Hãy tôn trọng sự thật!

Thứ ba, 22/01/2013 15:44

Sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An kết thúc phiên tòa sơ thẩm công khai xét xử 14 bị cáo với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Ðiều 79 - Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, một số tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao của một số nước, do không xem xét từ bản chất của vấn đề (?), do thiếu thiện chí với Việt Nam (?), đã không tôn trọng sự thật khi lên tiếng phê phán sự phán quyết công minh của phiên tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, các đối tượng bị truy tố tại phiên tòa nói trên đã được tổ chức khủng bố "Việt tân" móc nối, đưa ra nước ngoài huấn luyện, sử dụng họ để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền bằng phương thức "diễn biến hòa bình", "bất bạo động". Ðược "Việt tân" cung cấp tiền bạc và phương tiện, trở về Việt Nam, các đối tượng này đã có nhiều hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Do đó, bản án Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên là đúng người, đúng tội, vừa phản ánh tính nghiêm khắc của pháp luật, vừa thể hiện thái độ khoan hồng đối với người tỏ ra hối cải, thành khẩn khai báo. Nhưng sau khi phiên tòa kết thúc,  một số tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao của một số nước đã lập tức lên tiếng phê phán Nhà nước Việt Nam. Thậm chí ngày 12-1, Washington Post còn đăng bài bình luận và suy diễn rất thiếu thiện chí từ sự kiện này. Ðáng chú ý là, để cáo buộc Nhà nước Việt Nam, các ý kiến phê phán đều viện dẫn từ Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Tuyên ngôn), Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Công ước), rồi bênh vực và bao che cho các bị cáo bằng cái gọi là "nhà hoạt động Công giáo", khẳng định "Việt tân" không phải là tổ chức khủng bố... Qua đó có thể khẳng định, việc Nhà nước Việt Nam thực thi pháp luật để giữ gìn trật tự, an ninh xã hội, bảo đảm sự ổn định của đất nước đã bị quy chiếu bằng các tiêu chí rất thiếu khách quan.

Trước hết, dẫu không muốn, cũng phải nhắc lại với tác giả của các ý kiến kể trên rằng, Tuyên ngôn "là chuẩn mực chung cho tất cả mọi người và các quốc gia phấn đấu đạt tới, nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn luôn ghi nhớ Tuyên ngôn này, bằng giáo dục và giảng dạy, sẽ nỗ lực thúc đẩy sự tôn trọng đối với những quyền và các quyền tự do cơ bản này, thông qua các biện pháp tiến bộ quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và tuân thủ chung và hữu hiệu, cả trong các dân tộc của những quốc gia thành viên lẫn trong các dân tộc ở những lãnh thổ thuộc thẩm quyền của các quốc gia đó". Vì thế, Ðiều 29 Tuyên ngôn viết: "1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở đó có thể thực hiện được sự phát triển tự do và đầy đủ nhân cách của bản thân. 2. Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ". Tương tự như vậy, điểm 1 Ðiều 1 Công ước nêu rõ: "Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa". Về tự do tôn giáo, điểm 3 Ðiều 18 Công ước chỉ rõ: Quyền này "chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền và tự do cơ bản của người khác". Về tự do ngôn luận, điểm 3 Ðiều 19 Công ước cho rằng: vì quyền này "có kèm những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt" nên "có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng". Như vậy, khi viện dẫn Tuyên ngôn và Công ước để cáo buộc Nhà nước Việt Nam, người ta đã cố tình bỏ qua các quan niệm của Tuyên ngôn và Công ước về quyền tự quyết của các dân tộc khi "tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa"; cố tình bỏ qua ý nghĩa tối thượng của luật pháp ở mỗi quốc gia trong khi phải đáp ứng yêu cầu về đạo đức, trật tự công cộng, bảo vệ an ninh,... Thử hỏi, nếu cơ quan lập pháp và hành pháp ở nước Mỹ, nước Pháp cũng bỏ qua các các yêu cầu này thì điều gì sẽ xảy đến với đất nước họ?

Hướng tới một niềm tin tôn giáo nào đó là quyền của con người. Nhưng có một sự thật hiển nhiên là: trước khi trở thành tín đồ một tôn giáo, mỗi người đã là một công dân của xã hội. Bất kỳ ai cũng sinh sống, làm việc trong xã hội với tư cách công dân, tư cách tín đồ không thể thay thế tư cách công dân. Việc coi các đối tượng bị truy tố, xét xử tại Tòa án nhân dân Nghệ An vừa qua là "nhà hoạt động Công giáo" thực chất là sự lập lờ bao che người vi phạm pháp luật. Hành vi tuyên truyền phát triển lực lượng, kích động quần chúng gây rối làm mất ổn định, viết bài xuyên tạc quan điểm, đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam; lợi dụng chiêu bài đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo để thực hiện mưu đồ chính trị theo chỉ đạo, giật dây, hỗ trợ từ nước ngoài,... hoàn toàn không liên quan đến tư cách tín đồ, không một giải thích thánh kinh nào có thể biện hộ cho hành vi của họ. Do đó, cần nhận chân bản chất của vấn đề là: Tòa án xét xử họ với tư cách công dân, không phải với tư cách tín đồ. Những ai đang sử dụng chiêu bài "tự do tôn giáo" để phê phán Việt Nam cũng nên lưu ý: Những năm gần đây ở Việt Nam, trong khi Nhà nước luôn khẳng định và tạo điều kiện để thực hiện quyền tự do tôn giáo, trong khi phần lớn công dân theo tôn giáo đang cố gắng sống "tốt đời, đẹp đạo" thì một số người lại lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để phục vụ mưu toan chính trị. Trong khi Giáo hoàng Benedict XVI nói: "Ðừng chính trị hóa tôn giáo" và nhân Hội nghị toàn thể lần thứ X Liên hội đồng Giám mục châu Á (FABC) tại Xuân Lộc - Việt Nam mới đây, Hồng y Oswald Gracias - Tổng Thư ký FABC, đã khẳng định: "Giáo hội không muốn tham gia vào đời sống chính trị của quốc gia nào cả... Vai trò của chúng tôi là tâm linh, là mục vụ" và ông cho rằng: "Mọi việc đang tiến triển đối với Giáo hội Việt Nam" thì trước đó không lâu, Nguyễn Văn Khải - cựu phát ngôn viên của Dòng Chúa cứu thế tại Thái Hà (Hà Nội), đã trả lời phỏng vấn trên Người Việt Online: "Chúng tôi không đội trời chung với chế độ cộng sản"! Muốn biết rõ hơn về những người này, còn có thể tìm hiểu qua bài giảng đã được đưa lên internet của Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh nhân lễ Thánh gia tổ chức tại Nhà thờ dòng Chúa cứu thế Sài Gòn ngày 31-12-2012. Lưu ý như vậy để nói rằng, trước khi phê phán, người ta cần tìm hiểu kỹ vấn đề, để có một cái nhìn khách quan.  

Riêng tổ chức khủng bố "Việt tân", chỉ cần tóm tắt là ngay từ đầu, những kẻ thành lập "Việt tân" đã lấy hoạt động khủng bố, chống phá chế độ XHCN ở Việt Nam làm mục đích; mà các chiến dịch xâm nhập vũ trang Ðông tiến 1, Ðông tiến 2, Ðông tiến 3,... đã bị lực lượng an ninh Việt Nam kịp thời ngăn chặn là thí dụ cụ thể. Tuy nhiên, dù thất bại, tổ chức phản động lưu vong này vẫn không chịu từ bỏ âm mưu chống Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Nếu một mặt "Việt tân" rêu rao hoạt động theo phương thức "diễn biến hòa bình", "bất bạo động", thì mặt khác, "Việt tân" vừa cố gắng mở rộng ảnh hưởng, sử dụng mọi thủ đoạn để "moi tiền" của người Việt ở nước ngoài, vừa tiếp tục ra sức chống phá Việt Nam không chỉ bằng dụ dỗ, lôi kéo, cung cấp tiền bạc, mà còn có kế hoạch gây nổ trong dịp lễ, Tết để khuếch trương thanh thế. Vì thế thử hỏi, nếu các hoạt động "Việt tân" đã tiến hành ở Việt Nam mà diễn ra trên đất Mỹ, thì liệu có thể bị truy tố theo Ðiều 2385 Chương 115 - Bộ luật Hình sự Mỹ, trong đó nghiêm cấm mọi hành vi "in ấn, xuất bản, biên tập, phát hành, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục, hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết, tham vọng, hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực" hay không?

Trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, các thế lực thù địch hằng ngày, hằng giờ dùng đủ mưu mô, thủ đoạn để chống phá, nhưng Ðảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hết sức nỗ lực tạo dựng cơ sở vật chất, tinh thần để mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện được hưởng các giá trị nhân quyền. Ðó là những thành tựu cần ghi nhận trong bối cảnh trên thế giới đang có một tổ chức quốc tế và chính phủ thường chỉ hô hào nhân quyền như là một khẩu hiệu hơn là có hành động thực tiễn xã hội - con người cụ thể.  Nhân quyền ở đâu khi có tới "khoảng 162.000 người, trong đó gần 80% là dân thường, đã thiệt mạng ở Iraq" kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 đến khi các lực lượng Mỹ rút khỏi nước này (số liệu của Cơ quan thống kê thương vong ở Iraq - IBC, công bố ngày 2-1)? Nhân quyền ở đâu khi 28 người bị giết hại tại một trường học ở Connecticut - Mỹ, chỉ trong một vụ xả súng?  Nhân quyền ở đâu khi một số nhà tù bí mật đã được xây dựng để làm nơi giam cầm và tra tấn con người?... Do vậy, trước khi phê phán Nhà nước Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, các tổ chức, cơ quan ngoại giao và một số cá nhân cần có thái độ tôn trọng sự thật khách quan. Vì nếu không, họ sẽ không giúp gì vào quá trình ổn định phát triển của Việt Nam, mà trở thành tác nhân cản trở quá trình đó./.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực