Quyết tâm cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ hai, 15/11/2021 11:36
(ĐCSVN) - Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này được đánh giá là phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; thể hiện quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi vi phạm trong đội ngũ đảng viên.

Trong lịch sử hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục quyết tâm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” (1). Ngay sau Đại hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đẩy mạnh. Nhiều đảng viên có sai phạm là cán bộ cấp cao đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, đề nghị kỷ luật.

Và để phù hợp với yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mới đây, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Việc sửa đổi, bổ sung quy định cũng khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc làm trong sạch đội ngũ. Quy định về những điều đảng viên không được làm có ý nghĩa lớn trong phòng ngừa, cảnh tỉnh để đảng viên có ý thức hơn trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân; hạn chế việc cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

leftcenterrightdel
Cần đấu tranh, vạch rõ các luận điệu xuyên tạc Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. (Ảnh chụp màn hình) 

Đáng tiếc là với động cơ chính trị thiếu trong sáng, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, nhiều cá nhân cơ hội chính trị đã đưa ra ý kiến phiến diện, xuyên tạc về quy định này. Một số ý kiến cho rằng, Quy định 37-QĐ/TW là “bình mới, rượu cũ”, nội dung quy định là không thực chất,... Có ý kiến cố tình xuyên tạc: Quy định số 37 với nội dung như: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng” là không đúng, vì như vậy là đảng viên “mất hết sáng kiến, không được phép sáng tạo”. Cũng có những luận điệu cho rằng Đảng ban hành quá nhiều quy định và chồng chéo nhau, vì “đảng viên trước hết cũng là công dân, vậy họ phải tuân thủ pháp luật” nên quy định này của Đảng là…thừa. Thậm chí, có ý kiến còn trắng trợn xuyên tạc khi cho rằng, quy định đảng viên không được “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định” là... vi phạm Hiến pháp.

Trước hết cần khẳng định, không phải đến bây giờ Đảng ta mới chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, những năm gần đây, để ngăn chặn, khắc phục tình trạng vi phạm của cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đi cùng với pháp luật của Nhà nước đã được tăng cường. Theo đó, mọi cá nhân vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội; hàng loạt cán bộ, đảng viên có sai phạm đã được đưa ra ánh sáng. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua, trên 87.000 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật. Trong đó, có 113 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, cả đương nhiệm và đã nghỉ; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

Đối với những nội dung trong Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, có thể thấy những nội dung điều chỉnh so với quy định trước đây (Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011) là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với sự vận động của thực tiễn và yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực chất, những luận điệu nói trên là nhằm hạ thấp mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của Quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo ra diễn biến tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phủ nhận thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sâu xa và nguy hiểm hơn là nhằm làm suy giảm niềm tin, hạ thấp, thúc đẩy, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Điển hình là việc cho rằng, nội dung quy định đảng viên không được “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng” là khiến đảng viên “mất hết sáng kiến, không được phép sáng tạo”. Điều này hoàn toàn phi lý, bởi Điều 9, Điều lệ Đảng hiện hành ghi rõ: “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số”. Bên cạnh đó, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề triệt tiêu sáng tạo của cán bộ, đảng viên.

Thực tiễn đã chứng minh, tăng cường các quy định về kỷ luật Đảng là cơ sở để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là vấn đề có tính chất thường xuyên, liên tục và mang tính kế thừa. Việc bổ sung một số quy định mới để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Từ đó, tổ chức Đảng, đảng viên có cơ sở, căn cứ để rèn luyện, tu dưỡng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng; đồng thời, cũng là cơ sở để tăng cường lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, mọi ý kiến, luận điệu lợi dụng các quy định mới để xuyên tạc, suy diễn, chống phá đều là biểu hiện của những mưu đồ chính trị đen tối và cần bị lên án, đấu tranh, loại bỏ./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 108.

Nguyễn Chiến Thắng (Trường Sĩ quan Lục quân 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực