CPJ đi ngược lại tiêu chí "khách quan, tôn trọng sự thật"

Thứ ba, 18/12/2012 10:23

Như đã thành lệ, vài năm gần đây, hễ đến ngày Nhân quyền quốc tế (10-12-2012) là website của các cơ quan truyền thông như BBC, RFA, RFI, VOA... lại mở chiến dịch vu cáo Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Và như là hành động "theo đóm ăn tàn", trong chiến dịch này còn thấy sự hùa theo của một số tổ chức quốc tế vốn thiếu thiện chí với Việt Nam. Ðặc biệt, qua cái gọi là "phúc trình" về tình hình tự do báo chí và tình trạng đàn áp ký giả diễn ra trên thế giới, Ủy ban bảo vệ nhà báo đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc tình hình báo chí, nhất là hoạt động internet, blog ở Việt Nam. Từ nước Mỹ, tác giả Amari TX đã gửi bài viết về sự kiện này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày 14-12-2012 "mõ làng" VOA việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn ông Shawn Crispin - đại diện cấp cao của CPJ (Ủy ban bảo vệ nhà báo) ở Ðông - Nam Á. Ông này cũng chính là tác giả "phúc trình" về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Theo cái gọi là "phúc trình" đó, CPJ xếp Việt Nam vào nhóm các nước mà họ gọi là "tấn công, đàn áp báo giới", kèm theo là một số kết luận có tính vu khống, như: "đàn áp nhiều ký giả, những người viết nhật ký trên mạng (tức blogger)", "vô cớ bắt giam một số phóng viên", "ngăn chặn mọi trang web và các tài liệu trên mạng"!? Theo ý kiến của tôi, đây là những đánh giá hoàn toàn mang tính chủ quan và có tính định kiến về tình hình báo chí, cũng như hoạt động của các nhà báo Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, cùng với nghĩa vụ khi tham gia ký kết các công ước quốc tế, mỗi quốc gia đều có các quy định về hành nghề báo chí, hoặc dưới dạng đạo luật của quốc gia, hoặc các quy chế hoạt động do tổ chức nghề nghiệp đưa ra. Những quy định này luôn phản ánh các giá trị văn hóa, xã hội và chính trị của quốc gia đó. Trên thế giới hiện nay, hầu hết các quốc gia thể chế hóa quyền tự do thông tin và đưa thông tin qua những văn bản mang tính chất pháp lý cao nhất (hiến pháp) và văn bản luật thành văn, trong đó có Việt Nam. Một số quốc gia đưa các chế định về bảo vệ nhà báo, nghề báo vào trong Bộ luật Hình sự. Luật Báo chí của Việt Nam cũng khẳng định quyền của nhà báo khi thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp lợi ích đất nước và nhân dân, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Vì thế, việc Nhà nước Việt Nam quản lý báo chí bằng luật, hoàn toàn không phải là sự cản trở quyền tự do báo chí của người dân, cũng như hoạt động báo chí của các nhà báo.

Việc CPJ và một số phương tiện truyền thông kiểu "mõ làng" phương Tây cố tình thêu dệt bức tranh "u ám" về báo chí ở Việt Nam, một lần nữa thể hiện sự thiếu thiện chí và định kiến của họ về sự phát triển của báo chí Việt Nam. Chẳng lẽ các vị ở CPJ lại không biết hay cố tình "quên" những con số thống kê ở Việt Nam như: hơn 550 cơ quan báo chí, hơn 19 nghìn hội viên Hội Nhà báo, hơn 700 ấn phẩm báo chí với các loại hình từ báo viết, báo nói, báo hình đến internet, và hiện nay, mỗi người dân được thụ hưởng tới 7,5 tờ báo. Ðặc biệt, cần nhấn mạnh rằng, sự phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu được thông tin không gặp bất cứ một sự trở ngại nào, đó chính là biểu hiện sinh động của tự do báo chí ở Việt Nam, thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người dân. Nền báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.
 
Luật Báo chí Việt Nam đã khẳng định, báo chí không chỉ phản ánh trung thực tình hình phát triển của đất nước, thế giới, mà còn là diễn đàn tin cậy của người dân. Trong khi đó, trong môi trường bùng nổ thông tin như hiện nay, không phải mọi nguồn thông tin về những sự kiện quan trọng của xã hội đều là chính xác, nhất là lối "chụp giật" chưa kiểm chứng đã vội vàng đưa tin. Mới đây, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử các bị cáo là blogger Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo khoản 2 Ðiều 88 của Bộ luật Hình sự chẳng hạn. Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 9-2007 đến tháng 10-2010, những người chủ trương cái gọi là "câu lạc bộ nhà báo tự do" này đăng tải 327 bài lấy từ các blog, website của các tổ chức "chống cộng cực đoan" ở hải ngoại, có 26 bài chứa nội dung kích động lật đổ chế độ. Hiển nhiên, việc viết bài trên blog, mạng xã hội có nội dung xuyên tạc vu cáo, chống chính quyền là vi phạm luật pháp Việt Nam, và họ bị pháp luật xét xử. Theo dõi trên báo chí, được biết, qua tài liệu của cơ quan điều tra, các nhân vật mà CPJ đề cập đã có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; họ hành động có tổ chức, có phân công nhiệm vụ cụ thể, thậm chí có sự cấu kết, móc nối với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Họ tàng trữ, tán phát tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống Nhà nước Việt Nam rồi đưa lên internet nhằm kích động, gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước.

Ngay tại nước Mỹ, nơi được mệnh danh là "thiên đường tự do", thì luật pháp của các tiểu bang quy định rất rõ về vấn đề này và đã không ít người bị bắt và xử lý. Ở Việt Nam, số người dùng mạng xã hội đang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê mới nhất, trong số đối tượng 18 tuổi trở lên có tài khoản mạng xã hội thì: 43% dân số có một tài khoản, 25% có hai tài khoản, 13% có bốn tài khoản trở lên. Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner, trong tháng 1-2012, lượng người dùng internet tại Việt Nam là 23 triệu (chiếm 26% dân số), lượt xem là 18,4 tỷ. Về mạng xã hội ở Việt Nam, Zing Me (me.zing.vn) có lượng người dùng cao nhất (8,2 triệu), thời gian truy cập nhiều nhất (1 tỷ phút), lượt xem 540 triệu; thứ hai là Facebook với 5,6 triệu người dùng, thứ ba là yume.vn (2,2 triệu người dùng), thứ tư là tamtay.vn (1 triệu người dùng).

Theo Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông - Việt Nam), công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng internet sử dụng rộng rãi nhất (100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội). Tính đến tháng 3-2012, trong lĩnh vực thông tin điện tử, Việt Nam có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Sự tương tác giữa các loại hình thông tin này đang diễn ra vô cùng sôi động. Ðương nhiên, dù ở Việt Nam hay ở quốc gia khác trên thế giới, việc thông tin trên internet đều phải tuân thủ các quy định, nguyên tắc cụ thể, các thông tin đăng tải phải bảo đảm tính khách quan, chính xác. Các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thóa mạ cá nhân và tổ chức là phạm pháp và đương nhiên người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chẳng lẽ các vị ở CPJ lại không biết, mặc dù Hoa Kỳ không có một bộ thông tin, các hệ thống truyền thông và truyền hình tư chủ động làm công việc trên căn bản tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, theo mức độ tự kiểm, lương tâm nghề nghiệp. Người làm báo, truyền thông và truyền hình tại Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới khi có nhiều quyền hành và thế lợi thì cũng có nhiều trách nhiệm và bổn phận, nhất là về nghề nghiệp trọng hiến pháp, trọng pháp luật và về luân lý xã hội, tôn trọng công lý, lẽ phải và lý tưởng nhân đạo. Do đó, thế lực của báo chí truyền thông còn phải tương xứng với sứ mạng đăng tải tin tức xác thực, thông tin kiến thức và phổ biến những điều cần biết để người dân tìm hiểu, chọn lựa thái độ liên hệ. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, báo chí phải tuân theo hiến pháp và luật pháp hiện hành quy định tự do tin tức (Freedom of Information Act) để thi hành nghiệp vụ phóng sự, điều tra, phổ biến sự thật. Khi báo chí đưa tin tức thất thiệt với dụng ý khai thác, trục lợi sẽ mất quyền tự do ngôn luận (unprotected speech), sẽ bị chế tài; tòa soạn, phóng viên, và người đăng tin thất thiệt có thể bị liên đới về mặt trách nhiệm dân sự, nếu họ chủ tâm đăng tải hoặc tái đăng tin tức có tính cách mạ lỵ, phỉ báng, sai sự thật. Vì thế, nhà báo cần thận trọng kiểm soát bài vở đăng tải, phải kiểm chứng tài liệu và nguồn gốc tin tức sử dụng.

Ngày nay, ai cũng biết, internet chứa đựng vô số thông tin, có thể là thông tin hay, chính xác, có giá trị, nhưng cũng có thể là tin "rác", hoặc chỉ là thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng. Với Việt Nam, trong số đó có cả loại thông tin của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Nếu không tôn trọng hiến pháp, nếu không bênh vực, hướng tới tinh thần dân chủ và lý tưởng nhân đạo, báo chí sẽ đi ngược công lý và lẽ phải, sẽ lầm lẫn, gây ảnh hưởng xấu với quần chúng. Trên thực tế, bên cạnh một số trang mạng xã hội đã được cấp phép ở Việt Nam, các thế lực thù địch còn lợi dụng internet để xây dựng rất nhiều website, đặt máy chủ ở nước ngoài, đăng tải các thông tin, luận điệu phản động, sai trái, kích động, trái thuần phong mỹ tục,... nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Những thế lực này, với tư cách thành viên của các trang mạng xã hội, đã đưa lên mạng những bình luận thiếu khách quan hoặc thông tin sai sự thật, thậm chí bịa đặt, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, bôi nhọ hình ảnh, nói xấu chế độ.

Ở Hoa Kỳ, dù báo chí được mệnh danh là "đệ tứ quyền" (đứng sau lập pháp, hành pháp, tư pháp), song dù hoạt động dưới bất cứ hình thức nào, bất cứ ở đâu, do bất cứ lực lượng nào đảm trách thi hành thì "đệ tứ quyền" vẫn cần tôn trọng những tiêu chuẩn căn bản về tự do ngôn luận, phẩm giá nhân bản, công lý và nhân ái. Bởi vậy, để hạn chế những thông tin xấu và tiêu cực, không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng cần có biện pháp để ngăn chặn. Ðiều này thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với việc bảo vệ chế độ, bảo vệ các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Phóng viên đưa tin sai sự thật, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Báo chí, thì phải chịu hình phạt của luật pháp. Ðó là việc làm thể hiện tính nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền và sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam, điều đó hoàn toàn không phải là cản trở hoạt động báo chí của các nhà báo.
 
Việc CPJ phê phán các biện pháp chính đáng và cần thiết đó là hoàn toàn sai trái, nếu không nói là tiếp tay cho cái xấu. Vì thế, cần khẳng định, với lời lẽ vu cáo và xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, CPJ đã đi ngược lại tiêu chí "khách quan, tôn trọng sự thật" vì sự phát triển của báo chí của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực