Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí vào thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay

Thứ tư, 10/11/2021 11:30
(ĐCSVN) - Tìm hiểu những giá trị tự do báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu sâu sắc trên nhiều khía cạnh về tri thức, văn hóa, nghề nghiệp, triết học, đạo đức..., từ đó, mới tổng kết được những bài học kinh nghiệm và những giá trị cần được tiếp tục áp dụng trong thời đại hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo có tư tưởng báo chí khoa học, rõ ràng, ổn định xuyên suốt đời hoạt động, luôn hướng đến mục tiêu cụ thể, cao đẹp, biểu hiện ở từng con chữ, câu từ. Điểm đặc biệt trong tư tưởng báo chí của Người là việc hoạch định rõ các khía cạnh như nhiệm vụ, phương thức, mục tiêu của một nền báo chí.

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc thế hệ những nhà báo đầu tiên, có đóng góp cực kỳ quan trọng trên hai phương diện chính: Thứ nhất, là người sáng lập nhiều tờ báo có tiếng vang thời bấy giờ như Người cùng khổ, Thanh niên, Việt Nam độc lập,...; Thứ hai, là người tham gia viết báo đăng trên nhiều tờ báo lớn trong nước và ngoài nước, với số lượng lên đến khoảng 2.000 bài([1]). Nếu đem so sánh số lượng sản phẩm trên với bất kỳ nhà báo nào trong lịch sử Việt Nam, thì ai cũng phải kinh ngạc trước đóng góp của Người đối với nền báo chí của nước nhà. Sản phẩm báo chí của Người, cả ở góc độ lý luận và thực tiễn, là sự kết tinh giữa tri thức nhân loại và tư duy siêu việt của một con người vĩ đại, trong đó, tư duy về tư tưởng tự do báo chí có thể được coi là chủ đạo, và nó vẫn còn rất hữu ích cho tới ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí

Quyền tự do của báo chí chân chính, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân

Trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ mà Người tâm huyết nhất là việc đấu tranh cho quyền tự do báo chí, chống lại sự ràng buộc tư tưởng đến từ chế độ thực dân phong kiến. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Bác đã trình bày trước Quốc tế Cộng sản rằng: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”([2]). Người kiên quyết đấu tranh để quyền tự do báo chí ấy phải được hoàn trả cho người đủ tư cách, nhằm phục vụ cho chính nghĩa. Tính chính nghĩa của báo chí nằm ở việc phơi trần, ngăn chặn và quét sạch những tiêu cực, đen tối, hình thành vật cản trở lớn nhất đối với sự hoành hành của điều xấu, điều có hại cho lợi ích Tổ quốc, dân tộc; báo chí phải trở thành “thứ vũ khí của ta mà địch căm ghét nhất”([3]). Người cũng căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”([4]), “tà” ở đây chính là những luận điệu giả dối, thông tin sai sự thật, những vi phạm đạo đức về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa,... Tư tưởng tự do báo chí của Hồ Chí Minh còn được thể hiện từ những yếu tố đặc biệt của chính bản thân Người: một nhà báo có mục tiêu chân chính, cao cả; một nhà báo tâm huyết, quyết liệt nhưng đầy sáng tạo, vượt qua khỏi những rào cản tầm thường như danh vọng, địa vị, sự nghiệp riêng; một nhà báo chỉ quan tâm tới mục đích thiêng liêng là “phò chính trừ tà”, phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ Đảng, phục vụ xã hội chủ nghĩa,…

Về tự do tư tưởng, tự do báo chí

Làm báo cũng là làm tư tưởng, tự do báo chí tất nhiên gắn liền với tự do tư tưởng, tự do tư tưởng chân chính phải là thứ đi đến cùng sự phục tùng chân lý. Tự do mà đi ngược lại với chân lý thì không thể nói đó là tự do được, bởi việc đi ngược lại chân lý thể hiện việc bản thân đã bị cái xấu, cái ác, cái phản chân lý lôi kéo, ràng buộc. Trong “Bài nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường đại học Nhân dân Việt Nam” (năm 1956), Hồ Chủ tịch viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do nghĩa là thế nào? Đối với các vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”([5]). Từ đó, Người nhấn mạnh hơn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”([6]). Điều này được Người diễn giải thật dễ hiểu, chân lý mà báo chí phải hướng đến để có được sự tự do chân chính là mang lại lợi ích cho Tổ quốc, cho Nhân dân và phải đấu tranh chống lại những điều được coi là phản chân lý, những điều đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước, của dân tộc. Quan điểm trên của Bác cũng là sự kế thừa từ quan điểm của Lê-nin, báo chí thực sự là vũ khí chiến đấu của giai cấp, là cơ quan tuyên truyền, tham gia vào việc tổ chức và thúc đẩy sự phát triển xã hội bằng các hoạt động tranh luận, thuyết minh, trình bày, phản biện của mình([7]). Từ đó có thể thấy, tự do báo chí không thể tách khỏi lợi ích giai cấp, Tổ quốc và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Khi bàn về thứ tự do tư tưởng, tự do báo chí ở phương Tây, Hồ Chí Minh đã đưa ra những phân tích sắc sảo, đánh đổ hoàn toàn luận điệu cho rằng chỉ những nước phương Tây mới là nơi mang lại sự tự do tuyệt đối cho báo chí, là hình mẫu mà các quốc gia khác cần phải đi theo. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959), Bác khẳng định với đông đảo nhà báo rằng: “Chúng ta phải đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: các báo Pháp như báo Phigaro, báo Nước Pháp buổi chiều… một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo: giật gân, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi những chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền… Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật sự tự do không? Không! Ví dụ: báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu…”([8]). Theo cách lý giải của Người, báo chí phương Tây không hề có tự do thực sự, những nhà báo, hay là giới trí thức đã và đang bị lợi dụng một cách gián tiếp từ những tư tưởng phản chân lý, Bác viết rõ: “Sự thật là tư bản và phong kiến chỉ lợi dụng trí thức. Cách mạng mới thật sự quý trọng trí thức. Dưới chế độ dân chủ mới và xã hội chủ nghĩa, trí thức mới có thể phát huy hết khả năng của mình”([9]). Người xem các nhà báo như những nhà trí thức có sứ mệnh cao cả, dùng ngòi bút để phục vụ chân lý, nhưng có nhiều trường hợp chính bản thân những người có sự mệnh phục tùng chân lý bị lợi dụng. Rõ ràng, không có cái tự do báo chí tách rời khỏi lợi ích giai cấp hay lợi ích của một nhóm người, cái thứ tự do mà người phương Tây hay rêu rao chứa nhiều khía cạnh phản chân lý, tách rời lợi ích chính đáng của phần lớn người dân. Qua đó, báo chí Việt Nam cũng cần mặc định đâu là mục tiêu cho những hoạt động hàng ngày của báo chí, chắc chắn đó phải là lợi ích của Nhà nước, dân tộc và tương lai xã hội chủ nghĩa.

Về nhiệm vụ tự thân và nhiệm vụ thực tiễn của tự do báo chí

Thực tế, một nhà báo tự do thì không bị lệ thuộc vào những thứ như tiền tài, danh vọng, quyền lực, để làm được như vậy thì người cầm bút phải có dũng khí, quyết tâm, không bẻ cong ngòi bút, và đặc biệt là phải có một lập trường chính trị vững chắc. Khi đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được, đường lối chính trị lại được thể hiện ở những nhiệm vụ chính trị của một đất nước trong từng thời kỳ. Thật vậy, tư tưởng chính trị được đảm bảo, thì sức mạnh tinh thần của tờ báo sẽ vững mạnh, đem lại sức sống cho cây bút mà không một thế lực nào có thể dập tắt nó, lúc đó, nhà báo mới có thể đạt được tự do trong báo chí. Hơn nữa, sự tự do trong báo chí luôn phải gắn liền với sứ mệnh của báo chí, Hồ Chủ tịch cho rằng mục tiêu cuối cùng của báo chí là phải mang lại lợi ích thực tế cho Tổ quốc, nhân dân, báo chí không thể tách rời với lợi ích của quốc gia dân tộc, tự do báo chí không phải là việc báo chí được phép làm những điều vô ích, lợi bất cấp hại, hay những điều làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân. Người viết rằng: “Báo chí cần làm cho người dân thấy được những nguyên nhân đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu”([10]). Muốn làm tròn sứ mệnh đó, nền báo chí sẽ phải dám đối mặt với những hiểm nguy, thách thức từ các thế lực hoạt động với mục tiêu làm tổn hại đến lợi ích của dân tộc, báo chí cũng chính là phương tiện mà tất cả các thế lực đó luôn e ngại, vì sức mạnh tư tưởng của báo chí có thể đánh sập bất kỳ mưu đồ nào có ý định chống lại chân lý, chính nghĩa, lợi ích của dân tộc.

Tự do báo chí gắn với tư tưởng chính trị cách mạng

Hồ Chí Minh đưa ra cách thức để trang bị cho người làm báo một kim chỉ nam, luôn luôn hướng đến mục tiêu phục vụ cho chân lý, cho lợi ích nhân dân, đó chính là giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện ý thức, quan điểm chính trị cho nền báo chí. Bác giải thích thêm rằng, vì báo chí của ta cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho hòa bình thế giới nên báo chí phải có một đường lối chính trị đúng đắn. Bản thân tự do báo chí luôn được Người xem là quyền lợi tinh thần to lớn của dân tộc, quyền lợi đấy của người Việt Nam đã bị chế độ thực dân tước đi mất, khi mà báo chí Việt Nam khi ấy không được đả động gì đến chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đăng những vấn đề có lợi cho chế độ cai trị. Theo quan điểm của Người, một đất nước có tự do báo chí phải được thể hiện ở việc các tờ báo được đề cập đến các vấn đề chính trị và những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, quan điểm này cũng đã được Lê-nin phát biểu rõ: Một tờ tạp chí mà không có xu hướng là một điều lố lăng phi lý, chướng tai gai mắt([11]). Tất nhiên, “xu hướng” ở đây mà Lê-nin muốn đề cập đến chính là xu hướng chính trị, như vậy, có thể hiểu xu hướng chính trị chính là linh hồn của một tờ báo. Thủ tiêu chức năng đó đi tức là phá hủy tự do báo chí bên trong mỗi tờ báo, chỉ khi có tư tưởng chính trị làm chủ, thì mới kéo theo những hành vi khác mang lại kết quả đúng đắn. Tư tưởng chính trị thể hiện ở việc báo chí phải mang trên mình tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu, tất cả đều phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều này xuất phát từ quan điểm của Lê-nin về “tự do”, con người chỉ đạt được tự do khi chúng ta sống đúng với luật tự nhiên, mà việc phục vụ chân lý, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội là hành động đúng với quy luật tự nhiên, phù hợp với tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin khi khẳng định quá trình đi các hình thái kinh tế - xã hội phát triển theo chiều hướng đi lên, tiến đến chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên([12]), đúng đắn phổ quát cho mọi thời kỳ. Chính cuộc đời hoạt động báo chí của Hồ Chủ tịch là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tự do báo chí mà người cộng sản đã đạt được. Tất nhiên, để có được một bản lĩnh, tư duy chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức, lãnh đạo chung, thì các nhà báo phải luôn trau dồi về trình độ chính trị, văn hóa.

Thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về tự do báo chí trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Như đã phân tích ở trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận, điều này được thể hiện xuyên suốt trong những bài báo cũng như cả cuộc đời làm báo của Người. Bản thân quyền tự do báo chí là một trong những quyền tự do cơ bản của nhân dân cần được củng cố và phát huy. Trong lời kêu gọi của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930, Đảng ta cũng đã nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc cách mạng là chủ trương “Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”, trong đó có quyền tự do báo chí. Khi đất nước đổi mới, hoạt động báo chí cũng cần có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng những giá trị về tư tưởng tự do báo chí mà Người để lại vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay. Có thể nói rằng, khi mà vẫn còn sự hiện diện của các thế lực thù địch, luôn trong trạng thái sẵn sàng bôi nhọ, xuyên tạc và bóp méo sự thật về tính chính đáng cầm quyền của Đảng ta, thì những quan điểm của Người về tự do báo chí lại càng cần phải được khẳng định trên phương diện lý luận và trong thực tiễn.

Nhận thức mới về tự do báo chí

Với việc đất nước bước vào thời đại bùng nổ thông tin, hàng loạt phương tiện truyền thông, mạng xã hội ra đời, nhiều nguồn thông tin được tạo ra và lan truyền với tốc độ khủng khiếp đã mang đến khá nhiều bất lợi cho nền báo chí, khi mà sự cạnh tranh về tốc độ, phương thức chuyển tải thông tin ngày càng gia tăng… Thông tin và mạng xã hội ngày càng trở nên dày đặc, rất khó để Nhà nước và độc giả có thể kiểm soát được tính đúng-sai, thật-giả, tốt-xấu… Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để bóp méo, xuyên tạc, vu khống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực, đồng thời phủ nhận những thành tựu mà đất nước đã đạt được và được quốc tế thừa nhận. Tuy vậy, chính trong hoàn cảnh ấy, vai trò của báo chí lại càng quan trọng hơn trước nhiệm vụ định hướng thông tin cho dư luận bằng cách chuyển tải những thông tin chính xác, có ích, phục vụ cho lợi ích của số đông và thông tin đến người dân về những chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng… Để vạch trần những thông tin độc hại, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động có mục tiêu chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ những lãnh đạo hiện nay và trong quá khứ của dân tộc, ngành báo chí cần có những sự tăng cường mạnh mẽ về chất lượng và cường độ hoạt động của mình. Điều tiên quyết, là cần tìm ra cách thức chuyển tải, phản ánh đúng sự thật khách quan về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Mặt khác, báo chí cần tạo ra sự gần gũi, sâu sát tới đời sống của đông đảo người dân, khi đó mới tạo ra sức lay động và lan tỏa quần chúng, việc định hướng dư luận cũng mới hiệu quả, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mới từ đó được củng cố. Mới đây, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh tinh thần nhiệm vụ của nền báo chí Việt Nam trong thời đại mới: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”([13]). Báo chí trong thời đại này cũng phải tạo được sự đồng thuận trong lòng dân, tạo ra năng lượng mới để bảo vệ đất nước trong tình hình mới và phải tránh việc đưa tin một cách vội vã, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, tránh trường hợp bị mạng xã hội dẫn dắt… Muốn giúp cho nhân dân có được sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn để tránh được những luận điệu tiêu xuyên tạc, bôi nhọ của thế lực thù địch thì báo chí trước hết phải thực sự xứng đáng trở thành tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, hoạt động trên tiêu chí chuẩn xác, khách quan, chân thật, trên tinh thần phục vụ nhân dân. Thông tin mà báo chí đưa ra phải là những thứ có lợi cho cái chung, cho sự nghiệp cao cả của dân tộc, chứ không phải là những thông tin bị bóp mép, sai lệch để phục vụ cho một nhóm lợi ích nhỏ, những thông tin đó cũng phải đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu, tâm lý của người dân, từ đó mới có quy tụ và thống nhất về tư tưởng và hành động của cộng đồng, mang lại lợi ích chính đáng cho mỗi người.

Hiện nay, thuật ngữ tự do báo chí thường được hiểu theo nghĩa rộng, không đơn thuần là công việc viết báo, in ấn, xuất bản các sản phẩm báo chí, mà còn được hiểu là chuỗi hoạt động bao gồm việc tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo, tự do thành lập các cơ quan truyền thông hay tự do tiếp cận, truyền phát thông tin… và tất cả các hoạt động đó luôn phải được pháp luật bảo vệ. Báo chí hiện có những hình thức thể hiện khác nhau như đưa tin, phóng sự, bút ký, ghi chép, điều tra… từ đó giúp cho độc giả có thể đánh giá được xu hướng của sự phát triển hay suy thoái của một xã hội khi nhìn vào những trang báo hàng ngày; thẩm thấu được những hiện tượng chính trị - xã hội, những thành tích trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, đạo đức,… Tất nhiên, xu hướng chính trị không thể tách rời khỏi báo chí, nhưng khi bước sang một thời kỳ, một giai đoạn phát triển khác, đối tượng hướng đến của báo chí cũng cần thay đổi. Lê-nin trong bài Bàn về tính chất báo chí của chúng ta (1918) đã viết: “Chúng ta rất ít chú ý đến đời sống thường ngày trong công xưởng, nông thôn và bộ đội, là những nơi mà đời sống mới được xây dựng mạnh hơn mọi nơi khác, mà chúng ta phải chú ý hơn mọi nơi khác, phải tuyên dương, phải phê bình công khai, công kích những tật xấu, hô hào học tập cái tốt. Hãy bớt làm rùm beng về chính trị đi. Hãy bớt nghị luận kiểu trí thức đi. Hãy gần gũi với đời sống hơn nữa”([14]). Ý kiến trên của Lê-nin rất có giá trị đối với Việt Nam hiện nay, đất nước của chúng ta đang trong thời kỳ hiện đại hóa, thì nhiệm vụ của báo chí càng phải đi sâu vào những công việc thường ngày của quần chúng, để có thể mô tả xã hội trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tự do báo chí không phải là tự do nói và viết theo ý mình, mà phải hướng đến việc phản ánh đời sống xã hội, các tác phẩm ra đời phải có sự giàu có về chất liệu xã hội, căn cứ xã hội.

Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc và lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí

Trong những năm gần đây, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc vào đất nước ta, thì những âm mưu phá hoại Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch thường xuyên xuất hiện dưới lớp ngụy trang mới, nguy hiểm và khó nhận dạng hơn. Một trong số đó là việc các thế lực thù địch sử dụng trực tiếp các chiêu bài như “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để làm vũ khí đánh trực tiếp vào mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, tạo ra một lập luận “tự do báo chí mù mờ” nhằm xuyên tạc đến tính chính đáng trong sự lãnh đạo toàn dân tộc của Đảng ta. Sự thật là, những thế lực kia đã cố tình đánh tráo khái niệm về “tự do báo chí” bằng cách cố gắng định nghĩa “tự do báo chí” theo hướng là sự thoát ly khỏi mọi hạn chế, mọi sự cấm đoán đối với báo chí – đây hoàn toàn là luận điệu sai lầm và không có căn cứ. Chúng ta đều biết, tự do báo chí ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đều được quy định trong khuôn khổ của pháp luật nhằm ngăn chặn việc báo chí xâm phạm đến quyền tự do của người khác, xuyên tạc sự thật, chống chính quyền,… Chính trong bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789 cũng đã ghi rõ: “Bất kỳ công nhân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”([15]).

Thâm độc hơn, có những phần tử lại lợi dụng yếu tố tự do ngôn luận mà Đảng ta luôn coi trọng, nhằm kích động, kêu gọi bạo động, làm mất trật tự, ổn định trong nước để trục lợi, tiếp đó là vu khống, bịa đặt trắng trợn về những vấn đề tự do ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận. Khi mà Luật An ninh mạng ra đời (năm 2018) nhằm bảo đảm tự do cho người này nhưng không làm phương hại đến người khác, thì các thế lực thù địch lại rêu rao rằng luật này chống lại loài người và chống lại các giá trị dân chủ, tự do ngôn luận... Điều này rõ ràng thể hiện ý đồ bêu xấu Đảng và Nhà nước ta, vì chính các thế lực thù địch không tự hiểu rằng: Luật pháp không phải là những biện pháp để chống lại tự do, mà là để đưa ra những tiêu chuẩn chung nhằm giữ gìn sự an toàn, giá trị, lợi ích không thể xâm phạm của mỗi người. Để đánh tan những luận điệu giả dối, bôi nhọ hình ảnh của Đảng và Nhà nước, cách làm tốt nhất mà ngành báo chí có thể thực hiện chính là công bố những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, được cộng đồng thế giới ghi nhận, đánh giá cao([16]). Đồng thời, phải luôn khẳng định rằng, tự do trong thời đại mới cũng phải được hiểu là không phát ngôn vô lối, xuyên tạc, kích động gây rối, có những hành vi đáng lên án và trừng phạt khác. Ở đất nước dân chủ, pháp luật cần phải được thượng tôn, chỉ khi con người tuân theo pháp luật thì mới có thể xem đó là người được tự do và có đầy đủ nhận thức, sự tự do thể hiện ở việc kiểm soát được hành vi của mình và hướng bản thân hành động theo đúng giá trị cao đẹp, đúng đắn của dân tộc. Tự do ngôn luận hay tự do báo chí là biểu hiện của trình độ nhận thức và khả năng tự chủ của bản thân, chứ không phải là khả năng “muốn làm gì thì làm” của bất cứ cá nhân nào, và thước đo đích thực của tự do báo chí chính là những hoạt động đúng đắn, đi đúng với lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Tiếp tục nâng cao năng lực và tính chiến đấu của báo chí

Khi có những mưu đồ sử dụng giá trị tự do báo chí để thực hiện việc xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Đảng, Nhà nước, thì báo chí Việt Nam cũng phải luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng xông pha, chiến đấu. Để làm được điều đó, trước hết, cần phải không ngừng nâng cao chất lượng nội dung bài viết, vì mỗi bài báo được viết ra đều sẽ có những tác động nhất định đến dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tri thức phong phú, nhận thức đầy đủ và đúng đắn, có tinh thần trách nhiệm, cẩn thận cả về nội dung và hình thức khi thực hiện quá trình làm báo. Bởi vì, chỉ một sự cẩu thả thôi cũng có thể làm tổn hại đến lợi ích, đến hình ảnh của quốc gia, dân tộc. Khi mà trình độ người dân ngày càng được nâng cao, thì báo chí cũng phải tự chuyển mình lên một tầng tri thức mới, mẫu mực về mọi mặt để phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề của đất nước, đồng thời luôn trong trạng thái sẵn sàng bẻ cong mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, chống nhà nước, chống lại lợi ích của nhân dân. Phải nói rằng, từ khi ra đời cho đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh thống nhất và xây dựng Tổ quốc; báo chí luôn được xem là phương tiện quan trọng để tạo ra diễn đàn cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý xã hội và phát triển kinh tế; báo chí cũng là vũ khí sắc bén để chống lại mọi luận điệu xảo trá và âm mưu phá hoại Đảng và Nhà nước, ngăn chặn đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với báo chí

Nhìn về quá khứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch sẵn những tôn chỉ và mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó, Người nhấn mạnh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”([17]). Một nền báo chí được xem là có tự do khi nền báo chí ấy có thể làm tốt những sứ mệnh cao cả trên. Tư tưởng đó của Người đã được Đảng ta vận dụng và phát triển trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, đồng thời được Đảng và Nhà nước xây dựng thành kim chỉ nam cho hoạt động báo chí, và được quán triệt trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng ta. Cụ thể ở nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 1-8-2007, của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, nhấn mạnh: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”([18]). Khi báo chí được dẫn dắt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì hoạt động báo chí mới có thể đảm bảo được tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đại đa số nhân dân, đất nước. Để thể hiện vai trò lịch sử của mình, nhất là trong thời đại mà âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đang diễn ra ngày càng phức tạp, báo chí phải trở thành lực lượng tiên phong và chủ chốt trong sự nghiệp đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giữ vững mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng phải dựa trên cơ sở của những thông tin chính xác, trung thực; phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước, cộng đồng, dân tộc, đồng thời phù hợp với văn hóa, truyền thống, lịch sử của nước nhà… nhưng trên tất cả thì phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng của báo chí

Một nền báo chí được tự do là một nền báo chí được phản ánh đời sống xã hội, một nhà báo tự do là người được viết về bản chất của cuộc sống ở mỗi thời kỳ lịch sử, là người có nhận thức đầy đủ về các hiện tượng đang xảy ra xung quanh đời sống xã hội và nỗ lực tìm ra các phương pháp để giải quyết các hiện tượng đó. Báo chí hiện nay là phải tìm tòi, phân tích để mang lại sự nhận thức và phản ánh đúng hình ảnh của đời sống xã hội, gắn bó sâu sắc với xã hội, nhân dân. Thời đại chúng ta là thời kỳ xây dựng đất nước lên xã hội chủ nghĩa, thì báo chí phải góp phần phục vụ cho mục tiêu lý tưởng chung của chủ nghĩa cộng sản, khi đấy thì chính sự tự do của báo chí mới đạt đến những giá trị cao đẹp, đúng đắn nhất. Khi báo chí sử dụng được sự tự do của mình để làm tốt việc bày tỏ và giải thích những vấn đề quan trọng, đồng thời thuyết phục được người nghe để họ có thể trở thành những cá nhân có đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề của xã hội, đất nước và dân tộc, thì khi đó báo chí đã hoàn thành sứ mệnh mà thời đại giao cho mình.

Cuối cùng, nền báo chí Việt Nam phải tiến hành quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tức là quán triệt ý thức trách nhiệm chính trị xã hội của báo chí. Khi đã có nhận thức ngang tầm nhiệm vụ thiêng liêng của nghề báo, cũng là khi mỗi nhà báo đạt đến được sự tự do đúng nghĩa nhất, sự tự do thoát ly khỏi những tính toán vụ lợi, ích kỷ, thoát khỏi những ảnh hưởng từ nhiều phía, để tạo ra một nhân cách cao đẹp, sẵn sàng cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam đang đi trong thời đại mà thế giới có sự vận động thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng, một thế giới mà mọi thứ gần như bắt đầu đảo lộn, có sự mập mờ giữa tốt xấu, đúng sai, thiện và ác… nên tất cả ngày càng trở nên phức tạp. Chủ nghĩa thực dân đã thay hình đổi dạng trong tình hình mới với nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng khi ngẫm lại những bài báo của Bác, chúng ta vẫn thấy được ít nhiều chứng tích về bản chất của những mặt tối của CNTB; vẫn còn những khát vọng mạnh mẽ của cả dân tộc Việt Nam đang hướng đến điều tốt đẹp ở xã hội lý tưởng, khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc, độc lập. Chính vì thế, tư tưởng tự do báo chí của Hồ Chí Minh sẽ vẫn sáng mãi cho hôm nay và mai sau.

 

 

([1]) Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 10

([2]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. I, tr. 34, 35

([3]) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh về báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 106

([4]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. V, tr. 157

([5]) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1956, t. III, tr. 301-305

([6]) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh về báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 214

([7]) Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 21

([8]) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh về báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 225

([9]) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh về báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 215

([10]) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh về báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 63

([11]) Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 27

([12]) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 23, tr. 21

([13]) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 216

([14]) Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 97

([15]) Trương Quốc Chính và Nguyễn Thị Mai Anh: Tránh bẫy “tự do báo chí” trong thời kỳ hội nhập quốc tế, TCCS điện tử, 2019.

[16] Xem: Tạp chí Cộng sản, số 930 (11-2019), tr. 27

([17]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. XII, tr. 166

([18]) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr. 42, 43

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà* - Nguyễn Tất Trường, Tạp chí Cộng sản

Tạp chí Cộng sản

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực