Hoạt động báo chí với sự tác động của các “nhóm lợi ích”

Chủ nhật, 07/11/2021 15:56
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, báo chí – truyền thông phát huy vai trò rất to lớn trong đời sống chính trị, trong giám sát và phản biện các quá trình chính trị, đặc biệt là quá trình chính sách. Nhưng bên cạnh những tác động tích cực đó, đã và đang có những biểu hiện không lành mạnh từ sự “cấu kết” của một bộ phận các cơ quan báo chí – truyền thông với các “nhóm lợi ích” gây ra những hệ lụy tiêu cực cho đời sống chính trị, xã hội.

Điều này nếu như không kịp thời chấn chỉnh và khắc phục sẽ để lại những hậu quả to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, cần nhận diện những biểu hiện này để có những giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những sai phạm, những biểu hiện lệch lạc, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông trước tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” trong bối cảnh hiện nay.

1. Tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” đến hoạt động của các cơ quan báo chí – truyền thông ở Việt Nam hiện nay

So với các thể chế khác, các cơ quan báo chí – truyền thông có vị thế và chức năng đặc biệt ở chỗ: nó có thể vừa là chủ thể đi vận động, vừa là đối tượng được vận động có tính chất trung gian, là kênh phản ánh các ý kiến, quan điểm và lồng ghép lợi ích. Xuất phát từ vai trò cầu nối quan trọng ấy của báo chí – truyền thông, việc đưa một vấn đề ra công luận trong quá trình thẩm tra, đặc biệt trên các báo phổ cập như Vietnamnet, Vnexpress, Tuổi trẻ, Thanh niên có tác dụng to lớn. Tuy nhiên, do tính đặc thù, các cơ quan báo chí – truyền thông ở Việt Nam ít tính độc lập, chưa thật khách quan và hoạt động mang nặng tính chính trị.

Tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong khi thẳng thắn chỉ ra “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao” , Đảng ta cũng nhấn mạnh “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập” . Chính những hạn chế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò của báo chí trong đời sống xã hội nói chung, trong định hướng công tác tư tưởng của Đảng nói riêng, nhất là trước áp lực của các “nhóm lợi ích” hiện nay. Do đó, cần nhìn nhận lại những tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích đến hoạt động của các cơ quan báo chí – truyền thông để từ đó đề xuất những giải pháp giúp báo chí – truyền thông đứng vững trước tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích”, thực hiện có hiệu quả hơn vai trò định hướng tư tưởng của mình.

leftcenterrightdel
Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, báo chí đã thể hiện trách nhiệm xã hội một cách rõ nét. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Trong đó, việc sử dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các “nhóm lợi ích” đã được bộc lộ ở hai biểu hiện chính:

Thứ nhất, một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến việc nhà báo hoặc giả danh nhà báo tống tiền người dân và doanh nghiệp bị phanh phui.

Những vụ việc đó cho thấy, bên cạnh những ảnh hưởng ngày càng tích cực và to lớn của báo chí, thì vẫn có những phóng viên thiếu công tâm, khách quan và vụ lợi trong quá trình tác nghiệp dẫn đến thông tin bị mua chuộc, bóp méo, lệch lạc và trở thành cơ hội trục lợi cho những nhóm người nhất định. Điều này về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy vô cùng lớn cho đất nước. Đây chính là điều đầu tiên chúng ta cần phải suy nghĩ để phát huy vai trò tích cực của báo chí trên mặt trận văn hóa, tư tưởng trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.

Vụ nước mắm asen… dẫn đến xem xét kỷ luật 50 cơ quan báo chí với gần 560 tin, bài trong đó có rất nhiều tờ báo chính thống; vụ việc nhà báo Lê Duy Phong, công tác tại báo Giáo dục Việt Nam, bị bắt về hành vi nhận tiền của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái là những biểu hiện sinh động của thực tế các “nhóm lợi ích” đã tác động tiêu cực đến hoạt động của báo chí – truyền thông ở Việt Nam hiện nay. Do đó, trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với xã hội, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các nhóm lợi ích làm suy giảm vai trò của báo chí cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Thứ hai, một số trang tin đưa tin, bài viết, phát ngôn và hành động của một số kẻ cố tình lợi dụng phản biện để phê phán, bôi đen chế độ xã hội. Họ phủ nhận con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Họ không thừa nhận các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội đất nước đạt được trong thời gian qua. Họ thường xuyên xuất hiện trên BBC, VOA, RFI, RFA... để đánh giá, bình luận với các ý kiến chưa bao giờ tỏ ra thiện chí; đồng thời, mỗi khi có sự kiện hệ trọng xảy ra trong nước, họ vẫn được một số tờ báo, trang tin “ưu ái” phỏng vấn, đề nghị viết bài trong đó chủ yếu là đánh giá tiêu cực. Sự "tự diễn biến" trên báo chí, cũng bắt đầu từ những cách thức biểu hiện như vậy. Bên cạnh đó, họ tùy tiện khai thác tin tức từ báo chí phương Tây, coi báo chí phương Tây là chuẩn mực của tự do báo chí. Trên diện rộng có thể thấy, khi đề cập các sự kiện quốc tế, lâu nay nhiều cơ quan báo chí chủ yếu sử dụng thông tin, dựa trên bình luận của các hãng tin, báo chí phương Tây để đưa tin hoặc bình luận, nhất là những sự kiện lớn như chiến tranh I-rắc, cuộc chiến ở Li-bi, vấn đề bán đảo Triều Tiên, tình hình ở Xy-ri, các vấn đề quốc tế về nhân quyền... Một số tin tức, bình luận từ VOA, RFI, RFA,… thậm chí tin tức, bình luận của một số báo, trang tin của người Việt ở nước ngoài vốn không thiện chí với Việt Nam đã được sửa sang công bố trên báo chí trong nước.

Đáng nói hơn, cùng với sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, đưa những thông tin phản ánh sai lệch bản chất sự việc trên các kênh mạng xã hội, chính trị hóa các vụ án hình sự, tức là từ những vụ án đơn lẻ, các thế lực này xuyên tạc, thổi phồng, lái các vụ án sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Hai trong số các vụ án bị bóp méo là vụ án liên quan đến nhà báo Lê Duy Phong về tội cưỡng đoạt tài sản của lãnh đạo sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái, nhưng trên một số trang mạng, các phần tử phản động đã xuyên tạc, quy chụp vụ việc theo hướng Việt Nam vi phạm tự do báo chí, chính quyền Việt Nam gài bẫy để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vào lao lý. Hơn thế, còn bóp méo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc chiến chống tham nhũng, thậm chí xuyên tạc rằng cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá của phe cánh có sự bao che, dung túng, tiếp tay cho hành vi chống tham nhũng. Hai là, vụ việc liên quan đến nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên, dù Công an tỉnh Điện Biên và Bộ Công an đã huy động tối đa lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra làm rõ nhưng trên mạng lại xuất hiện nhiều trang mạng bị tung tin những thông tin nhằm bôi nhọ, bịa đặt vu cáo lực lượng công an, thậm chí còn đặt vấn đề có hay không sự non kém nghiệp vụ thậm chí sự hời hợt, thiếu trách nhiệm của Ban chuyên án. Rõ ràng, các vụ án rất nghiêm trọng đã bị những kẻ ăn không, nói có, lượm lặt thông tin trên mạng internet rồi tạo nhiều chiêu trò hướng lái dư luận hiểu sai bản chất. Hay câu chuyện liên quan đến Formosa bị lái sang hướng dân chủ, nhân quyền và cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Mục tiêu sâu xa mà các thế lực thù địch hướng tới là gây ra sự hoài nghi trong nội bộ, phá hoại sự đồng thuận trong xã hội và chia rẽ cán bộ với nhân dân. Trong bối cảnh đó, báo chí cần phải tăng cường công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, làm chủ mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí – truyền thông trong định hướng tư tưởng cho xã hội trước tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” hiện nay

Rõ ràng, tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích đến hoạt động và vai trò của báo chí ở nước ta thời gian qua đã không còn là nguy cơ mà ngày càng hiện hữu rõ nét hơn, nó len lỏi cả ở bề rộng và chiều sâu, làm suy giảm tính chiến đấu của báo chí Việt Nam. Do đó, những giải pháp để hướng trực tiếp vào vấn đề này là thực sự cần thiết. Từ những phân tích ở trên, có thể rút ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò của báo chí trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Ở Việt Nam, báo chí cách mạng luôn được coi là một trong những mũi nhọn đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Tuy nhiên, muốn báo chí thực sự cách mạng với đúng bản chất và mục tiêu của nó, cần không ngừng tăng cường nhận thức trong toàn xã hội, từ chính những nhà báo, các cơ quan báo chí về vai trò của họ, từ người dân và xã hội để hiểu hơn về kì vọng của xã hội đối với báo chí trên mặt trận tư tưởng văn hóa; đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo để giúp họ không dao động, lệch lạc trong động cơ và mục tiêu.

Thứ hai, nâng cao năng lực nhận diện “nhóm lợi ích” tiêu cực và các tác động tiêu cực của nó đến các cơ quan báo chí hiện nay để giúp các cơ quan này có khả năng chủ động chống đỡ trước tác động của các “nhóm lợi ích” này một cách hiệu quả đồng thời tăng cường khả năng đấu tranh để đưa các nhóm lợi ích tiêu cực ra ánh sáng. Muốn như vậy cũng cần tăng cường các cơ chế giám sát từ bên trong chính các cơ quan báo chí, truyền thông để các cơ quan này thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan báo chí truyền thông trong quá trình phản ánh các thông tin.

Thứ ba, phát huy vai trò của các thiết chế xã hội và người dân trong giám sát hoạt động của chính các cơ quan báo chí để đảm bảo cơ chế kiểm soát từ bên ngoài với hoạt động của chính các cơ quan báo chí, truyền thông. Báo chí rõ ràng là cầu nối quan trọng giữa chính quyền và người dân, giữa các nhóm với chính quyền nhưng nhìn dưới góc độ khác, bản thân báo chí cũng là một nhóm và họ có những lợi ích riêng. Do đó, xây dựng và tăng cường cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí là thực sự cần thiết để giúp các cơ quan này thực hiện hiệu quả hơn các chức năng của mình. Nhiều trong số những vụ việc tiêu cực của báo chí bị phanh phui trong thời gian qua không phải từ chính nội bộ các cơ quan báo chí mà từ người dân, từ phản ánh của xã hội cho thấy đây là một hướng đi quan trọng, thiết thực để đảm bảo sự khách quan, trong sáng trong tác nghiệp của các cơ quan báo chí.

Thứ tư, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, trí tuệ và đạo đức, bản lĩnh chính trị cho các nhà báo cách mạng để có những cây bút chính luận sắc sảo, luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, sai trái một cách thuyết phục. Đồng thời, khi có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp được tôi rèn, sẽ không còn những nhà báo phải vướng vào vòng lao lý do lợi dụng tư cách nhà báo, cũng không còn tình trạng giả danh nhà báo để gây áp lực hòng tống tiền người dân và doanh nghiệp, bóp méo thông tin, bóp méo sự thật, trục lợi cá nhân một cách tràn lan như thời gian qua.

Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật cho các cơ quan báo chí để đảm bảo cho các cơ quan này có điều kiện thực hiện chức năng của mình trong điều kiện tốt nhất; đồng thời chú trọng hơn đến đời sống của đội ngũ phóng viên, nhà báo, kể cả đội ngũ cộng tác viên bởi lẽ nếu đời sống vật chất của họ được đảm bảo họ mới yên tâm, tập trung sống đúng với nghề. Ngoài ra các cơ quan báo chí cũng cần cẩn trọng hơn trong việc tuyển chọn và quản lý đội ngũ cộng tác viên, nhất là các trang điện tử để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng hình ảnh đội ngũ nhà báo, phóng viên chân chính bị bôi nhọ hoặc bị ảnh hưởng bởi một vài phần tử cơ hội, hoặc chỉ nhân danh hay mang mác nhà báo đi lừa người dân.

Rõ ràng, sự câu kết giữa một bộ phận các cơ quan báo chí – truyền thông với các “nhóm lợi ích”, tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích bộc lộ những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội là một thực tế đáng báo động hiện nay. Sự tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” như vậy đến các cơ quan báo chí – truyền thông ngày càng rõ rệt và gia tăng cả về số lượng, mức độ với những biểu hiện ngày càng tinh vi nhưng lại hết sức trầm trọng. Nếu không kịp thời nhận diện và ngăn chặn, xử lý sẽ gây ra những hậu quả rất lớn về tư tưởng trong xã hội, cũng như thiệt hại đến kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, vì sự câu kết này rất tinh vi, tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích này đến các cơ quan báo chí – truyền thông có rất nhiều biến tướng khác nhau nên việc nhận diện các biểu hiện đó đã khó, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý triệt để vấn nạn này còn phức tạp và nan giải hơn. Dẫu vậy, đây chắc chắn là một vấn đề cấp thiết cần nhận thức và giải quyết để trả lại môi trường trong sạch, lành mạnh cho hoạt động của các cơ quan báo chí – truyền thông, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò tích cực của các cơ quan này trước tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” vốn rất tinh vi, phức tạp trong giai đoạn hiện nay./.

----------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Lưu Văn An: TTBC với công tác LĐQL ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đề tài cấp Bộ, HV CTQG HCM, H, 2017.

2. Hoàng Quốc Bảo (2010), Lãnh đạo và quản lý hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay, Nxb CT-HC, H.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG Sự thật, H, tập I.

4. Tạ Ngọc Tấn: Công tác tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-XII/2017/43244/Cong-tac-tu-tuong-ly-luan-cua-Dang-Cong-san-Viet-Nam.aspx

TS. Phạm Thị Hoa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực