Nâng cao vị thế nhà báo trong đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch

Thứ tư, 10/11/2021 11:59
(ĐCSVN) - Việc nâng cao vị thế nhà báo trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ xuất phát từ phía các cơ quan quản lý mà còn xuất phát từ chính các nhà báo. Họ không chỉ cần vị thế gán cho mà còn cần có vị thế do tự thân mang lại. Điều này chỉ có thể có được khi bản thân nhà báo ý thức được vị thế, vai trò của mình.

1.Nhà báo có vị thế xã hội “đặc biệt”

Khi công nghệ truyền thông ngày càng phát triển, truyền thông được coi là “quyền lực thứ tư” trong xã hội. Vị thế người lao động trong lĩnh vực này ngày càng được nâng cao, nhất là các nhà báo. Họ là lực lượng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và có được vị thế gán cho “đáng mơ ước”. Với các nhà báo cách mạng Việt Nam, điều đó được thể hiện trong quan điểm của Đảng về báo chí, Nhà nước thể chế hóa thành các quy định của pháp luật.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng phát huy vai trò của báo chí nói chung, đội ngũ nhà báo nói riêng. Báo chí, truyền thông được coi là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để Nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quan niệm đó được luật định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”[1]. Nhà báo có sáu quyền, cụ thể: (1) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; (2) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; (3) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. (4) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật; (5) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí; (6) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật[2]. Chế độ đãi ngộ với nhà báo được thể hiện qua quy định về đào tạo, bồi dưỡng, điều kiện làm việc và lương - nhuận bút. So với một số ngành nghề khác trong xã hội, chế độ đãi ngộ có thể coi là tốt hơn.

Ảnh minh họa: nhandan.vn 

Không chỉ có vị thế được gán cho, bản thân các nhà báo cách mạng Việt Nam đã tự khẳng định vị thế của mình, góp phần củng cố, khẳng định và nâng cao vị thế của bản thân, nghề nghiệp. Nhiều tác phẩm báo chí, nhiều nhà báo trong suốt sự nghiệp cách mạng Việt Nam luôn có những đóng góp lớn. Từ công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược đến công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, họ đã xả thân vì độc lập, hòa bình dân tộc; đấu tranh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đóng góp của họ được Tổ quốc và Nhân dân ghi nhận. Nhiều nhà báo không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Nhiều nhà báo có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân cách lớn trở thành tấm gương sáng trong xã hội. Chính điều này góp phần làm cho vị thế xã hội của nghề báo được nâng cao.Đây là vị thế đạt được của họ.

Khi có sự kết hợp giữa vị thế gán cho và vị thế đạt được, nhà báo nói riêng và nghề báo nói chung đạt được vị thế cao nhất.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều nhà báo lợi dụng vị thế đặc biệt của mình để trục lợi, mưu cầu lợi ích cá nhân, bất chấp quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.Họ làm giảm sút niềm nin, làm mất vị thế của nhà báo và nghề báo trong xã hội.

2. Nhà báo và công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với âm mưu ngày càng thâm độc, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nhằm tăng cường bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới… 

Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, sự phối hợp trách nhiệm, đồng bộ, hệ thống của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của các lực lượng, đơn vị chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông..., công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt những kết quả tích cực. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng môi trường thông tin dân chủ, kỷ cương, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Báo chí đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; góp phần khẳng định những thành tựu, tính ưu việt của chế độ, sự đúng đắn trong lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta. Nếu không có báo chí, truyền thông, không thể quảng bá những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của Việt Nam tới đông đảo bạn bè thế giới và đồng bào ta ở nước ngoài; qua đó, góp phần củng cố, nâng cao uy tín của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, hình ảnh con người Việt Nam vì cộng đồng trong ứng phó với đại dịch Covid-19 được báo chí truyền thông cập nhật thường xuyên, toàn diện, sáng tạo đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đây là kết quả tất yếu của một Việt Nam kiên cường chống lại thiên tai, địch họa từ truyền thống; là bản lĩnh Việt Nam; là biểu hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn. Những điển hình tiên tiến trong đời sống, lao động sản xuất được cổ động, tuyên truyền kịp thời góp phần định hướng văn hóa, thẩm mỹ cho nhân dân. Đặc biệt, báo chí tích cực tham gia, tiên phong trong công tác đấu tranh, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cây bút - nhà báo chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những bài viết có tính chiến đấu, thuyết phục cao... góp phần phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm của Nhân dân. Có thể nói, báo chí đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, sự đóng góp của nhà báo vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tri thức lý luận chính trị của một bộ phận đội ngũ báo chí chưa thực sự sâu sắc, nhận thức về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa - Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này làmột số cơ quan đại chúng chưa có chính sách bồi dưỡng lý luận chính trị thường xuyên, liên tục, hợp lý cho nhà báo; một số nhà báo còn ngại, lười học chính trị. Do đó, nhận thức về bảo vệ nền tảng của Đảng chưa toàn diện, coi bút chiến là chính mà chưa chú trọng đến tuyên truyền cái hay, cái đẹp để chứng minh điều ngược lại. Nhiều bài viết chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, tuyên truyền, từ đó cách viết, ngôn từ chưa thực sự phù hợp.

2. Nâng cao vị thế của nhà báo trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Việc nâng cao vị thế nhà báo trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ xuất phát từ phía các cơ quan quản lý mà còn xuất phát từ chính các nhà báo. Họ không chỉ cần vị thế gán cho mà còn cần có vị thế do tự thân mang lại. Điều này chỉ có thể có được khi bản thân nhà báo ý thức được vị thế, vai trò của mình. Do đó, giải pháp nâng cao vị thế nhà báo trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải đồng bộ, tổng thể. Cụ thể:

Với cơ quan quản lý báo chí

Một là, xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đội ngũ này cần đáp ứng các tiêu chí:

- Có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đào tạo lý luận chính trị tập trung, chính quy;

- Có hiểu biết về các vấn đề lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Có hiểu biết về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại;

- Có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều cả ở trong nước và quốc tế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

- Năng động, sáng tạo, chủ động;

- Có năng lực ngoại ngữ, tin học.

Hai là, có giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo, đáp ứng hệ tiêu chí trên. Để làm được điều này, cơ quan quản lý báo chí cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp, có cơ chế đặc biệt trong cử đội ngũ này đi đào tạo lý luận chính trị và có chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm học tập.

Ba là, xây dựng chế độ khen thưởng, nhuận bút đặc biệt với các tác phẩm báo chí góp phần tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các hình thức tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả. Chính sách này sẽ góp phần động viên, khuyến khích các nhà báo có thêm động lực cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, tăng cường nhận diện các nội dung chống phá của các thế lực thù địch để có phương án bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho các nhà báo. Có thể kể đến các nội dung chống phá cơ bản: Phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, nhận diện phương thức chống phá rất tinh vi của các lực lượng thù địch, như: Sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam để nói xấu, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam; sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá, lợi dụng các sai sót trong quản lý để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc; tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử...Nhận thức đúng đắn về nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó.

Năm là, xây dựng hệ thống pháp luật về chế độ đãi ngộ, như: Tiền lương, điều kiện làm việc và học tập nâng cao chất lượng cho đội ngũnhà báo. Cải tiến chế độ đãi ngộ với nhà báo, đặc biệt là chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội (trợ cấp thương tật, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tàn phế, trợ cấp tuổi già…). Điềunày làm gia tăng tình cảm, sự gắn bó với nghề của đội ngũ nhà báo.

Sáu là, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí nước ngoài để học tập kinh nghiệm tuyên truyền.

Với nhà báo:

Một là, ý thức được vị thế xã hội của mình đồng thời với trách nhiệm xã hội.Bên cạnh việc được xã hội tôn vinh, nhà báo cần nhận thức rõ nghĩa vụ của mình với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này được luật định song cần biến thành những hành động cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp.

Hai là, không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, nhất là cập nhật kiến thức lý luận, thời sự để có thể thẩm định, kiểm định được thông tin, từ đó có cách thức tuyên truyền phù hợp. Có như vậy mới kiểm soát được nội dung, mới có đủ tri thức để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Từ đó, khẳng định vị thế của mình.

Ba là, thực hiện nghiêm túc 10 điều Quy địnhđạo đức nghề nghiệp người làm báo. Đây là những chuẩn mực cơ bản điều chỉnh hành vi của người làm báo nói chung, nhà báo nói riêng. Thực hiện được các quy định này kết hợp với các tác phẩm báo chí chất lượng, nhà báo đã khẳng định vị thế của mình; góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.

 


[1] Khoản 1, Điều 4, Luật Báo chí 2016, http://vanban.chinhphu.vn

[2]Xem Mục 4, Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo, Luật Báo chí 2016, http://vanban.chinhphu.vn

 

TS Nguyễn Hoa Mai, Nxb Lý luận chính trị

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực