Cần lan tỏa tốt hơn nữa “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”

Thứ tư, 25/08/2021 15:57
(ĐCSVN) - Tuyên truyền, lan tỏa tốt hơn nữa “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” chính là đã thiết thực và sâu sát trong kiến tạo niềm tin, bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay. Ngoài ra, còn quán triệt sâu sắc định hướng phát triển văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...

 Bảo vệ giá trị tinh thần cốt lõi 

 Văn hóa là tổng thể toàn bộ các giá trị tinh thần và vật chất mà con người sáng tạo ra để thích ứng với hoạt động sống, sinh tồn, phát triển của con người. Văn hóa có mặt trong mọi hoạt động của con người và xã hội với vai trò là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh, quyền lực mềm của phát triển bền vững; với các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, dự báo… đặc thù. Văn hóa đã tác động lớn đến việc xây dựng và hoàn thiện nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đến việc hình thành, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách con người. Văn hóa còn góp phần nuôi dưỡng tinh thần và kích hoạt các năng lực sáng tạo tiềm ẩn của con người. Thông qua văn hóa và môi trường xã hội, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phát triển, nỗ lực đáp ứng yêu cầu của phát triển văn hóa, con người, phát triển bền vững đất nước.

 Trên thực tế, văn hóa - nền tảng tinh thần - chính là không gian tinh thần, hệ tư tưởng, tình cảm, niềm tin, các quan niệm đạo lý, pháp lý, các chuẩn mực chân, thiện, mỹ, khí thế, khát vọng của quần chúng nhân dân trong xã hội. Nền tảng tinh thần ấy chính là sức mạnh quyền lực mềm của văn hóa, là sức mạnh quyền lực mềm của hệ thống giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại Việt Nam.

leftcenterrightdel

Liên hoan Hát xoan thanh thiếu niên Phú Thọ lần VI .

Ảnh: TTXVN

Hiển nhiên, nền tảng tinh thần của quốc gia, dân tộc và của xã hội, của con người Việt Nam hôm nay có chắc, khỏe, vững mạnh mới có cơ sở để thúc đẩy các nhiệm vụ chính trị khác cùng vận hành và phát triển tốt; mới đủ sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

 Nghị quyết Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu nhiệm vụ “Khơi dây khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.”[1] Nhiệm vụ này gắn trong bối cảnh xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay đòi hỏi văn hóa, con người phải kế thừa, phát huy được giá trị tích cực, tốt đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc; tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định được bản sắc, cốt cách, bản lĩnh của dân tộc trong giao lưu, hợp tác quốc tế. Muốn vậy, văn hóa, con người Việt Nam cần phải có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng các chuẩn mực trong nước, chuẩn mực khu vực và quốc tế; đủ năng lực đón nhận cơ hội, thách thức do toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Chỉ có như vậy, văn hóa, con người Việt Nam  mới trở thành sức mạnh nội sinh, quyền lực mềm của sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Khi đó, văn hóa, con người Việt Nam mới bảo về được nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác được các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Việc “Khơi dây khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn hóa, con người Việt Nam khi đó mới thực sự đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa kích hoạt các khát vọng, hoài bão, ước mơ.

 Con người và văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những bản sắc riêng đã khẳng định và định vị đươc vị thế trong thực tiễn lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước, giành độc lập tự do cho dân tộc; trong các cuộc chiến chống giặc dốt, giặc đói trong thời bình. Thế giới ghi nhận người Việt Nam thông minh, trí tuệ, nhân văn, lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, quân sự, nông nghiệp, văn hóa, thể thao, chính trị… lĩnh vực nào cũng có sự ghi danh, có dấu ấn thành tích của con người Việt Nam; trở thành đất nước có đủ lương thực, thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, có thứ gạo - ngọc của đất - ngon nhất thế giới; đặc biệt hơn, trong cuộc chiến chống giặc COVID-19, quốc gia hình chữ S trên bản đồ thế giới, được ghi nhận, đánh giá có nhiều điểm sáng trên toàn cầu trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

 Tuyên truyền, lan tỏa tốt hơn nữa “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” chính là đã thiết thực và sâu sát trong kiến tạo niềm tin, bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay. Ngoài ra, còn quán triệt sâu sắc định hướng phát triển văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[2]. Thể chế chính trị Việt Nam hôm nay đang vào cuộc. Cả hệ thống chính trị đã và đang triển khai đồng bộ, sâu sát đến từng nhà, từng công dân...

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh, viết nên những trang sử lạ lùng bởi tính kiên cường trong hoạn nạn, bởi khí phách hào hùng trong giữ nước và dựng nước."[4] …; "Cốt lõi của sức sống đó là văn hóa với ý nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả một hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức và phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sức nhạy cảm tiếp thụ cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ bản lĩnh và bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh.[5]". Thế hệ cha ông đi trước và hôm nay, với trên 97 triệu dân Việt Nam, văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức sống, phẩm chất, bản lĩnh, cốt cách của dân tộc, con người Việt Nam, gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Văn hóa ấy cần được bảo tồn, gìn giữ, kế tục và phát huy. Văn hóa ấy sẽ giúp mỗi người Việt Nam có cơ sở, nền tảng lựa chọn cho mình các hành vi văn hóa, bản lĩnh, cốt cách văn hóa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xã hội Việt Nam trong giao lưu, hội nhập, mở cửa, tôn trọng, cầu thị với các giá trị văn hóa khác biệt. Văn hóa ấy được kế thừa, phát triển sẽ làm nên một diện mạo, đặc trưng, sức sống mới, thể hiện trình độ phát triển, đặc tính nhân văn, ưu việt, vẻ đẹp Chân, Thiện, Mỹ của con người, đất nước Việt Nam.

 Con người Việt Nam, với cộng đồng các dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể của dân tộc đã tạo dựng được những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, đa dạng. Những giá trị văn hóa bền vững, trường tồn tiêu biểu cho bản lĩnh, bản sắc, sức sống, phẩm giá của dân tộc, của con người Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau vững bước trưởng thành trong xây dựng, kiến tạo môi trường văn hóa Việt Nam tốt đẹp hơn trong giao lưu hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững đất nước.

 Các nội dung trên không chỉ “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”,  mà còn thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng con người Việt Nam của thế kỷ XXI năng động, sáng tạo, kế thừa, học hỏi, hòa hợp tốt các giá trị văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa hiện đại: tiếp nối được truyền thống yêu nước nồng nàn; gia tăng ý chí tự cường, tự tôn dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, cộng đồng; nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử, giản dị trong cuộc sống; dân chủ và trách nhiệm trong xã hội; công khai, minh bạch; trung thực, khách quan, bản lĩnh; tương trợ, hợp tác; khoa học và sáng tạo; thượng tôn pháp luật; … Đây là cơ sở để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa Việt Nam hôm nay: vừa in đậm được dấu ấn sắc thái, bản sắc, cốt cách, bản lĩnh Việt Nam không thể hòa tan, trộn lẫn trước bất kỳ ý đồ xâm lăng hay đồng hóa văn hóa nào, vừa kiến tạo được nền văn hóa Việt Nam hòa hợp, hội nhập tốt trong giao lưu, học hỏi các nền văn hóa đa dạng, tiến bộ khác trên toàn cầu. Nền văn hóa Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ, tiến bộ, khoa học và hội tụ đủ sức mạnh nội sinh để thấm sâu, lan tỏa rộng khắp trong toàn bộ đời sống xã hội. Tất cả góp phần dần hoàn thiện hệ giá trị con người Việt Nam trong thế kỷ XXI; kiến tạo ra những công dân của nền văn hóa số, của Chính phủ số Việt Nam, bổ sung thêm những giá trị văn hóa, con người mới. Những con người không chỉ có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc trưng cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, chăm chỉ mà còn có trí tuệ giàu có; đời sống tinh thần phong phú; đạo đức trong sáng; thể chất, thể lực mạnh mẽ; có nếp sống văn minh, hiện đại; có trách nhiệm và nghĩa vụ công dân; có ý thức thượng tôn pháp luật; có tư duy độc lập, sáng tạo; có tinh thần hợp tác, phục vụ …

 Ngoài ra, họ còn là thế hệ kế tục, tiếp nối, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; chân thành, thẳng thắn, hiếu học, khát khao cập nhật những cái mới về tin học, về khoa học công nghệ hiện đại, về ngoại ngữ và văn hóa toàn cầu… Những con người Việt Nam này chính là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các bước chuyển của Chính phủ số, phát triển kinh tế số, văn hóa số, môi trường xã hội số hiện tại và tương lai. Tất cả sẽ khẳng định chắc chắn và lan tỏa tốt hơn nữa: “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” và “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” trong việc đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay.

Cần lan tỏa tốt hơn nữa “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay cần thực thi, lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ trong toàn xã hội “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Văn hóa là lĩnh vực quan trọng, một trong các trụ cột phát triển của quốc gia, dân tộc. Văn hóa là nhân tố hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng, đạo đức, lối sống vốn là lĩnh vực then chốt của văn hóa, cũng là quan điểm quan trọng trong đường lối lãnh đạo của Đảng.

leftcenterrightdel

Khuyến khích mỗi người dân là một đại sứ văn hóa.

Ảnh: TTXVN.

Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay từ góc nhìn văn hóa, con người thì cái được lớn nhất sẽ là sớm hoàn thiện, gọi tên, thống nhất, đồng thuận được “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6]; cũng sớm hướng đích mục tiêu lĩnh vực văn hóa Việt Nam quan tâm, coi trọng, đó là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”; đồng thời còn tạo được đà bứt phá trong lộ trình đạt mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”[7]

Khi lan tỏa được được “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, nền tảng tinh thần Việt Nam cũng có nghĩa đã bước đầu hướng đến hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới. Cái được tiếp theo của văn hóa, con người Việt Nam hôm nay là khẳng định được bản lĩnh, sức mạnh nội sinh để bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng trong mọi tình huống, để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá trong tình hình hiện nay. Đồng thời tạo được niềm tin vào sức mạnh, nội lực từ chính nền văn hóa, con người Việt Nam; tin văn hóa, con người Việt Nam có thể làm và hiện thực hóa được những khát vọng lớn lao của cả dân tộc trong mọi tình huống, kể các những tình huống khó khăn nhất đến từ các thế lực thù địch ở trong và ngoài quốc gia; đến từ thiên tai hạn hán, lụt lội, bão tố, mưa giông trong thiên nhiên, hay đến từ đại dịch COVID-19 đã và đang bùng phát liên tục nhiều lượt.

 Để tiếp tục duy trì, phát huy góc nhìn mới còn rất nhiều việc phải làm. Những việc xem như giải pháp vĩ mô để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, có thể kể đến các việc như: Tiếp tục phát huy đổi mới xây dựng văn hóa, con người trong lộ trình hoàn thiện Chính phủ điện tử, chính phủ số, và cải cách hành chính Nhà nước 2021 - 2030; Xây dựng văn hóa, con người cần đặt trong lĩnh vực chính trị và tư tưởng chung của quốc gia dân tộc, đặt trong xây dựng Đảng và thể chế chính trị Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chú trọng đặc biệt mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa ở chiều cao và chiều sâu, trong đó cốt lõi là những giá trị văn hóa trong lãnh đạo, cầm quyền và quản lý các cấp trong bộ máy Nhà nước; Xây dựng văn hóa, con người trong xã hội kiến tạo kiểu mới, vì nhân dân phục vụ cần tạo điều kiện nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện tích cực của công dân, có lộ trình nâng cao dân trí công dân để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa xã hội.

 Góc nhìn mới - xây dựng Văn hóa, con người Việt Nam để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch hiện nay còn cho thấy văn hóa, con người Việt Nam tiếp biến, chuyển hóa, dần hoàn thiện theo chiều hướng tích cực, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xã hội, chủ động hội nhập toàn cầu trong thế giới phẳng, chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động hướng đến các giá trị văn hóa, con người tốt đẹp hơn, chân, thiện, mỹ hơn. Và chủ động trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trong đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch.

Trong tình hình hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch từ góc nhìn mới - góc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đích thực, trước hết, sẽ bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác được các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới bằng chính sức mạnh của con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 Cùng với đó, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ổn định, hòa bình, sớm trở thành nước phát triển; mọi đích đến mục tiêu căn cốt, cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thiết thực, hiệu quả vì mục tiêu phấn đấu xây dựng là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 Văn hóa, con người Việt Nam hôm nay luôn trong quá trình thức tỉnh, cầu thị, hướng chân, thiện, mỹ vì hạnh phúc cộng đồng chung trên dải đất hình chữ S thân thương và vì cả nhân loại chắc chắn sẽ phát triển bền vững, phồn vinh hạnh phúc. Cuộc chiến bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tại Việt Nam sẽ thành công, ổn định, hòa bình, thành một nước phát triển không chỉ là kỳ vọng cho tương lại mà sẽ là thực tiễn của khoảnh khắc hạnh phúc trong thực tại./.

Chú thích:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập II, Tr.336

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập I, Tr.115 - 116

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H 2011, Tập 13, tr 66

[4]. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới Nxb.CTQG, H, 1994, tr.16

[5]. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới Nxb.CTQG, H, 1994, tr.18

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập I, Tr.336

[7]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập I, Tr. Tr.112

Tài liệu tham khảo

 1. Nguyễn Thị Quế Anh: Đảng Cộng sản Việt Nam những dấu ấn lịch sử trong tư duy về văn hóa và vai trò của văn hóa từ năm 1930 đến 2020, Tạp chí Giáo chức Việt Nam. Số 155 (3/2020). Tr 1-6. ISSN 1859 - 2902

 2. Nguyễn Thị Quế Anh: Về công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tạp chí Lý luận Chính trị. Số 5/2016.

 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập I, (2), (3), (4), (7) Tr.64 - 65; Tr.84 -85; Tr.115 - 116; Tr.136

 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập II, Tr.336

 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H 2011, Tập 13, tr 66.

 

Minh Châu Phố Hiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực