Phát huy vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh chống luận điệu sai trái, thù địch thời kỳ mới ​

Thứ ba, 09/11/2021 02:02
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt, cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là cách mạng trên lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, báo chí Việt Nam đã trở thành chiến tuyến đầu tiên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực thù địch.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong giai đoạn hiện nay, một trong sáu nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 35-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đã xác định phải “phát huy vai trò của báo chí truyền thông”. Để làm tròn nhiệm vụ này, báo chí Việt Nam nói chung, đội ngũ người làm báo nói riêng cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:

1. Nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu chính trị của báo chí

C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ là lãnh tụ, nhà lý luận cách mạng thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới về sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, dân tộc, con người thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột, điển hình là chế độ tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mà còn là những người làm báo tài giỏi.

Từ chính sự nghiệp làm báo của bản thân, từ năm 1842 khi đối đầu với chế độ kiểm duyệt báo chí ở Phổ, và trước những yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân; với tư duy chính trị vượt thời đại, thấy được tính chính trị tất yếu của báo chí, các ông đã đúc rút nên những luận điểm nổi tiếng, chỉ dẫn đối với báo chí nói chung, sự nghiệp của những người làm báo cách mạng nói riêng. C.Mác đã trừu tượng hóa tính chính trị của báo chí đối với đời sống hiện thực của nhân dân bằng sự khái quát nổi tiếng: “Báo chí tự do - đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới; nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó”[1].

Năm 1871, khi chỉ dẫn hoạt động đấu tranh của giai cấp công nhân và chính đảng của nó sau Công xã Pari, Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được; tất cả các tờ báo chủ trương từ bỏ chính trị cũng đều làm chính trị. Vấn đề chỉ là làm chính trị như thế nào và làm loại chính trị gì. Vả chăng đối với chúng ta, không thể từ bỏ chính trị. Đảng công nhân với tư cách là chính đảng đã tồn tại trong phần lớn các nước. Chúng ta không được phá hoại nó bằng cổ vũ từ bỏ chính trị… Cổ vũ họ từ bỏ chính trị có nghĩa là đẩy họ vào vòng tay của chính trị tư sản”[2].

Trong thời đại chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản, V.I.Lênin đã nhận thấy vai trò chính trị của báo chí vô sản trong đời sống chính trị - xã hội nước Nga, vạch trần bản chất chính trị của báo chí tư sản, đó là: “Bọn tư bản gọi tự do báo chí là quyền tự do cho bọn nhà giàu mua chuộc báo chí, tự do cho chúng dùng tiền để tạo ra và giả mạo cái gọi là dư luận xã hội. Lại một lần nữa, bọn bảo vệ “dân chủ thuần túy”, trong thực tế, vẫn tỏ ra là những kẻ bảo vệ cái hệ thống thống trị xấu xa nhất, vụ lợi nhất của bọn giàu có đối với các phương tiện giáo dục quần chúng”[3]

Cuộc đời và sự nghiệp của của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn gắn liền với báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng: “tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”[4]. Vì vậy, đối với Người: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Những thiếu sót của người làm báo ở nước ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị luôn được Người quan tâm nhắc nhở, đó là: “Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn... viết về chính trị thì khô khan”[5]. Từ đó, Người xác định Hội nhà báo “là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”[6]. Từ đó, Người đòi hỏi: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”[7]

Quán triệt những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu chính trị của báo chí cho thấy, cùng với những chức năng, nhiệm vụ thông tin khác, thì chức năng, nhiệm vụ chính trị chủ yếu của báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Vì vậy, vai trò nổi trội của báo chí là tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Nắm vững định hướng chính trị của Đảng, tuyên truyền cho đúng đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước; giữ vững tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, đó là trách nhiệm chính trị hàng đầu của cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo ở nước ta hiện nay.

2. Nhận diện đối tượng, nắm vững âm mưu, thủ đoạn của những luận điệu sai trái, thù địch

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch luôn xác định truyền thông, báo chí là công cụ, phương tiện đầu tiên và hữu hiệu nhất phục vụ cho các mưu đồ chính trị của chúng. Theo đó, cuộc đụng đầu của chế độ ta với các thế lực thù địch, có thể “gói gọn” trước hết là diễn ra và thể hiện trên lĩnh vực báo chí - khi mà “vũ khí vật chất” chưa lên tiếng thì “vũ khí tinh thần” đã rền vang.

Ẩn chứa trong một không gian thông tin truyền thông hiện đại là những đối tượng thù địch nguy hiểm mà báo chí và người làm báo cần nhận diện cho rõ để đấu tranh, đó là:

Những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước tư bản, nhà hoạt động chính trị thuộc giới cầm quyền có tư tưởng chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội trên thế giới và ở Việt Nam. Đây là những đối tượng chủ yếu và nguy hiểm nhất của chế độ ta và báo chí nước ta. Với “uy tín” khoa học và địa vị chính trị của họ, thì những luận thuyết, luận điệu chống cộng của họ là đặc biệt nguy hiểm, có tác động “cố định”, chỉ dẫn và cổ vũ lập trường quan điểm, tư tưởng và hành động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Họ không chỉ cung cấp “cơ sở lý luận, thực tiễn” mà còn củng cố niềm tin, cách thức, con đường chống phá chế độ ta cho giai cấp tư sản, những phần tử phản động theo đuôi, thế lực cực đoan người Việt… Vì vậy, báo chí và người làm báo cần tập trung nhận diện và đấu tranh với những đối tượng này.

Lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo, kết hợp với một số đối tượng chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Triều đại Việt… Đây là những tổ chức chính trị phản động người Việt lưu vong, có tổ chức, tôn chỉ, mục đích đấu tranh chính trị rõ ràng, với mưu đồ “phục quốc”, hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta… Vì vậy, phải thường xuyên quan tâm theo dõi, nắm chắc và đấu tranh trực diện với những tư tưởng, quan điểm chống phá của chúng.

Một số cán bộ, đảng viên (đã từng giữ chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị nước ta) suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Họ len lỏi, phức tạp, không khó nhận ra nhưng lại rất khó để đấu tranh. Đây là những người phản bội lại quá khứ, truyền thống đấu tranh cách mạng, phản bội lý tưởng, mà nguyên nhân đôi khi lại bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề cụ thể trong chính sách, cách ứng xử của cơ quan, đơn vị nơi công tác, hoặc hám danh lợi, kèn cựa địa vị, cậy mình có chiến công, thành tích, anh hùng nên hoang tưởng tự cho mình có đủ “tâm - tầm” trở thành người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đất nước, hay dẫn dắt dư luận theo ý chí của mình. Với những người này, báo chí cần đặc biệt quan tâm về phương pháp đấu tranh; đấu tranh phải đúng, trúng, sắc sảo, vạch trần tư tưởng chính trị sai trái, cùng nhân cách của họ.

Các cơ quan truyền thông của phương Tây. Đây là thế lực báo chí và truyền thông đặc biệt nguy hại. Chúng vừa là đối tượng đấu tranh, vừa là “đối tượng tác chiến” trực tiếp của báo chí Việt Nam. Bởi vì: “truyền thông đại chúng phương Tây bị thiên kiến nặng nề và luôn đứng về phía các thiết chế quyền lực đương thời”; “có nhiệm vụ “kiểm soát đầu óc của dân chúng”, lừa phỉnh công luận để “chế tạo ra tâm trạng đồng tình” và sẵn sàng bán rẻ, chà đạp lên lợi ích của đông đảo người dân để bảo vệ lợi ích cho một nhóm nhỏ các nhà tư bản; được hà hơi, tiếp sức bởi “các thế lực tài phiệt tư nhân - tức là các hệ thống công ty - đóng vai trò kiểm soát dư luận và thái độ của quần chúng. Những công ty này không nhận lệnh của chính phủ nhưng liên hệ chặt chẽ với chính phủ”[8].

Những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng báo chí để tung ra những luận điệu sai trái, thù địch, đó là:

Đăng tin, phản ánh sai sự thật. Đây là thủ đoạn chủ yếu cơ bản nhất của chúng để xen lồng, phát tán các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch. Nó thường ngụy tạo, che lấp bằng một vài thông tin, sự kiện tỏ vẻ “trung thực”, “khách quan” đang diễn ra trong đời sống, nhất là về chính trị, pháp lý ở nước ta và trên thế giới, mà tạo dựng, đưa vào những thông tin, tài liệu không có thật, trái với bản chất sự việc, nhằm đầu độc, dẫn dắt, chi phối người đọc theo chủ kiến chính trị đã bày đặt của chúng; làm cho họ có cái nhìn thiên lệch trong đời sống, hoài nghi, mơ hồ, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bất mãn với chế độ, xem xét và phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thông tin hiện tượng, quy nạp thành bản chất, cố định tư tưởng người đọc theo lập trường phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chống đối chế độ. Đây là thủ đoạn chủ yếu mà chúng thường dùng, lợi dụng báo chí để tuyên truyền những luận điệu sai trái, thù địch. Đa phần các bài viết của chúng đăng tải trên các trang truyền thông, mạng xã hội hiện nay đều dùng thủ đoạn này. Từ cách đặt vấn đề, luận đề, kết luận hay gợi mở vấn đề, chúng đều áp đặt lên tư duy, ý chí của người đọc tràn ngập những thông tin đơn lẻ, cá biệt, suy diễn, độc hại và đúc kết thành bản chất của chế độ, từ đó kết luận hiện thực chế độ xã hội ta có sự sai lầm từ hệ tư tưởng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang theo đuổi, phấn đấu hiện thực hóa trong đời sống xã hội bấy lâu nay.

Can thiệp hòng lũng đoạn cơ quan báo chí. Đây là thủ đoạn chính trị mà chúng luôn áp dụng khi lợi dụng báo chí để phát tán các quan điểm sai trái, thù địch sâu rộng hơn trong xã hội. Chúng thường tiếp cận, mua chuộc, lôi kéo người đứng đầu, người có trọng trách, phóng viên, nhà báo có uy tín bằng vật chất, tinh thần, đề cao, tâng bốc, phỉnh nịnh hoặc lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong đời sống sinh hoạt, học tập, công tác cả ở trong và ngoài nước của cán bộ báo chí; nhen nhóm, kích động rồi khống chế họ theo lập trường, quan điểm chống phá ta của chúng. Mặt khác, chúng dùng luật pháp “báo chí tự do” tư sản, sức mạnh “bầy đàn”, vượt trội của truyền thông, cùng hệ thống chính trị, đối ngoại tư sản ào ạt tiến công, áp chế, ép buộc can thiệp và hướng lái các cơ quan báo chí nước ta theo lập trường của chúng.

Lợi dụng tính năng và lợi thế tuyệt đối về sở hữu công nghệ truyền thông hiện đại. Đây là một thủ đoạn mới bắt nguồn từ những đặc tính mà công nghệ truyền thông hiện đại đem lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ những thành tựu công nghệ đem lại, mà phương thức thông tin, chia sẻ, liên kết, tương tác và hiệu ứng xã hội gần như là vô tận. Sức mạnh của công nghệ truyền thông đã tạo ra cơ chế đa giao tiếp và liên kết đa phương đã bị các thế lực thù địch trong thế giới tư bản cũng như ngay trong nước ta lợi dụng. Mặt khác, với sự sở hữu gần như toàn bộ nền công nghiệp và công nghệ truyền thông, thế giới phương Tây cùng những kẻ cực hữu, cực đoan chống cộng đang liên kết lại tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiến công vào hệ tư tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, làm cho tình thế đấu tranh của báo chí nước ta với các luận điệu sai trái, thù địch càng trở nên khó khăn, phức tạp.

3. Xây dựng cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống luận điệu sai trái, thù địch

Tùy theo tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mà từng cơ quan báo chí và nhà báo tham gia ít nhiều vào đấu tranh chống luận điệu sai trái, thù địch, góp phần thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo hai trong sáu nhiệm vụ và quyền đầu tiên của báo chí của Luật Báo chí hiện hành, thì cơ quan báo chí, nhà báo nào cũng phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước ta xác định. Theo đó, đấu tranh chống luận điệu sai trái, thù địch cũng là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan báo chí và nhà báo… Để xây dựng cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống luận điệu sai trái, thù địch, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, quán triệt nghiêm túc tầm quan trọng, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị đã xác định tới mọi tổ chức, cơ quan báo chí, nhà báo; làm cho ai cũng phải thấy đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của mình trong tình hình hiện nay. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, tích cực tham gia vào mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận, đấu tranh báo chí, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; hoặc nếu chưa có điều kiện, khả năng tham gia thì cũng không vi phạm những về chính trị đối với báo chí và nhà báo mà Đảng và Nhà nước đã quy định.

Hai là, tập trung xây dựng đảng bộ các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ theo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung; với đảng bộ các cơ quan báo chí nói riêng. Xây dựng đảng bộ các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh là cơ sở để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và truyền thông. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mọi mặt của báo chí, nhất là nâng cao tính chính trị của báo chí trong đấu tranh chống luận điệu sai trái, thù địch hiện nay.

Ba là, coi trọng công tác tư tưởng, lý luận của báo chí. Theo đó, các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo phải bám sát mục tiêu cơ bản của nước ta hiện nay là giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ để định hướng cho mọi tổ chức, hoạt động báo chí. Tăng cường tính lý luận chính trị của báo chí để thể hiện rõ lập trường, quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí phải thể hiện rõ vai trò tiên phong, lực lượng chủ lực trong xây dựng hệ thống chính trị, trung tâm là xây dựng Đảng và Nhà nước về chính trị, tư tưởng; đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhất là trình độ lý luận và phương pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận; ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Xây dựng đội ngũ nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên” là yêu cầu xuyên suốt đối với hoạt động báo chí. Tuy nhiên, do yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận của báo chí nước ta hiện nay, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức có hiệu quả hơn nữa lực lượng cán bộ báo chí chuyên sâu và chuyên trách trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Năm là, tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị, cơ quan lãnh đạo và quản lý trong hệ thống chính trị nước ta. Đây là những phương pháp, cách thức mà báo chí đã thực hiện để có thêm lực lượng và tăng cường hiệu quả đấu tranh trong thời gian qua. Tuy đã thu được những kết quả ban đầu, rất quan trọng, song còn không ít những hạn chế, nhất là về hình thức, phương pháp, cơ chế phối hợp. Với lợi thế về sở trường và khả năng về tri thức lý luận và tri thức kinh nghiệm thực tiễn, những tổ chức, cơ quan và đội ngũ cán bộ này sẽ là lực lượng hùng hậu, tham gia có hiệu quả vào những chương trình, định hướng hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; góp phần tăng thêm uy tín, vị thế của báo chí Việt Nam trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị, cơ quan lãnh đạo và quản lý trong hệ thống chính trị nước ta vừa là một nhiệm vụ chính trị, vừa là một giải pháp phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch hiện nay.

Sáu là, coi trọng xây dựng báo chí truyền thông hiện đại, đa phương tiện, bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ số. Đây vừa là một thách thức, vừa là một yêu cầu, nhiệm vụ rất cao đối với ngành, từng cơ quan và đội ngũ cán bộ báo chí nước ta trong thời gian tới. Chính sự chênh lệch về công nghệ và quy mô tổ chức và lực lượng báo chí theo xu hướng hiện đại của nước ta so với thế giới phương Tây thời gian qua, mà các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng để tiến công áp đảo, truyền bá, thẩm thấu các luận điệu sai trái, thù địch, làm cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Vì vậy, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ quan báo chí truyền thông và đội ngũ cán bộ báo chí ở nước ta theo xu hướng công nghệ số đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết./.



[1] C.Mác (2-1842), “Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ”, C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.99.

[2] Ph.Ăngghen (9-1871), “Về hoạt động chính trị của giai cấp công nhân”, C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.551.

[3] V.I.Lênin (3-1919), “Đại hội I Quốc tế Cộng sản”, V.I.Lênin toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.603, 604.

[4] Hồ Chí Minh (4-1959), “Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.171.

[5] Hồ Chí Minh (4-1959), “Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.164.

[6] Hồ Chí Minh (4-1959), “Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.166.

[7] Hồ Chí Minh (4-1959), “Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.166.

[8] Xem: Lê Hải, "Bóc trần và đấu tranh với thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội", Tạp chí Cộng sản, 22:33, ngày 03-10-2019.

Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Quang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực