Giữ vững chủ quyền gắn phát triển kinh tế biển, đảo

Thứ bảy, 06/02/2016 20:21
(ĐCSVN) – Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận từ trong hội trường đến trao đổi ở hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, giữ vững chủ quyền biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển luôn luôn là yêu cầu cấp thiết.
Biển càng có vai trò lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước. (Ảnh: TH)

Nói về cơ hội hợp tác, phát triển trên Biển Đông tại Đại hội XII của Đảng, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, cùng với những thách thức đan xen là nhiều cơ hội để hợp tác, phát triển châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển năng động nhất hành tinh, thế kỷ XXI được mệnh danh là "thế kỷ của đại dương". Đất nước Việt Nam may mắn nằm trong không gian năng động đó.

Ở tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X tháng 2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; chính thức ghi nhận thế kỷ 21 là “thế kỷ của đại dương”. Sự ghi nhận này của Đảng đã mở rộng nội hàm khái niệm phát triển kinh tế biển, nội hàm chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Sự mở rộng nội hàm này chính là việc nhấn mạnh phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn với bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa X đã khẳng định: “Ngày nay biển càng có vai trò lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước…” nên chúng ta phải: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh".

 
 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. (Ảnh:TH)    
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Năm năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt.

 

Đồng tình với báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, dự báo về giai đoạn tới, nhiều ý kiến tại Đại hội XII của Đảng cho rằng, sự phức tạp của tình hình Biển Đông sẽ là nhân tố quan trọng tác động tới tình hình đất nước. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhận định, trước xu thế hội nhập và mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh lợi ích giữa các nước, chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng hoạt động “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ ta... Tình hình Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới.        

Trong khi đó, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á sẽ là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Tranh chấp trên Biển Đông sẽ diễn biến gay gắt, phức tạp. Khó khăn thách thức cũng nhiều nhưng cơ hội hợp tác phát triển trên biển cũng là một lợi thế lớn của chúng ta…

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ: "Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ trong tâm hồn người Việt, biển lại gây xôn xao đến vậy. Sự xôn xao này không chỉ gợi lên chút lãng mạn trong thi ca, âm nhạc mà nó được nâng lên thành tầm "chiến lược quốc gia", gắn với "vận hội" của dân tộc. Lớn lao và trọng đại, nhưng cũng mộc mạc và giản dị: Sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển. Nói cách khác, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

 
Thượng tướng Nguyễn Tiến Trung. (Ảnh:TH) 
Trước cơ hội và thách thức đan xen, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nêu rõ: Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ trong thời bình là kế sách “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình; trước yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc tăng cường quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu trong việc xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho rằng, khẳng định chủ quyền quốc gia là lợi ích tối cao, là thiêng liêng. Tuy nhiên, Việt Nam phản đối việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông. Chúng ta kêu gọi các quốc gia phải tôn trọng pháp luật quốc tế và phải đề cao trách nhiệm, phải đứng trên lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển để giải quyết. Sự ổn định về an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông không chỉ là vấn đề lợi ích của các quốc gia trong khu vực mà còn là lợi ích của nhiều quốc gia khác, thậm chí là hầu hết các nước trên thế giới. "Việt Nam sẽ gắn lợi ích của các quốc gia đó với mình" - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhấn mạnh.                                                                                                       

Đồng tình với đồng chí Ngô Xuân Lịch, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng phải chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và thực hiện kế sách "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy". Để thực hiện được điều đó, phải giữ vững "trong ấm, ngoài êm". “Nếu ta xây dựng khu vực phòng thủ tốt, bên trong vững bền thì không có thế lực nào nhòm ngó. Chúng ta phải học ông cha là vừa xây dựng, phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với quốc phòng an ninh. Đất nước mạnh lên thì thêm nguồn lực xây dựng quân đội, thế trận lòng dân để nhân dân tin vào Đảng, vào chế độ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chế độ và cảnh giác với kẻ thù” – Thượng tướng Võ Tiến Trung nêu rõ.

Cùng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định: Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một đại chiến lược của đất nước, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Quảng Ngãi sẽ nỗ lực cùng cả nước thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu từ biển; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển và tiến đến một cường quốc biển.                                                              

Có thể nói, Biển Đông chắc chắn không chỉ nằm sâu trong tâm thức của những người gắn bó cuộc đời với sóng gió mặn mòi của biển như người dân Quảng Ngãi mà luôn là một phần máu thịt quý giá và thiêng liêng trong trái tim của hơn 90 triệu dân đất Việt. Bằng tình yêu biển, yêu Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi người dân đất Việt nguyện chung ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; song hành với phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đưa đất nước vững bước tiến lên./.

 

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực