Một số giải pháp đặt ra cho báo chí trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ hai, 15/11/2021 15:20
(ĐCSVN) - Có thể thấy, tình hình chống phá của các thế lực thù địch và tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì thế, hơn lúc nào hết, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ mang tính cấp bách cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc, chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Báo chí cách mạng phải thể hiện vai trò xung kích, một binh chủng đặc biệt của mặt trận tư tưởng, văn hóa tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng, phê phán và bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngay từ những ngày đầu non trẻ, báo chí cách mạng đã thể hiện vai trò là kênh thông tin tuyên truyền đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Trong thời kỳ cách mạng, trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước, báo chí ngày càng lớn mạnh, trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, báo chí vẫn tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tình hình mới với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch chống phá cách mạng ngày càng phát triển với số lượng và hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn. Chính vì thế, nâng cao vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề cấp bách đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

1. Vai trò lịch sử của Báo chí cách mạng

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của Nhân dân. Hiện nay, nước ta đã có đầy đủ các loại hình: báo in, báo ảnh, báo nói, báo điện tử, báo hình. Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo, 612 Tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 21.132 người được cấp thẻ nhà báo. Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã chỉ rõ: “Báo chí – xuất bản đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của nhân dân luôn luôn đi đầu trong trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ đề trung tâm của hoạt động báo chí – xuất bản là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[1]

Trải qua hơn 9 thập niên, báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn. Trong công cuộc đổi mới, báo chí góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch… Nhiều tờ báo đấu tranh kịp thời, sắc bén, vạch rõ và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Có những bài viết lập luận chặt chẽ, logic, đưa ra luận cứ xác đáng, tin cậy phản bác luận điệu sai trái, làm thất bại âm mưu phá hoại cách mạng, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đứng ở góc độ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và bảo vệ nền tảng tư tưởng (NTTT) của Đảng, báo chí Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh, chưa thực sự làm tốt vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận này.Hiện tượng “Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên dương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.”[2] được chỉ ra từ Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa X, đến nay chưa được khắc phục, cụ thể:

- Nhận thức của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan chủ quản báo chí, của các tổng biên tập, biên tập viên, nhà báo... về cuộc đấu tranh này còn chưa thường xuyên, đầy đủ và sâu sắc, thậm chí là thờ ơ, hời hợt, coi đó là “việc của cơ quan khác, của người khác”;

- Lực lượng viết bài bảo vệ NTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn mỏng, nhận thức chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, đang có nguy cơ “già hóa”, việc nắm bắt thông tin, tiếp cận công nghệ thông tin còn chậm, khả năng sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế... chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

- Không phải tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử nào cũng có chuyên mục, bài vở về chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ NTTT của Đảng. Hoặc những báo có những chuyên mục này thì lại chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, loại bỏ những kẻ thù địch hay lôi kéo, thuyết phục đồng chí, đồng bào thiếu thông tin, lầm đường, lạc lối; hiện tượng “bắn chỉ thiên” trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” bảo vệ NTTT của Đảng, nhiều khi chẳng những không “trúng đích” mà vô hình chung lại trở thành “tuyên truyền không công” cho các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực phá hoại, phản động.

- Các cơ quan chức năng chưa hoàn toàn chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời để làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet.

- Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý những đối tượng phá hoại, phản động, bất mãn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát ngôn, cung cấp, phát tán thông tin phản động, sai lệch... trên lĩnh vực báo chí chưa thường xuyên, nghiêm túc; Báo chí chính thống chưa làm tròn vai trò cung cấp thông tin định hướng trước sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội. Thậm chí có cơ quan báo chí, có nhà báo còn hùa theo, nói theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng, xác minh tính chân thực của thông tin. Bởi vậy, có thể coi đây là biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí cần phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi.

- Các cơ quan chức năng cũng như báo chí dường như chưa có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thường xuyên trong cuộc đấu tranh này...Những vấn đề đặt ra ở trên đã phần nào làm suy giảm trò lịch sử của báo chí trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tưởng tư tưởng của Đảng và xây dựng đất nước trong tình hình mới.

2. Tại sao báo chí phải góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã đẩy mạnh tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, bằng mọi âm mưu, thủ đoạn chúng tăng cường xuất bản, tán phát các loại ấn phẩm, tài liệu như: Các báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, quốc hội một số nước phương Tây; các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW)…; các ấn phẩm xuất bản, như: sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, một số đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước; các trang web, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt, … tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.

Qua đó, chúng phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh đã qua và trong công cuộc đổi mới, bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước,điển hình vài trường hợp tiêu biểu như:

Tổ chức Việt Tân đã cho lập mới hơn 300 tài khoản và nhiều diễn đàn kín, kết hợp với những diễn đàn trước đó như “Canh Tân”, “Bạn của Việt Tân”, “Bạn của Nguyễn Quốc Quân”…, duy trì gần 1.000 tài khoản mạng xã hội, đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng.

Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để trừng phạt “vi phạm nhân quyền” ở Việt Nam. Hoặc một số báo điện tử nước ngoài (BBC, VOA, RFA, RFI,…) và một số trang Web, trang mạng xã hội chống cộng, thiếu thiện ý với Việt Nam trong các bài viết, nói về Việt Nam, sử dụng cụm từ “tù nhân lương tâm”,nhằm bôi nhọ “Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Đây là luận điệu xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền ở những quốc gia có quan điểm, thể chế chính trị không đi theo “tiêu chuẩn nhân quyền” của phương Tây.

Hoặc vừa qua, một số tờ báo, trang mạng xã hội có nhiều bài viết ca ngợi Trần Quyết Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chuyên làm “việc tốt vì cộng đồng”. Thế nhưng, Trần Quyết Thắng là một phần tử câu kết chặt chẽ với tổ chức phản động VOICE – một tổ chức ngoại vi của Việt Tân. Trần Quyết Thắng đã móc nối với một số đối tượng phản động nhóm NOUFC Hà Nội, liên kết với một số phần tử khác tiến hành kích động, biểu tình gây rối nhiều lần tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, cùng một số đối tượng thường xuyên kích động biểu tình, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Cổ suý cho các vi phạm của các đối tượng trong vụ án tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội cũng như hoạt động biểu tình của giới trẻ Hồng Kông…

Đặc biệt thời gian gần đây, lợi dụng tình hình phức tạp ở Myanmar, hoặc những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tình hình phức tạp ngoài Biển Đông cùng với hai sự kiện chính trị quan trọng lớn của đất nước là Đại hội XIII và Bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, các trang tin, tài khoản đội lốt “đấu tranh dân chủ” để công khai kích động bạo loạn tại Việt Nam. Đây là thủ đoạn chống phá về chính trị vô cùng nguy hiểm. Đằng sau những lời lẽ tưởng chừng như thúc đẩy sự phát triển về dân chủ, nhân quyền của đất nước lại là chiếc bẫy để lôi kéo, mua chuộc, kích động người trẻ tham gia vào các hoạt động chống phá đất nước.

Trước khi Đại hội XIII diễn ra, một loạt các trang báo đài tổ chức phản động như trang VOA tiếng Việt, Nhật ký yêu nước Việt Tân, Việt Tân, Đài Châu Á tự do, Nhà xuất bản tự do..., ra sức tung tin giả, kích động, xuyên tạc sự thật như các phe cánh trong Đảng thanh trừng, thỏa hiệp lẫn nhau; trong Đảng không có dân chủ nên trong đại hội tới cần phải xóa bỏ độc đảng, để tiến hành đa đảng... Chúng lợi dụng tâm lý cực đoan, định kiến của một bộ phận nhân dân để hàng ngày phát tán lên mạng nhiều thông tin sai sự thật; bình luận, nhìn nhận vấn đề có thật theo một “kịch bản” có lợi cho mục đích, ý đồ đen tối của chúng. Thủ đoạn mà chúng thông tin thường là lợi dụng vào những sự kiện, những diễn biến, những động thái, bằng những kỹ xảo tinh vi của công nghệ thông tin, tạo dựng chuyện bằng cách lắp ghép, trích dẫn, cắt xén các lời phát ngôn, bài viết, hình ảnh, lời bình theo lối suy đoán... làm cho người đọc thiếu kinh nghiệm dễ lầm tưởng, khó phân biệt, nhận diện thật giả, đúng sai. Từ đó, đánh giá không đúng bản chất sự kiện, nhân vật. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch suy cho cùng là phá hoại sự thành công của Đại hội Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Về vấn đề Biển Đông, các thế lực thù địch một lần nữa lại lợi dụng vấn đề này để bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, từ đó khuấy động lòng dân, hòng gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan. Những luận điệu đó thực chất là chiêu bài kích động hận thù dân tộc, khiến cho tình hình thêm căng thẳng, nhằm thực hiện chia rẽ nội bộ và làm căng thẳng quan hệ đối ngoại của Việt Nam, mưu đồ tạo ra một cuộc xung đột quân sự với hậu quả khó lường.

Về vấn đề bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, các thế lực thù địch mưu toan biến nghị trường thành diễn đàn để chống phá bằng cách thông qua mạng xã hội và một số diễn đàn tiếng Việt có địa chỉ ở nước ngoài đăng phát nhiều tin, bài xuyên tạc về công tác nhân sự bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Chúng trắng trợn nói rằng, việc sắp xếp nhân sự trong Đảng cũng như trong Quốc hội là sự “thương lượng”, “thỏa hiệp” giữa các “phe cánh”. Chúng đòi hỏi cơ cấu đại biểu Quốc hội là đảng viên với người ngoài Đảng phải tương đương. Chúng tiếp tục sử dụng chiêu trò “tự ứng cử” rồi lên mạng hô hào các hội nhóm dân chủ ký tên ảo, tung hô, tô vẽ cho các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp... mưu đồ là cài cắm vào Quốc hội và HĐND các cấp những “mầm mống dân chủ” để từng bước biến nghị trường thành diễn đàn nhằm thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm ta suy yếu từ bên trong.

Có thể thấy, tình hình chống phá của các thế lực thù địch và tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì thế, hơn lúc nào hết, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ mang tính cấp bách cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc, chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Báo chí cách mạng phải thể hiện vai trò xung kích, đi đầu, một binh chủng đặc biệt của mặt trận tư tưởng, văn hóa tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng, phê phán và bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

3. Một số giải pháp

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mới, để báo chí cách mạng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Xác định, phân loại rõ quan điểm phá hoại, đối lập, các nhóm đối tượng để viết bài cho đúng, cho trúng và hiệu quả cao.

Do lực lượng chống đối, thù địch đông đảo, đa dạng và phức tạp, các hình thức chống phá cũng rất đa dạng và tinh vi nên để công cuộc đấu tranh của lực lượng báo chí đạt hiệu cao thì cần phải có sự nhận diện, phân loại và đánh giá thật chính xác và chi tiết. Cụ thể, hiện có các nhóm đối tượng chính sau đây:

1). Nhóm đối tượng đối lập về hệ tư tưởng của Đảng ta (nhóm đối tượng này thường đưa ra quan điểm tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lê nin, đời tư của C.Mác, Ph.Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, đặt sai bối cảnh lịch sử);

2). Nhóm đối tượng là các thế lực thù địch về chính trị luôn chống lại chế độ XHCN với mục đích làm con đường phát triển đất nước của Đảng chệch hướng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, nhóm đối tượng này thường đưa ra những quan điểm đánh đồng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực với học thuyết, lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã vạch ra;

3). Nhóm đối tượng là những người vốn là đảng viên cộng sản nhưng không chịu rèn luyện, tu dưỡng, học tập, nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tới tha hóa về tư tưởng chính trị, xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí là phai nhạt lý tưởng, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội;

4). Nhóm đối tượng do trình độ nhận thức, thiếu thông tin chính thống hoặc thông tin thiếu chính xác, bị kẻ xấu lôi kéo, nên cần giải thích, vận động, thuyết phục, không để các thể lực phá hoại, phản động lôi kéo.

Trên cơ sở xác định, phân loại các nhóm đối tượng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đối tượng bạn đọc của mỗi tờ báo, tạp chí mà viết bài cho phù hợp với đối tượng ấy. Ở đây rất cần có sự phân công một cách tương đối rõ ràng, cụ thể của các cơ quan chức năng, đồng thời có sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí thì mới đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền.  

- Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với nhân dân; chủ động, linh hoạt tham gia các vấn đề cụ thể của xã hội. Thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên trách đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới

Vấn đề quan trọng luôn đặt lên hàng đầu vẫn là cán bộ báo chí, xuất bản, vì như Bác Hồ đã dạy: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[3]. Muốn chiến thắng trong trận địa này, cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, xuất bản và những người trực tiếp viết bài đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa mạnh về chất và đủ về lượng. Chính vì thế, các cơ quan báo chí cũng cần chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ người làm báo bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, khả năng diễn đạt, thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; quan tâm đầu tư trang thiết bị phương tiện để những người làm báo tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra trong tình hình mới.

- Cần giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng qua hoạt động báo chí

Để thực hiện có hiệu quả việc này, trước hết, cần thường xuyên bám sát định hướng chỉ đạo, hướng dẫn trong các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị (khoá XII) đối với công tác đấu tranh phòng chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kí ban hành ngày 22/10/2018. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới …để xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác cụ thể; đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao.

Phải vinh danh được những nhân tố điển hình, những thành tựu của đất nước, của nhân dân để tạo động lực, niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch và các luận điệu sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và thành quả cách mạng.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ NTTT của Đảng ta, đồng thời với những bài viết phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc, báo chí rất cần khẳng định những thành tựu, những kinh nghiệm, những giá trị, tính ưu việt của chế độ chúng ta cũng như những điển hình tiên tiến, tích cực, người tốt việc tốt trong cuộc sống hằng ngày. Đó chính là thực hiện quan điểm “xây” đi đôi với “chống” của Đảng ta, trong đó “xây” là chính. Mọi lý luận, lý thuyết dù hay đến mấy cũng không thể chứng minh hùng hồn bằng thực tế đời sống hằng ngày đang diễn ra với những thành tựu và những đổi mới, những điều tai nghe, mắt thấy. Qua thực tế cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua ở nước ta, không cần nói nhiều, thế giới, kể cả các thế lực thù địch với chế độ ta, cũng phải thừa nhận tính ưu việt, thành công của thể chế chính trị dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ta. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế càng tăng lên rất nhiều, niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta được củng cố tăng cường gấp bội.     

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm giúp mỗi công dân nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch.

Đây là nhiệm vụ quan trọng của báo chí chính thống, đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời cung cấp những thông tin chính xác, làm cho mỗi công dân có thể nhận thức, nhận diện đúng đâu là thông tin xấu, thông tin độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thế nào là quan điểm thù địch. Từ đó, sẽ định hình cho mình những suy nghĩ, hành động đấu tranh thích hợp.

Để làm tốt nhiệm vụ cung cấp chính xác, kịp thời thông tin, các cơ quan báo chí phải chủ động phân tích, làm  rõ nội hàm, bản chất quan điểm sai trái, quan điểm thù địch ở từng cấp độ thông tin khác nhau. Có những hệ thống thông tin ở mức độ tổng quan, phân tích bài bản âm mưu, thủ đoạn khái quát từ hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch. Có những thông tin phân tích trực diện, cụ thể, kịp thời đối với từng loại thông tin sai trái, thù địch.

Báo chí cần trang bị tri thức cho cộng đồng nhận diện rõ mục tiêu của các thế lực phản động là nhằm làm tan rã niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, kích động nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng chuyển hóa chế độ. Làm rõ phương thức, thủ đoạn mới nhất hiện nay của chúng.

Theo đó, báo chí phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu, tính đa dạng, có trách nhiệm hình thành dư luận xã hội lành mạnh. Thông tin truyên truyền trên báo chí phải kết hợp tốt giữa xây và chống; lấy cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực...

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện để nâng cao hiệu quả đấu tranh, huy động sự tham gia thống nhất, hiệp đồng tác chiến của các loại hình báo chí; quan tâm đến việc tuyên truyền nhằm xây dựng nền tảng tinh thần của con người và xã hội; ngăn chặn xu hướng lai căng, pha tạp về văn hóa, coi thường các giá trị nhân văn; phê phán lối sống buông thả, qua đó nâng cao khả năng đề kháng, phản bác của người dân trước những thông tin sai trái, thù địch.

Để báo chí phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình cho sự nghiệp cách mạng, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữ vững định hướng của Đảng, là ngọn cờ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến…Báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được "dòng chảy chính" của xã hội, của đất nước, phải "phò chính, diệt tà". Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Chỉ thị số 22/CT-TƯ ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, HN, 2007, tr.37.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, HN, 2011, tr.309, 280.

TS. Lê Thị Bình, Ths Đỗ Quyết Thắng - Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực