng các chế độ, chính sách của Luật BHYT. Từ khi Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực cho đến nay, chúng tôi không ghi nhận phản ứng gay gắt nào của người dân về BHYT. Theo tổng hợp của bệnh viện, đến thời điểm này, số bệnh nhân khám bệnh ngoại trú tăng từ 10 -15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khám bệnh vượt tuyến chiếm khoảng 50%, lượng bệnh nhân khám tự nguyện gia tăng, số người sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh giảm 20%...

Tuy thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú vượt tuyến nhưng theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi), quyền lợi của bệnh nhân khám, chữa bệnh nội trú vượt tuyến đã được mở rộng hơn. Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên), các bệnh nhân bệnh nặng phải nằm điều trị ở đây, đều bày tỏ niềm vui khi phải điều trị nội trú vượt tuyến. Người nhà bệnh nhân Vũ Văn Sơn cho biết: “Chồng tôi bị đột quỵ não, phải đưa vào viện cấp cứu và nằm điều trị đã được hơn chục ngày. Nếu trước kia sử dụng thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến chỉ được chi trả 50% thì nay quỹ BHYT đã chi 60%. Tuy mức hỗ trợ chưa tăng nhiều nhưng đây là sự hỗ trợ kịp thời cho chúng tôi.”

Thiết nghĩ, để người dân tham gia BHYT hiểu được quyền lợi của bản thân và yên tâm khám chữa bệnh đúng tuyến thì các tuyến y tế cơ sở cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế cơ sở; ngành Y tế cần có những biện pháp tăng cường hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh... Như vậy, sẽ làm thay đổi cách nhìn của người dân khi đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế địa phương, góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực