Biến tướng với nhiều chiêu trò lừa đảo online dịp Tết

Thứ tư, 18/01/2023 15:57
(ĐCSVN) - Các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng nở rộ, biến tướng với nhiều chiêu trò tinh vi, đặc biệt là dịp cận Tết, không ít nạn nhân vì nhẹ dạ cả tin sập bẫy lừa đảo gây thiệt hại lớn về tài sản cho các nạn nhân...
Người dân cần cảnh giác trước những lời mời chào kiếm tiền online trên mạng xã hội. 

Người dân cảnh giác những lời mời chào trên mạng xã hội

Mới đây, xuất hiệt một số đối tượng thông qua Facebook mời người dùng tham gia vào một nhóm Zalo hỗ trợ đầu tư tài chính, đối tượng hướng dẫn người chơi tải ứng dụng, mở tài khoản, nạp tiền vào ứng dụng. Khi mới tham gia, việc đầu tư rất dễ dàng và rút tiền lợi nhuận về tài khoản ngân hàng được thực hiện nhanh chóng. Nhiều người đã tin tưởng và đầu tư số tiền lớn. Thế nhưng sau khi đầu tư, lãi được khoản tiền lớn, người chơi muốn rút thì các đối tượng lấy nhiều lý do gây khó dễ, yêu cầu nộp thêm một khoản phí. Tuy nhiên, khi người chơi nạp tiền vào thì tài khoản bị ngừng hoạt động và nhóm chat trên Zalo cũng bị xóa.

Trường hợp của mẹ chị Giang, bà nhận được một số máy lạ mời gia nhập vào một nhóm kín trên nền tảng Zalo để đầu tư tài chính. Đó là đầu tư coin. Lúc đầu bà được yêu cầu đóng 1 triệu đồng tiền phí bảo hiểm, sau đó vài ngày các đối tượng trả vào tài khoản của bà 2 triệu đồng.

"Sau khi mẹ tôi nhận được số tiền đó, hàng ngày có rất nhiều người ở trong nhóm đó kết bạn, inbox cho mẹ tôi để hỏi han, gửi ảnh nhà, xe và chụp nhiều tiền mặt để trong xe ô tô hoặc nhiều tiền mặt để trên bàn cho mọi người xem và gửi lời cảm ơn đến nhóm, đến thầy nên mẹ tôi lại càng tin vào nhóm đó", chị Nguyễn Thị Hương Giang, người nhà nạn nhân, cho biết.

Với chiêu trò thả con săn sắt bắt con cá rô, các đối tượng thông báo trong tài khoản coin của bà hiện đang có gần 200.000 USD, tương đương 5 tỷ đồng. Muốn lấy số tiền ra, bà phải đóng 1 tỷ tiền phí bảo hiểm. Mẹ của chị Giang đã tin tưởng, cố gắng xoay xở vay mượn và chuyển số tiền gần 850 triệu đồng cho các đối tượng vào 7/1 vừa qua. Tuy nhiên hiện tiền không lấy lại được, còn tài khoản của bà được cấp để vào trang web bỗng nhiên bị khóa.

"Số tiền đó là số tiền rất lớn trong tổng số tiền 845 triệu mẹ tôi nợ và gắn sổ đỏ. Tôi đang chuẩn bị về quê gấp để rút sổ đỏ mà mẹ tôi đã gán cho người ta để lấy tiền nộp cho bọn lừa đảo", chị Giang cho biết thêm.

Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm khi Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, không khó để tìm được những trang đăng thông tin tuyển dụng, làm việc tại nhà, mức lương cao nhưng không cần kinh nghiệm... Đơn cử như việc xem, like video trên tiktok có thể kiếm 500 nghìn đồng/ngày. Nhiều người nghĩ việc này quá đơn giản nhưng không hẳn thế. Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, đơn giản, nhiều kẻ gian đã lợi dụng việc này để kiếm những món tiền không nhỏ.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Hạnh - sinh viên năm nhất một trường đại học tại Hà Nội: “Vào thời gian rảnh em hay lướt web, tình cờ em đọc được thông tin chỉ cần xem video trên tiktok có thể kiếm tiền, tưởng mình may mắn, em nghĩ mình có thể giảm gánh nặng cho bố mẹ. Sau khi đồng ý với việc xem, like kiếm tiền, em được hướng dẫn làm nhiệm vụ xem video TikTok bằng cách tải một app, website trung gian. Tại đây, đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên theo cấp độ như vàng, bạc, đồng, kim cương hoặc vip 1, vip 2, vip 3... tương ứng với các mức giá từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng.

"Thời gian đầu tham gia sau khi hoàn thành nhiệm vụ em cũng nhận được mức tiền nhỏ, nhưng muốn nhận được nhiều tiền hơn thì phải thực hiện gói nhiệm vụ lớn với mức giá cao hơn. Càng làm càng ham, em đã đi vay bạn bè rồi vay nóng để làm nhiệm vụ. Tự nhiên hệ thống báo lỗi nên em làm xong nhiệm vụ mà không rút được tiền vậy là giờ em mất hết, em không biết nói với gia đình thế nào”, Nguyễn Hạnh kể lại.

Người dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các địa chỉ web của mình

Hành vi của các loại tội phạm này đang ngày một tinh vi hơn. Do đó Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, nêu cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này. 

Không dừng ở các vụ lừa đảo cá nhân, các vụ lừa đảo nhờ vào công nghệ quy mô lên đến cả nghìn người với số tiền chiếm đoạt cả nghìn tỷ đồng. Thời gian qua nhiều ứng dụng ra đời. Đáng nói, vẫn là những chiêu thức cũ đánh vào lòng tham bằng những miếng mồi là lợi nhuận khủng. Dù những ứng dụng này liên tiếp bị các cơ quan chức năng đánh sập, nhưng mỗi lần ra đời nó vẫn lôi kéo được nhiều người tham gia.

Các dự án như: Quỹ trợ cấp y tế, lãi suất 1,75%/ngày; chu kỳ đầu tư 15 ngày; trả lãi theo ngày, thanh toán gốc khi đáo hạn, tính ra với khoản lãi suất trên, chỉ 2 tháng là đã có thể nhân đôi số tiền đầu tư. Thu nhập khi tham gia dự án này rất hấp dẫn, lãi cao, thời gian hoàn vốn lại nhanh, hàng nghìn người rỉ tai nhau cùng bỏ tiền vào MOE+. Trong các group đội nhóm, nhóm ít cũng hơn 100 người, nhóm nhiều lên tới gần 1.000 người.

Ví dụ: Khi người chơi tham gia 10 triệu thì dự án sẽ chiết khấu 10% và người giới thiệu người chơi được 10%, tức là mỗi người được 1 triệu. Trả lãi theo ngày, hàng ngày người chơi có thể rút tiền được và tái đầu tư khoản tiền đó. 

Ngoài ra, khi tham gia vào MOE+, những môi giới của ứng dụng MOE+ cam kết giúp người chơi gia tăng thu nhập từ 20 - 30% trở lên. Toàn bộ quá trình vào MOE+ đều an toàn về vốn đầu tư. Với thời gian hoàn vốn từ 40 - 50 ngày, tránh mọi rủi ro cho nhà đầu tư. Lợi nhuận hấp dẫn, kèm theo những phần quà đặc biệt có giá trị như: "1 chuyến du lịch, nhận bao lì xì 5 triệu đồng, còn được rút thăm trúng thưởng cực lớn gồm giải đặc biệt là 1 con Mercedes 2,5 tỷ đồng và 300 giải lucky"... khiến nhiều nhà đầu tư đã đổ rất nhiều vốn, thậm chí còn cầm cố tài sản, nhà cửa, đất đai, xe cộ, giấy tờ...

Để thu hút người tham gia, ứng dụng MOE+ cũng liên tục đưa ra các gói đầu tư khác nhau. Gói đầu tư sau lãi lại cao hơn gói đầu tư trước. Mới đây, ngày 18/12/2022, ứng dụng này ra mắt dự án có tên "Hugo, Ras - Phúc lợi tất niên" với lãi suất lên tới 1,98%/ngày, tương đương với 59,4%/tháng, 712,8%/năm.

Sau khi dụ dỗ được người tham gia bỏ tiền đầu tư, cách đây vài ngày, ứng dụng MOE+ bỗng nhiên lấy lý do bị thanh tra thuế không cho người tham gia rút tiền và sau đó một ngày, ứng dụng này bỗng dưng bị sập, không thể truy cập được. 

Theo ghi nhận của công ty bảo mật CyRadar, trong tháng 12/2022, có hơn 1,6 triệu tên miền độc hại xuất hiện, tăng 10% so với các tháng trước. Riêng tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá chiến dịch lừa đảo dịp cuối năm chủ yếu xoay quay các kịch bản nhắm vào hành vi dịp lễ Tết: mạo danh cho vay, các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến, quà tặng.

Thủ đoạn thường thấy của tội phạm là xây dựng các website có tên miền, giao diện giống với các cơ quan, ngân hàng uy tín và tìm cách phát tán tới người dùng. Do đó trước khi truy cập, người dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các địa chỉ web của mình.

Theo ghi nhận từ cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, mục tiêu tài chính trong các vụ lừa đảo trực tuyến chiếm 76%. Các tổ chức tài chính và ngân hàng khẳng định, trong quy trình làm việc, họ không có bất cứ một yêu cầu tài chính nào với các khách hàng của mình thông qua điện thoại.

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người dân cần thận trọng, nhất là trong dịp cuối năm, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cơ quan chức năng và phản ánh tại địa chỉ: https://canhbao.khonggianmang.vn.

Những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng như trên không hiếm, các hình thức lừa đảo trên mạng rất đa dạng từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư…, nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền. Do đó, người dân cần tỉnh táo và cần tuân thủ các nguyên tắc như "hãy chậm lại" khi nhận được các tin nhắn hay các lời chào mời./.

Nguyễn Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực